Cơ sở dữ liệu (CSDL) về tổ chức bộ máy và biên chế (TCBM&BC) là một trong những nguồn CSDL quốc gia quan trọng, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành tổ chức và nhân sự của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn về ngân sách, nguồn lực con người, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề này.
Trên thực tế, việc xây dựng CSDL về TCBM&BC ở các cấp thời gian qua đã có những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng lưu giữ, xử lý, cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý, thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) từ Trung ương đến cơ sở; cung cấp các số liệu báo cáo thống kê phục vụ việc quản lý TCBM và đội ngũ CBCCVC, người lao động; nguồn nhân lực làm việc trong khu vực hành chính và sự nghiệp của cả hệ thống chính trị (HTCT). Tuy nhiên như đã đề cập, do nguồn lực tài chính hạn chế, đầu tư không đồng bộ dẫn đến việc xây dựng và lưu trữ CSDL thống nhất trên phạm vi cả nước gặp nhiều khó khăn, việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan từ Trung ương tới cơ sở thiếu sự liên thông, chưa bảo đảm thời gian cũng như tiết kiệm ngân sách.
Để có được hệ thống CSDL liên thông từ Trung ương tới cơ sở, vận hành toàn thời gian và bảo đảm tính cập nhật cao đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng về kỹ thuật và sự quan tâm thích đáng của các cấp, các ngành đối với vấn đề này.
Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý TCBM&BC
Thực hiện Kế hoạch số 17-KH/BTCTW ngày 12-5-2014 của Ban Tổ chức Trung ương về việc triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành tổ chức xây dựng đảng (sau đây gọi tắt là HTTT chuyên ngành), các ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan đảng ở Trung ương đã triển khai hai phần mềm HTTT chuyên ngành cho các cấp ủy trực thuộc. Cho đến nay, hầu hết các đơn vị trực thuộc Trung ương đã triển khai hệ thống một cách bài bản, đúng quy trình, bám sát theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, tiến độ triển khai HTTT chuyên ngành nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra.
Về tổng thể, HTTT chuyên ngành đã có sự kết nối kỹ thuật vào mạng diện rộng của Đảng, đáp ứng các yêu cầu về bảo mật và an toàn thông tin, nhưng trong quá trình triển khai, còn một số khó khăn, hạn chế. Như: 1- Ở một số đơn vị sự phối hợp giữa ban tổ chức cấp tỉnh và văn phòng cấp tỉnh chưa chặt chẽ trong việc triển khai. 2- Một số đơn vị gặp khó khăn về cơ sở vật chất, chưa bố trí được máy chủ để cài đặt, đường truyền mạng từ huyện lên tỉnh còn chập chờn hoặc chưa chuyển sang mô hình mạng mới của Đảng nên không được cập nhật kịp thời các phiên bản của phần mềm… 3- Cán bộ phụ trách phần mềm chưa chủ động trong việc tham mưu, xây dựng kế hoạch triển khai hoặc mới tiếp nhận nên chưa nắm được công việc. 4- Một số nơi chưa cài đặt các phần mềm và chưa được nhận đủ thiết bị bảo mật theo quy định.
Một số đơn vị đã xây dựng được hệ thống hoàn chỉnh như: Văn phòng Trung ương, Thành ủy Hải Phòng, các tỉnh ủy Bắc Ninh, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận, Vĩnh Long. Bên cạnh đó, còn nhiều đơn vị chưa triển khai hết hoặc chỉ triển khai phần mềm Quản lý CSDL đảng viên, không triển khai phần mềm Quản lý CBCC. Ngoài ra, có những địa phương do khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng nên chưa triển khai hoặc triển khai chậm hơn so với kế hoạch.
Quá trình khai thác và vận hành cho thấy, mặc dù còn một số lỗi về mặt kỹ thuật nhưng đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra, nhưng với các phần mềm quản lý CBCC và đảng viên đòi hỏi phải được nâng cấp, cập nhật để ngày càng hoàn thiện hơn. Như đối với phần mềm Quản lý CBCC, ngoài yếu tố về kỹ thuật, việc vận hành chưa tốt còn do cán bộ nghiệp vụ chưa nắm bắt, tiếp cận sâu các chức năng của phần mềm đã cung cấp. Hoặc như đối với phần mềm Quản lý CSDL đảng viên, việc khai thác còn nhiều khó khăn do chuyển đổi hệ thống và phần lớn là do việc cập nhật số liệu mới chưa được tiến hành thường xuyên… Về đồng bộ dữ liệu, các địa phương đã triển khai xong phần mềm thường xuyên đồng bộ dữ liệu về máy chủ của Ban Tổ chức Trung ương. Bước đầu kiểm tra cho thấy dữ liệu đồng bộ tương đối đầy đủ, nhưng do số lượng đồng bộ lần đầu lớn nên nhiều nơi phải thực hiện nhiều lần dữ liệu mới được đồng bộ hết. Khó khăn lớn nhất hiện nay là tiến độ triển khai của các đơn vị không bảo đảm theo yêu cầu đề ra, do đó việc cập nhật các danh mục, chuyển sinh hoạt đảng… không được cập nhật đồng thời.
Sự cần thiết phải đầu tư, nâng cấp hệ thống hiện có
Việc nâng cấp hệ thống CNTT hiện có nhằm đáp ứng các mục tiêu:
Mục tiêu tổng quát. Xây dựng hệ thống CSDL phục vụ việc quản lý TCBM&BC thống nhất trong toàn HTCT, trên cơ sở ứng dụng đồng bộ CNTT trong quản lý hồ sơ CBCCVC; tích hợp đồng bộ dữ liệu từ các CSDL của các bộ, ngành và địa phương nhằm bảo đảm quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước; có sự phân quyền, phân cấp hợp lý giữa các cơ quan quản lý đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ công tác quản lý đội ngũ CBCCVC và CBCC cấp xã.
Mục tiêu cụ thể. Xây dựng CSDL phục vụ việc quản lý TCBM&BC thống nhất trên toàn quốc được triển khai và quản lý tập trung tại Ban Tổ chức Trung ương, phục vụ cho các nhiệm vụ cụ thể. Đó là: Xây dựng cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện CSDL phục vụ quản lý TCBM&BC trong toàn HTCT; Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ chế phối hợp, cơ chế kết nối, cập nhật và chia sẻ thông tin trong CSDL phục vụ quản lý TCBM&BC trong toàn HTCT giữa các bộ, ngành và địa phương; Xây dựng, triển khai hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và các yêu cầu chức năng, nghiệp vụ của Ban Tổ chức Trung ương; Thống nhất đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ triển khai CSDL phục vụ quản lý TCBM&BC trong toàn HTCT tại Ban Tổ chức Trung ương, các bộ, ngành Trung ương và địa phương; Đào tạo nguồn nhân lực về CNTT cho các cơ quan quản lý về TCBM&BC và hồ sơ CBCCVC trong toàn HTCT; Cập nhật và lưu trữ thông tin từ hồ sơ quản lý trên giấy vào CSDL điện tử; Kết nối, chia sẻ thông tin từ CSDL quản lý TCBM&BC và hồ sơ CBCCVC từ dữ liệu của các bộ, ngành và địa phương với CSDL quốc gia và CSDL chuyên ngành khác có liên quan; Tổ chức các biện pháp quản lý và vận hành bền vững, an toàn hệ thống CSDL quản lý TCBM&BC và hồ sơ CBCCVC.
Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống còn nhằm mục đích mở rộng phạm vi và tăng cường công tác quản lý của Trung ương đối với các dữ liệu liên quan đến TCBM&BC trong toàn HTCT, quản lý hồ sơ CBCCVC của cả HTCT. Quản lý các ứng dụng về TCBM từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; các cơ quan như Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Các bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng), cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; các cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương và địa phương;
Một số nhiệm vụ ưu tiên trong năm 2019-2020
Năm 2019-2020 là giai đoạn bản lề quan trọng của cả HTCT. Cả nước tập trung cho công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiếp theo đó là bầu cử Quốc hội và bầu cử HĐHD. Hệ thống CSDL về TCBM&BC đòi hỏi phải được vận hành thông suốt và là nguồn CSDL quan trọng phục vụ cho công tác tổ chức và nhân sự. Chính vì vậy, cần ưu tiên cho việc nâng cấp các hệ thống cung cấp CSDL. Đó là:
Nâng cấp phần mềm Quản lý CBCC. Cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau: Dữ liệu được lưu trữ tập trung tại tỉnh bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; Phần mềm được phát triển thuận tiện cho kết nối và tra cứu; Thiết kế giao diện công phu, linh hoạt và trực quan; Thống nhất được quy trình, cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết…
Nâng cấp phần mềm Quản lý CSDL đảng viên. Việc nâng cấp phần mềm Quản lý CSDL đảng viên cần phải bảo đảm: Khắc phục triệt để sự chênh lệch dữ liệu giữa cấp huyện và cấp tỉnh, thông tin hồ sơ đảng viên được cập nhật đầy đủ ở các cấp. Dữ liệu được lưu trữ được bảo mật cao, thống nhất trong toàn quốc
Thay thế trang bị CNTT cũ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị. Trong những năm tới, các đơn vị cần đầu tư ngân sách nhằm bảo đảm đúng và đủ số lượng máy tính trang bị cho CBCCVC, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc; đặc biệt là việc thay thế các trang bị CNTT cũ, lạc hậu bằng các trang bị mới phù hợp với các phần mềm được cung cấp. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có khoảng 95% CBCC trong cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành Trung ương được trang bị máy tính phục vụ công việc. Hệ thống mạng nội bộ (LAN) và hệ thống máy chủ đã được triển khai tại các các bộ, ban, ngành Trung ương: 100% các cơ quan có mạng nội bộ để bảo đảm cập nhật, trao đổi, xử lý thông tin, phục vụ đắc lực trong giải quyết công việc; các bộ, ban, ngành Trung ương đã quan tâm đầu tư hệ thống đường truyền băng thông rộng. Trên 90% số máy tính trang bị cho CBCCVC được kết nối mạng in-tơ-nét; phần lớn hệ thống máy chủ của các bộ, ngành Trung ương được đưa vào vận hành, sử dụng đạt hiệu quả trong hoạt động quản lý hành chính. Về kết nối mạng diện rộng (WAN), nhìn chung, các bộ, ban, ngành Trung ương đều đã tổ chức mạng diện rộng từ trụ sở chính đến các đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, trong số đó có rất nhiều thành phần và trang bị đã cũ, lỗi thời cần được thay thế hoặc nâng cấp.
Ưu tiên an toàn an ninh thông tin, trang bị thêm các thiết bị bảo mật như thiết bị tường lửa, thiết bị phát hiện và ngăn chặn xâm nhập IDS/IPS cho hệ thống máy chủ, các máy tính của CBCC cần được cài phần mềm diệt vi-rút và nâng cấp phần mềm định kỳ. Hiện tại, các trang thiết bị bảo đảm an toàn thông tin như tường lửa, phần mềm diệt vi-rút, hệ thống quản lý các thiết bị đầu cuối tại một số bộ, ban, ngành Trung ương chưa được trang bị đầy đủ, đồng bộ đã tạo ra nhiều lỗ hổng lớn về an toàn, an ninh thông tin, dẫn tới khó bảo đảm an toàn cho các giao dịch, hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành nói chung của các cơ quan trên môi trường mạng.
Cho tới thời điểm hiện tại, cả nước đã có 57/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ, hình thành hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của các cấp ủy và chính quyền trong quá trình xây dựng hệ thống CNTT chung hướng tới một nền tảng quản lý hiện đại. Việc đưa ứng dụng CNTT vào quản lý TCBM&BC của cả HTCT trong thời gian tới rất cấn có sự quan tâm của các cấp ủy, ban cán sự đảng. Đồng thời, đó cũng chính là việc tiếp tục quán triệt và hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Kết luận số 17-KL/TW ngày 11-9-2017 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015-2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017-2021.
Theo Xaydungdangorg.vn