Báo cáo tổng kết Đề án số 03, ngày 29-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về tập trung xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên ở thôn, tổ dân phố và các trường học, giai đoạn 2017 - 2020 và báo cáo kết quả công tác phát triển đảng viên của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy, nhiều địa phương đã hoàn thành các chỉ tiêu đại hội đề ra, riêng chỉ tiêu kết nạp đảng viên có nhiều địa phương không đạt. Có nhiều chi bộ thôn, tổ dân phố cả nhiệm kỳ không kết nạp được đảng viên nào. Thực trạng thiếu nguồn phát triển đảng viên ở các thôn, tổ dân phố (địa bàn dân cư) là vấn đề nan giải của nhiều cấp ủy địa phương.
Bài 1: Khó tạo nguồn kết nạp đảng viên mới
Những năm gần đây, nhiều chi bộ thôn, tổ dân phố gặp khó khăn trong tạo nguồn phát triển đảng viên mới do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vì vậy, việc quan tâm bồi dưỡng, thu hút thế hệ trẻ phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng để bổ sung sức trẻ cho Đảng là nhiệm vụ cấp thiết được nhiều cấp ủy đặt ra.
Lễ kết nạp đảng viên mới ở Chi bộ tổ dân phố Yên Hòa 1, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm (năm 2020). Ảnh: Lê Huế
Thực trạng đáng quan tâm
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, có 16/20 chỉ tiêu đạt và vượt. Mục tiêu xây dựng tỉnh Khánh Hòa giàu đẹp đã được quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. So với khu vực và cả nước, Khánh Hòa đang từng bước trở thành một trong những trung tâm kinh tế động lực và trung tâm du lịch lớn, tiếp tục duy trì là 1 trong 16 tỉnh có đóng góp vào ngân sách Trung ương.
Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức đảng, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. Đảng bộ tỉnh có 15 đảng bộ trực thuộc, 682 tổ chức cơ sở đảng và 2.538 chi bộ trực thuộc cơ sở. Hiện nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 45.024 đảng viên. Toàn tỉnh có 968 thôn, tổ dân phố và đều có chi bộ độc lập. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 (đến ngày 30-9-2020), toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp 9.351 đảng viên; bình quân hàng năm kết nạp 1.870 đảng viên (Nghị quyết Đại hội đề ra là 1.800 đảng viên/năm), trong đó đảng viên được kết nạp trong độ tuổi thanh niên đạt 60,44% (Nghị quyết Đại hội đề ra 55%).
Tuy nhiên, công tác kết nạp đảng viên tại địa bàn dân cư chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Trong 5 năm qua, 968 chi bộ thôn, tổ dân phố (thuộc 136 đảng bộ xã, phường, thị trấn) chỉ kết nạp được 1.206 đảng viên, chiếm 12,9% tổng số đảng viên mới kết nạp của toàn Đảng bộ tỉnh. Trong đó, có 208 chi bộ thôn, tổ dân phố, mỗi chi bộ chỉ kết nạp được 1 đảng viên; 291 chi bộ không kết nạp được đảng viên nào.
Tham gia đoàn công tác của tỉnh về làm việc với các đảng ủy xã, phường, thị trấn, một Bí thư Chi bộ tổ dân phố trầm tư khi chúng tôi hỏi chuyện về công tác phát triển đảng viên của chi bộ: “Tôi làm bí thư chi bộ hơn 9 năm, chưa bao giờ thấy kết nạp đảng viên khó như bây giờ”. Chi bộ tổ dân phố này có 23 đảng viên, hầu hết trên 50 tuổi, chỉ có 1 đảng viên trẻ (dưới 30 tuổi) và được kết nạp vào Đảng trong lực lượng vũ trang, trước khi xuất ngũ về địa phương. Chi bộ đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng viên và phân công đồng chí Bí thư Chi bộ và đồng chí phụ trách công tác đoàn thanh niên chịu trách nhiệm chính. Tuy Chi đoàn tổ dân phố này có 37 đoàn viên trong danh sách, nhưng hơn 95% đi làm công nhân tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp. Họ đi theo ca kíp hàng ngày và không tham gia các hoạt động khi Chi đoàn tổ chức, triệu tập. Chi đoàn không hoạt động nên Chi bộ không thể phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên từ đoàn viên, thanh niên. Trong khi đó, cũng có trường hợp là công nhân trong khu công nghiệp, tuy bận công việc nhưng vẫn tích cực tham gia các phong trào của đoàn thanh niên tổ dân phố và được Chi bộ giáo dục, giúp đỡ. Thế nhưng, thanh niên này nhiều lần được cử tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng lại không đi được, do không thể nghỉ việc dài ngày ở công ty. Cũng có trường hợp nhiệt tình tham gia các phong trào, mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhưng từ khi doanh nghiệp điều đi làm việc ở phân xưởng ngoài tỉnh thì quần chúng này giảm dần rồi ngừng hẳn tham gia các hoạt động ở khu phố, mặc dù vẫn cư trú ở địa phương.
Đâu là nguyên nhân?
Chia sẻ về những nguyên nhân thiếu nguồn kết nạp đảng viên, các bí thư, đảng viên chi bộ thôn, tổ dân phố cho biết, hiện nay, nguồn phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư rất hạn chế, do hầu hết lực lượng thanh niên được đào tạo bài bản về chuyên môn đều thoát ly khỏi địa phương để làm việc tại các thành phố lớn. Do nhu cầu việc làm, phần lớn đoàn viên, thanh niên trẻ có trình độ đi làm ăn xa ngoài địa phương, khó theo dõi, giúp đỡ; phần lớn thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT đã vào học ở các trường đại học, cao đẳng; sinh viên tốt nghiệp ra trường, một số ít vào làm trong các cơ quan nhà nước, còn lại phần lớn bám trụ ở các thành phố lớn, người tích cực tham gia hoạt động các đoàn thể hầu hết lớn tuổi và không đạt yêu cầu. Số thanh niên sinh sống ở địa bàn dân cư trình độ, năng lực hạn chế, lại thiếu ý chí phấn đấu, ngại tham gia sinh hoạt các đoàn thể hoặc không mặn mà khi được tuyên truyền, vận động nên khó có thể bồi dưỡng thành quần chúng ưu tú, giới thiệu cho Đảng. Hiện nay, có một bộ phận quần chúng tích cực nhưng không thiết tha, thậm chí không muốn vào Đảng.
Qua tìm hiểu, ngoài những nguyên nhân khách quan nêu trên còn những nguyên nhân chủ quan: Một số cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể chưa thường xuyên quán triệt các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác phát triển đảng viên. Công tác tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục quần chúng để có chí hướng phấn đấu vào Đảng ở nhiều chi bộ chưa được quan tâm sát sao; chưa tạo điều kiện về môi trường làm việc, sinh hoạt để thu hút, tập hợp quần chúng; đối tượng chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ khi vào Đảng. Một số cấp ủy đảng chưa cụ thể hóa kế hoạch kết nạp đảng viên phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị; chưa thường xuyên theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các chi bộ thôn, tổ dân phố xây dựng và thực hiện kế hoạch; nhiều bí thư chi bộ, đảng viên ở địa bàn dân cư lớn tuổi, sức khỏe hạn chế nên nắm bắt và lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ được giao kết quả đạt thấp; thiếu cán bộ làm công tác kết nạp đảng viên nắm chắc nghiệp vụ, nguyên tắc, thủ tục trong công tác thẩm tra, xác minh, kết nạp đảng viên... nên có những trường hợp làm hồ sơ nhiều lần, ảnh hưởng đến chất lượng công tác phát triển đảng viên. Một số đảng viên ở địa bàn dân cư chưa thực hiện tốt nhiệm vụ đảng viên trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên. Hoạt động của các tổ chức đoàn thể có mặt chưa tác động tích cực đối với việc tập hợp, giáo dục, tạo môi trường thúc đẩy sự phấn đấu của đoàn viên, hội viên.
Các huyện, thị, thành ủy đã nhận thấy, công tác phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư đang là vấn đề bức thiết. Đội ngũ đảng viên và cả đội ngũ cán bộ ở địa bàn dân cư đang “già hóa” nhanh chóng, do nguồn đảng viên bổ sung cho chi bộ chủ yếu là đảng viên về hưu. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các cấp ủy cần phải có giải pháp cụ thể, thiết thực trong tổ chức thực hiện công tác phát triển đảng viên để tháo gỡ khó khăn, kịp thời bổ sung sức trẻ cho Đảng và tạo nguồn cán bộ trẻ kế cận ở cơ sở.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202108/phat-trien-dang-vien-o-cac-thon-to-dan-pho-thuc-trang-va-giai-phap-bai-1-kho-tao-nguon-ket-nap-dang-vien-moi-8225156/