Để tạo nguồn kết nạp đảng viên ở địa bàn dân cư rất cần sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát của các tổ chức đảng với những giải pháp, kế hoạch cụ thể phù hợp tình hình địa phương cùng những cách làm hay để đem lại kết quả tích cực trong công tác phát triển đảng viên.
Những kinh nghiệm rút ra
Qua tìm hiểu thực tế, những địa phương làm tốt công tác phát triển đảng viên ở các thôn, tổ dân phố, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư như sau: Cần làm tốt công tác quán triệt nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các cấp ủy, chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong tình hình mới; coi trọng chất lượng, khắc phục tư tưởng định kiến, hẹp hòi trong công tác tạo nguồn, xét kết nạp đảng viên. Hàng năm, sau khi khảo sát tình hình nguồn phát triển đảng viên của cơ sở, các cấp ủy xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu kết nạp cho các tổ chức đảng trực thuộc tùy thuộc vào tình hình, đặc điểm và lợi thế về đối tượng nguồn kết nạp vào Đảng ở mỗi nơi. Theo đó, các chi ủy, chi bộ xây dựng kế hoạch hoạt động, kế hoạch tạo nguồn kết nạp đảng viên sẽ phù hợp và hiệu quả hơn. Đồng thời, thực hiện việc giao chỉ tiêu cho các đoàn thể chính trị - xã hội trực thuộc để các đoàn thể đăng ký và tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp, giáo dục quần chúng, đoàn viên, hội viên nhằm nâng cao ý thức giác ngộ của quần chúng về Đảng; rà soát, nắm chắc số lượng, chất lượng đoàn viên, hội viên để phát hiện những nhân tố có khả năng, triển vọng; qua đó, lựa chọn quần chúng ưu tú giới thiệu cho chi bộ xem xét tạo nguồn kết nạp Đảng.
Lễ kết nạp đảng viên mới ở Chi bộ thôn Vĩnh Điềm Trung, xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang (tháng 1-2021).
Cùng với đó, trung tâm chính trị cấp huyện và đội ngũ giảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, góp phần xây dựng niềm tin với Đảng, bồi dưỡng ý chí, động lực, tinh thần trách nhiệm và nguyện vọng của các quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng.
Thực tế, nơi nào đời sống vật chất, tinh thần của quần chúng nhân dân nói chung, của đoàn viên, hội viên tổ chức, đoàn thể nói riêng được đảm bảo, nơi ấy sẽ có nhiều nhân tố tích cực là nguồn để các cấp ủy, tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội xem xét kết nạp đảng viên. Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương cần quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao đời sống do người dân. Đồng thời, cần thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc, thủ tục kết nạp đảng viên; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, giúp đỡ đảng viên dự bị để 100% đảng viên dự bị được công nhận đảng viên chính thức; gắn trách nhiệm của đảng viên chính thức được phân công giúp đỡ đảng viên dự bị khi đảng viên dự bị không được công nhận thành đảng viên chính thức.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc của các cấp ủy đảng, người đứng đầu đối với công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên và việc thực hiện các nghị quyết, kế hoạch có liên quan; kịp thời nêu gương, động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác xây dựng tổ chức đảng.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Để làm tốt công tác tạo nguồn phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau: Hàng năm, các cấp ủy đảng phải xây dựng nghị quyết, kế hoạch kết nạp đảng viên mới phù hợp với tình hình, đặc điểm địa phương, đơn vị mình, trong đó, cần quan tâm đảm bảo tỷ lệ nữ, đoàn viên, thanh niên…; đồng thời xây dựng chỉ tiêu để làm mục tiêu phấn đấu. Hàng quý, lãnh đạo huyện, thị, thành ủy phải yêu cầu các cơ quan chuyên môn báo cáo kết quả công tác phát triển đảng viên để kịp thời đôn đốc nhằm thực hiện đạt chỉ tiêu tỉnh giao. Cấp ủy cấp huyện chỉ đạo các đảng ủy xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc việc nêu gương của cán bộ, đảng viên và bảo đảm chất lượng kết nạp đảng viên. Các chi bộ chỉ giới thiệu kết nạp vào Đảng những quần chúng có động cơ đúng đắn, quá trình phấn đấu rõ ràng, có thành tích nổi bật, được hội viên, đoàn viên và nhân dân ghi nhận, không chạy theo số lượng chỉ tiêu.
Hàng năm, đảng ủy xã, phường, thị trấn thảo luận thống nhất xác định chỉ tiêu tạo nguồn và phát triển đảng viên. Trên cơ sở đó, giao chỉ tiêu cụ thể cho các chi bộ phấn đấu và chỉ đạo các chi bộ xây dựng kế hoạch về tạo nguồn và kết nạp đảng viên theo nghị quyết của đảng ủy. Trong triển khai thực hiện, cần phân công đảng ủy viên phụ trách theo dõi, giúp đỡ các chi bộ thực hiện tạo nguồn phát triển đảng viên; chỉ đạo các đồng chí Khối vận, Ban Tuyên giáo Đảng ủy, Văn phòng Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cùng theo dõi, phối hợp hỗ trợ các chi bộ thực hiện nhiệm vụ trong quá trình thực hiện các bước tạo nguồn kết nạp đảng viên. Đảng ủy xã, phường, thị trấn đều phải rà soát, thống kê theo dõi, đánh giá kết quả phấn đấu từng đối tượng cảm tình Đảng; định kỳ 6 tháng tổ chức sinh hoạt, mời báo cáo viên cấp huyện về nói chuyện theo chủ đề, góp phần nâng cao nhận thức về lý luận chính trị, về lý tưởng, đường lối, quan điểm và lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam cho các đối tượng cảm tình Đảng và đảng viên trẻ.
Chi bộ thôn, tổ dân phố hàng năm tiến hành rà soát từ nguồn đối tượng cảm tình Đảng, chọn ra những nhân tố nổi trội để phân công đảng viên chính thức theo dõi, giúp đỡ, báo cáo chi bộ tại các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng và đề xuất chi bộ xem xét kết nạp vào năm sau. Đồng thời, mỗi đảng viên chính thức tiến cử ít nhất 1 quần chúng ưu tú để chi bộ lập danh sách cùng với những nhân tố tích cực khác do các đoàn thể giới thiệu để tiếp tục tạo nguồn đối tượng cảm tình Đảng thời gian tiếp theo. Với các đối tượng cảm tình Đảng là công nhân lao động, đảng ủy xã, phường, thị trấn có trách nhiệm giới thiệu với tổ chức đảng trong doanh nghiệp (đối với những nơi có tổ chức đảng) để tiếp tục bồi dưỡng kết nạp Đảng. Ngoài ra, các chi bộ cần chú ý vận động gia đình của quần chúng ưu tú tạo điều kiện cho con em mình tham gia tích cực hoạt động ở địa bàn dân cư, phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Ban tổ chức cấp ủy cấp huyện cần tập trung tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển đảng viên, phối hợp với ban tuyên giáo cấp ủy, trung tâm chính trị cấp huyện tổ chức lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng riêng cho những đối tượng là công nhân trong các doanh nghiệp vào các ngày chủ nhật, thay vì học liên tục ngày thường, tạo điều kiện cho quần chúng ưu tú tham gia khóa học đông đủ. Với việc xác minh lý lịch cho những quần chúng quê quán ở xa, Ban tổ chức hướng dẫn đảng ủy xã (phường, thị trấn) phân công cán bộ chủ động liên hệ cấp ủy địa phương là quê gốc đối tượng cảm tình Đảng để xác minh lý lịch, phối hợp với Công an huyện sưu tra lịch sử chính trị những trường hợp chưa rõ. Cán bộ tổ chức cấp ủy phải hướng dẫn tỉ mỉ, giúp quần chúng hoàn thành thủ tục hồ sơ nhanh gọn, tránh trường hợp phải viết lại nhiều lần mới hoàn chỉnh được lý lịch kết nạp đảng.
Các tổ chức đảng trong doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển đảng viên trong công nhân; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chi bộ nơi cư trú để tiếp nhận và tiếp tục bồi dưỡng quần chúng ưu tú được giới thiệu cho tổ chức đảng trong doanh nghiệp.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202108/phat-trien-dang-vien-o-cac-thon-to-dan-pho-thuc-trang-va-giai-phap-bai-2-can-su-vao-cuoc-quyet-liet-sau-sat-8225230/