Thế nhưng, nếu chỉ dựa vào ý chí cá nhân mà không tuân theo quy luật khách quan, hay coi ý chí là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi công việc mà không xuất phát từ thực tiễn cuộc sống thì lại là duy ý chí-một trong những biểu hiện của căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản” dễ làm người cách mạng tự sa ngã, biến chất.
Nhiều sai phạm và hệ lụy do bệnh duy ý chí tái phát
Những người duy ý chí thường có chung đặc điểm là xem xét, nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng theo cảm tính chủ quan của riêng mình, coi ý kiến của mình luôn đúng, thậm chí “duy nhất đúng”. Chủ nghĩa duy ý chí từng là một trong những sai lầm của một bộ phận những người cộng sản trên thế giới, coi ý chí con người là điều kiện tiên quyết để cải tạo, làm thay đổi thế giới, phủ nhận tính quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội. Những người duy ý chí có tư tưởng nóng vội, tinh thần lạc quan thái quá (lạc quan tếu), muốn nhanh chóng đạt kết quả, mục tiêu mà không xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện, thấu đáo mọi vấn đề, mọi khía cạnh, dễ ảo tưởng về sức mạnh chủ quan mà không tiên lượng được hết những khó khăn, trở ngại do cả yếu tố khách quan và chủ quan gây ra.
Toàn cảnh khai mạc Hội nghị lần thứ 10, khóa XII. Ảnh minh họa: TTXVN.
Trước đây, một phần do thiếu thông tin khoa học, phần vì không nhận thức thấu đáo về sự quanh co, phức tạp của tiến trình xây dựng chế độ xã hội mới, nên một bộ phận cán bộ, đảng viên khi nhìn về phía trước thường qua “lăng kính màu hồng” nên ít nhiều bị vấp váp, sai lầm trên con đường cách mạng và trong hoạt động thực tiễn. Sự duy ý chí này dẫu sao cũng có phần cảm thông, chia sẻ vì bối cảnh xã hội khó khăn nhiều mặt thời bấy giờ. Thế nhưng, thời nay, khi trình độ dân trí, tri thức khoa học, môi trường thông tin xã hội đã tiến bộ, phong phú hơn trước rất nhiều, mà vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên "duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình, không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác”-một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra.
Bệnh duy ý chí bộc lộ dưới rất nhiều khía cạnh mà không phải ai cũng dễ phát hiện, nhưng thực ra lại không khó để nhận diện. Đó là khi đánh giá tình hình thường chỉ dựa vào một nhóm người có quyền quyết định (ban thường vụ, cấp ủy, ban cán sự đảng…) mà không nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình thực tế, nên đã ban hành những quyết sách không phù hợp. Cũng từ quan niệm “tân quan, tân chính sách”, nhiều cán bộ thời gian đầu mới giữ cương vị lãnh đạo luôn tỏ ra sốt sắng, lo lắng cho việc chung, muốn sớm tạo ra dấu ấn của riêng mình, vì thế đã đưa ra các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án với những mục tiêu “khả quan, xán lạn”, vẽ ra các con số đẹp nhưng không khả thi, thậm chí lợi bất cập hại. Điều đáng cảnh báo hơn là nhiều khi bệnh duy ý chí không hẳn xuất phát từ tư duy ấu trĩ, nhận thức non nớt, tư tưởng nóng vội, mà nó còn xuất phát từ lợi ích nhóm rất tinh vi. Lợi dụng nhân danh tập thể thường vụ, cấp ủy để ban hành cơ chế, chính sách có lợi cho nhóm thiểu số cá nhân người có chức có quyền, song lại gây ra bao hệ lụy, thậm chí để lại hậu quả khôn lường về kinh tế-xã hội cho địa phương, đất nước.
Tình trạng đầu tư tràn lan theo kiểu phong trào diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, mà nổi cộm là nhà máy xi măng lò đứng, nhà máy thép, cảng biển; hơn 10 dự án đầu tư cả nghìn tỷ đồng chưa đưa vào hoạt động đã thất thoát, gây lãng phí rất lớn tài sản công; 10 vụ đại án tham nhũng được đưa ra xét xử công khai năm 2018; hàng chục vụ bổ nhiệm thần tốc, cả nhà làm cán bộ, cả họ làm quan… bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân vừa sâu xa, vừa trực tiếp là do một số cán bộ lãnh đạo đã lạm dụng quyền lực để áp đặt ý chí cá nhân lên tập thể, không tuân thủ các nguyên tắc, bất chấp quy chế lãnh đạo, tự ý chi phối, can thiệp quá sâu vào công việc chung nên để xảy ra biết bao phiền toái, hệ lụy tiêu cực.
Như một hậu quả tất yếu đã xảy ra, hầu hết những cán bộ lãnh đạo mắc sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, lãnh đạo cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố bị bị kỷ luật trong thời gian qua đều ít nhiều có tư tưởng, thái độ, tác phong làm việc duy ý chí, áp đặt cá nhân, thiếu dân chủ trong chỉ đạo điều hành, không chịu lắng nghe những lời đóng góp chân tình, thẳng thắn của cán bộ, nhân viên cấp dưới và ý kiến phản biện tích cực của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và bỏ ngoài tai sự giám sát của dư luận xã hội.
Cán bộ, đảng viên cần khiêm tốn học hỏi, cầu thị, lắng nghe ý kiến phản biện lành mạnh
Nói về tác hại của chủ nghĩa duy ý chí, sinh thời, lãnh tụ V.I.Lê-nin từng cho rằng: “Đối với một chính đảng vô sản, không có sai lầm nào nguy hiểm hơn là định ra sách lược của mình theo ý muốn chủ quan”. Đối với cán bộ, đảng viên, tư tưởng duy ý chí, thái độ áp đặt ý kiến chủ quan cá nhân không chỉ là biểu hiện nổi cộm của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, độc đoán, gia trưởng, mà còn gây ra sự nghi kỵ, mất đoàn kết nội bộ, dẫn tới mất sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng; kìm hãm sự phát triển lành mạnh của cơ quan, đơn vị, địa phương và rộng hơn là cả xã hội.
Vậy làm sao để phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi bệnh duy ý chí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền hiện nay? Để tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này không đơn giản, nếu như một bộ phận cán bộ không thật sự có tư tưởng tiến bộ, tinh thần cầu thị, tinh thần liêm khiết và ý thức thật sự vì nước, vì dân, vì lợi ích chung của cộng đồng và tập thể.
Cán bộ, đảng viên phải có tư tưởng tiến bộ để tự mình ngăn ngừa, loại bỏ những tàn dư lạc hậu trong suy nghĩ, thái độ, việc làm ảnh hưởng đến quy luật, chiều hướng phát triển tích cực của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Có tinh thần cầu thị để khiêm tốn học hỏi, lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp, phản biện lành mạnh của cấp dưới, người khác và cán bộ có trình độ chuyên môn tốt. Có tinh thần liêm khiết để không bị lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân chi phối vào việc ban hành các chủ trương, quyết định của tập thể. Có ý thức vì dân, vì nước, vì lợi ích chung để không tự biến mình thành những "ông quan, bà quan" rồi áp đặt, lạm dụng quyền lực cá nhân nhằm thu vén, vơ vét lợi lộc cho bản thân, gia đình và những người cánh hẩu với mình.
Một giải pháp cần chú trọng hơn nữa là thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, tăng cường kiểm soát quyền lực cá nhân người đứng đầu và những người có thẩm quyền ban hành quyết định về chủ trương, cơ chế, chính sách; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh những biểu hiện duy ý chí, áp đặt ý kiến cá nhân gây tổn hại đến lợi ích chung. Vấn đề này đã được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng trên thực tế công tác kiểm tra, giám sát ở không ít cấp ủy, tổ chức đảng (nhất là cấp trung gian, cấp cơ sở) thời gian qua không được duy trì chặt chẽ, hiệu quả; nhiều nơi vừa có dấu hiệu buông lỏng, vừa có biểu hiện kiểm tra, giám sát không đến nơi đến chốn. Từ đó dẫn đến tình trạng một bộ phận cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu vẫn không thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, không giải quyết đúng đắn và xử lý hài hòa mối quan hệ giữa vai trò tập thể lãnh đạo với trách nhiệm cá nhân phụ trách, mà thực chất là đề cao ý chí quyền lực cá nhân để làm tha hóa quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước, khiến nhân dân bất bình, oán thán.
Một trong những đối tượng dễ mắc bệnh duy ý chí là những người từng có chiến công, thành tích, công lao trong quá khứ. Vì quá tự hào với những kết quả đã đạt được nên những người này thường mắc bệnh công thần, kinh nghiệm chủ nghĩa, coi điều gì mình nói cũng đúng, cũng đáng phải học tập, làm theo. Do đó, chúng ta cần quan tâm giáo dục, bồi đắp tinh thần phấn đấu bền bỉ, thường xuyên, liên tục cho cán bộ, đảng viên; động viên mọi người nêu cao ý thức tự rèn, tự học tập để chủ động cập nhật thông tin, kiến thức mới, không ngừng làm giàu tri thức, năng lực trí tuệ cho bản thân. Bất cứ một sự “ru ngủ” nào trên vinh quang quá khứ không chỉ khiến cán bộ, đảng viên dễ nảy sinh tâm lý tự kiêu, tự mãn, mà còn dễ tự đào thải chính mình trước sự phát triển mau lẹ của mọi mặt đời sống xã hội.