I- Khoa học chính trị cũng như thực tiễn chính trị đã chỉ ra rằng, ở đâu có quyền lực thì ở đó có nguy cơ lạm dụng quyền lực. Quyền lực luôn hàm chứa nguy cơ tha hóa. Quyền lực tuyệt đối dễ dẫn đến tha hóa tuyệt đối nếu không có những giới hạn và kiểm soát các hoạt động thực thi quyền lực của các cơ quan hoặc các cá nhân được trao quyền.
Có thể thấy, trong điều kiện của một chế độ dân chủ, kiểm soát quyền lực luôn là một yêu cầu tự thân của quyền lực. Vì lẽ đó, để loại bỏ nguy cơ độc quyền quyền lực hay thiết lập quyền lực tuyệt đối, nhà nước pháp quyền luôn phải được tổ chức và hoạt động trên nền tảng của nguyên tắc phân chia và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Sự phân chia và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp về thực chất là sự giới hạn quyền lực cho mỗi một thiết chế quyền lực, từ đó định ra một quy trình, trình tự, thủ tục thực hiện quyền lực đã được xác định, sao cho mỗi cơ quan chỉ được thực hiện thẩm quyền trong một giới hạn và bằng một trình tự, thủ tục chặt chẽ được quy định trong Hiến pháp và pháp luật của mỗi quốc gia. Việc xác định rõ giới hạn quyền lực và thủ tục thực hiện quyền lực của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp vừa bảo đảm tính thống nhất, tính hệ thống của quyền lực, vừa bảo đảm không một thiết chế quyền lực nào có thể nằm ngoài sự kiểm soát.
Ở nước ta, vấn đề kiểm soát quyền lực luôn được đặt ra như một tất yếu của quá trình thực hiện quyền lực của nhân dân và dưới những hình thức, mức độ khác nhau được thể hiện trong các bản Hiến pháp, kể từ Hiến pháp năm 1946 đến nay. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 quy định kiểm soát quyền lực là một nguyên tắc hiến định. Theo đó, “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Việc bổ sung nội dung kiểm soát quyền lực vào Hiến pháp năm 2013 về thực chất là một bước hoàn thiện quan trọng đối với cơ chế kiểm soát quyền lực ở nước ta, vốn đã được xác định thông qua cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Với quy định trong Hiến pháp năm 2013 về tổ chức quyền lực nhà nước, bộ máy nhà nước ta không tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập, nơi việc phân chia quyền lực kèm theo sự đối trọng quyền lực giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bản chất của nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta là phân công gắn liền với phối hợp và sự kiểm soát quyền lực không tạo nên sự đối trọng (trong không ít trường hợp là sự đối đầu giữa các nhánh quyền lực, dẫn đến nguy cơ làm tê liệt hoạt động của bộ máy nhà nước như đã xảy ra ở một số nước theo tam quyền phân lập) mà chủ yếu là điều kiện để thực hiện tốt sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực nhà nước thống nhất.
Sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực xuất phát từ phạm trù có tính nền tảng của chế độ dân chủ là “chủ quyền nhân dân”, với nguyên tắc phổ quát: Toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Ảnh minh họa - Nguồn: qdnd.vn |
Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” có thể xem là một cơ chế thực hiện quyền lực, thể hiện nhất quán tư tưởng của Hiến pháp năm 1946: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam” (Điều 1) và được khẳng định trong các bản Hiến pháp sau này. Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực chính trị và thực hiện quyền lực của mình thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Để thực hiện dân chủ đại diện, nhân dân ủy quyền cho các tổ chức thuộc hệ thống chính trị thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định. Theo đó, quyền lực của Đảng, quyền lực của bộ máy nhà nước bắt nguồn từ quyền lực của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước là nhằm thực hiện quyền lực của nhân dân trong phạm vi được ủy quyền, bảo đảm cho nhân dân thực sự làm chủ. Do vậy, sự lãnh đạo, quản lý đó mang tính trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng và Nhà nước trước nhân dân. Sự thay đổi tư duy, nhận thức từ quyền lãnh đạo, quyền quản lý sang tư duy về trách nhiệm, nghĩa vụ phục vụ nhân dân của các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước mới phản ánh đúng bản chất các quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cơ chế dân chủ này. Trách nhiệm lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm quản lý của Nhà nước phải được quy định trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong các quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý minh bạch để ngăn ngừa nguy cơ Đảng, Nhà nước đứng trên nhân dân, vượt quyền nhân dân và nhân dân ủy quyền cho Đảng, Nhà nước mà không bị mất quyền.
Sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực còn xuất phát từ nguyên nhân sâu xa: quyền con người, quyền công dân cần được tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ trong nhà nước pháp quyền. Quá trình tổ chức thực thi quyền lực tác động mạnh mẽ đến quyền con người, quyền công dân. Vấn đề quyền con người, quyền công dân có được tôn trọng, bảo đảm hay không lệ thuộc không chỉ vào các quy định của Hiến pháp và việc cụ thể hóa các quyền hiến định thông qua hoạt động lập pháp của Quốc hội, mà còn phụ thuộc vào hoạt động thực thi luật pháp về quyền con người do các cơ quan hành pháp và tư pháp tiến hành. Thực tiễn bảo đảm quyền con người, quyền công dân cho thấy, các hoạt động thực thi quyền lực luôn có nguy cơ làm tổn thương đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cộng đồng, nếu việc thực thi quyền lực đó không được kiểm soát chặt chẽ và đúng đắn. Do vậy, bảo vệ quyền con người phải luôn gắn liền với cơ chế ngăn ngừa mọi nguy cơ xâm hại từ phía các cơ quan, tổ chức thực thi quyền lực nhà nước theo đúng yêu cầu của nguyên tắc: Cơ quan công quyền chỉ được làm những gì luật cho phép, công dân được làm tất cả những điều luật không cấm.
Có thể thấy, kiểm soát quyền lực là một đòi hỏi của chế độ dân chủ và là một điều kiện tiên quyết để quyền lực được thực hiện một cách đầy đủ, đúng đắn trong phạm vi thẩm quyền và thủ tục do pháp luật quy định, ngăn ngừa và xử lý kịp thời mọi biểu hiện tha hóa quyền lực, lộng quyền, lạm quyền, sử dụng quyền lực phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
II- Kiểm soát quyền lực ở nước ta hiện nay đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm. Trên tinh thần của Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, nhiều chủ trương, giải pháp về kiểm soát quyền lực đang được triển khai và đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được cụ thể hóa một bước trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Pháp luật về giám sát, kiểm tra, thanh tra tiếp tục được hoàn thiện đã tạo điều kiện pháp lý tốt hơn cho việc thực hiện các mục tiêu kiểm soát quyền lực. Công tác tự kiểm tra, tự giám sát việc thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan được giao quyền đang có nhiều chuyển biến tích cực. Cuộc đấu tranh phòng, chống các tội phạm về chức vụ, tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng được thực hiện quyết liệt. Hàng loạt vụ án mà thủ phạm là một số cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn, trong đó có cả cán bộ cao cấp trong bộ máy đảng, nhà nước đã và đang được xét xử công khai, minh bạch với những bản án nghiêm khắc, thích đáng được tuyên, mang lại nhiều hiệu ứng tích cực trong xã hội, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện quyền lực do nhân dân ủy quyền. Công tác giám sát quyền lực trong Đảng luôn được quan tâm, đặc biệt là việc giám sát quyền lực trong công tác cán bộ đang tiếp tục được hoàn thiện. Vai trò giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân được đề cao và từng bước được cụ thể hóa thành các quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động giám sát của các tổ chức này trong thực tiễn.
Tuy nhiên, việc kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị vẫn đang đặt ra không ít vấn đề bất cập. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “... chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp còn những điểm chưa thực sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả. Chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế, làm ảnh hưởng tới sự thống nhất quyền lực nhà nước và hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, còn chồng chéo; tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định còn hạn chế. Kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém. Cải cách hành chính còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; thủ tục hành chính còn phức tạp, phiền hà, đang là rào cản lớn đối với việc tạo lập môi trường xã hội, môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho sự phát triển. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chậm đổi mới; hiệu lực, hiệu quả ở nhiều nơi chưa cao. Trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền chưa được quy định rõ ràng. Việc triển khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra; tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng,...”(1). Cùng với đó, nhân dân bất bình trước “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”(2).
Những hạn chế, yếu kém nêu trên đang là những cản trở cho việc kiểm soát quyền lực, làm cho các giải pháp, các nỗ lực kiểm soát quyền lực chưa đạt được các mục tiêu và kết quả mong muốn. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện quyền lực của nhân dân đang đứng trước thử thách, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị phải có các giải pháp quyết liệt để bảo đảm rằng, mọi quyền lực mà nhân dân tin tưởng, giao phó phải được thực hiện đúng đắn, hiệu quả, phục vụ ý chí và lợi ích của nhân dân.
Quá trình xây dựng, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đang đòi hỏi phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề kiểm soát quyền lực, xây dựng và triển khai các cơ chế, giải pháp kiểm soát quyền lực thích hợp để tạo được các chuyển biến tích cực, thực chất trong tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị, nhằm thực hiện đúng đắn, hiệu quả quyền lực của nhân dân. Để đạt được mục tiêu ấy, cần tiếp tục quán triệt một số vấn đề sau đây:
Một là, tiếp tục quan tâm nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về kiểm soát quyền lực trong điều kiện thực tế nước ta nhằm cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực phù hợp với mục tiêu, tính chất tổ chức, hoạt động của từng thiết chế tổ chức trong hệ thống chính trị được nhân dân ủy quyền.
Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội về dân chủ, chủ quyền nhân dân. Toàn bộ quyền lực nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân ủy quyền nhằm phụng sự lợi ích của nhân dân. Mọi biểu hiện tha hóa quyền lực, lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phục vụ lợi ích cá nhân dưới bất kỳ một hình thức nào đều là sự xâm hại đến quyền lực của nhân dân, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Do vậy, mỗi cơ quan, tổ chức và cá nhân được nhân dân giao quyền cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm khi thực hiện các quyền hạn được giao, tự giác, chủ động tự kiểm soát chính mình, chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm và sự giám sát của nhân dân.
Hai là, kiểm soát quyền lực phải được triển khai toàn diện, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị, để không một tổ chức nào trong hệ thống chính trị nằm ngoài sự kiểm soát quyền lực và không có “vùng cấm” trong kiểm soát quyền lực.
Là Đảng cầm quyền, mỗi cơ quan, tổ chức đảng phải thật sự đi đầu trong kiểm soát quyền lực của chính mình theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Một mặt, Đảng phải tăng cường cơ chế “tự kiểm soát” thông qua các sinh hoạt đảng, như phê bình, tự phê bình, kỷ luật đảng, hoạt động kiểm tra, giám sát, chất vấn, giải trình của các tổ chức đảng từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lãnh đạo của Đảng ở từng cấp và giữa các cấp, bảo đảm sự kiểm soát nhiều chiều và kiểm tra, giám sát của đội ngũ đảng viên đối với việc thực hiện quyền lực trong Đảng. Mặt khác, Đảng phải tăng cường giám sát việc thực hiện quyền lực của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và tạo cơ chế để các tổ chức trong hệ thống chính trị giám sát trở lại việc thực hiện quyền lực trong Đảng, đồng thời tạo cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động của Đảng theo quy định của Hiến pháp.
Để bảo đảm hiệu quả của sự phân công, phối hợp trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, cần tích cực xây dựng, hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Có giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động của Nhà nước, đặc biệt là giám sát hoạt động của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập. Xây dựng cơ chế phù hợp và khả thi để Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao kiểm soát trở lại hoạt động lập pháp của Quốc hội, để Chính phủ có thể kiểm soát hoạt động của cơ quan tư pháp và cơ quan tư pháp có thể kiểm soát hoạt động của Chính phủ theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Việc giám sát quyền lực cũng cần thiết phải được đặt ra đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Mặc dù các tổ chức này không trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước, nhưng nhận sự ủy thác chính trị của nhân dân, đại diện cho nhân dân kiểm soát quá trình thực hiện quyền lực của nhân dân bởi các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước. Do vậy, mỗi cơ quan, tổ chức này phải có cơ chế thích hợp để kiểm soát việc thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của mình theo sự ủy thác chính trị của nhân dân.
Ba là, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của các tập thể và cá nhân trong các cơ quan, tổ chức được giao quyền, đặc biệt là các cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn.
Quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức, cơ quan đều được thực hiện qua các cá nhân cụ thể. Kiểm soát việc thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát các hành vi thực hiện quyền của các cá nhân cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu. Vì vậy, cần phải xem việc kiểm soát quyền lực của những người có chức vụ, quyền hạn là khâu then chốt trong hoạt động kiểm soát quyền lực của mỗi cơ quan, tổ chức. Về thực chất, các biểu hiện tha hóa quyền lực, lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu lợi cá nhân, lợi ích nhóm đều gắn liền với các cá nhân có quyền hạn cụ thể. Cán bộ giữ vị trí, quyền hạn càng cao thì càng phải được kiểm soát chặt chẽ.
Trách nhiệm kiểm soát quyền lực trong mỗi cơ quan, tổ chức trước hết thuộc về người đứng đầu và tập thể lãnh đạo. Người đứng đầu không chỉ phải gương mẫu tự kiểm soát việc thực hiện quyền hạn của chính mình, mà còn phải kiểm soát việc thực hiện quyền hạn của cấp dưới thuộc quyền, chủ động áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm quyền hạn được thực hiện nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời phải chịu trách nhiệm về các hiện tượng tha hóa quyền lực, lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền hạn để trục lợi nếu xảy ra trong cơ quan, đơn vị. Kiên quyết chống mọi biểu hiện lợi dụng quyền hạn, uy tín cá nhân để gây áp lực đối với những cá nhân có thẩm quyền thực thi quyền lực làm trái các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm trục lợi.
Để kiểm soát việc thực hiện quyền hạn của các cá nhân được giao quyền, bên cạnh việc quy định cụ thể, minh bạch các quyền hạn, trách nhiệm cho từng vị trí việc làm, từng chức vụ và quy trình thực hiện, quy trình đánh giá, giám sát hoạt động, cần xác định rõ, cụ thể các hình thức, trách nhiệm xử lý khi để xảy ra các vi phạm. Cần tăng cường các chế tài, đặc biệt là các chế tài hình sự để xử lý nghiêm khắc mọi hành vi lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Xử phạt nghiêm khắc với thái độ không khoan nhượng đối với mọi biểu hiện tha hóa quyền lực, các tội phạm về chức vụ được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 là đòi hỏi của cuộc sống đối với Đảng, Nhà nước ta.
Song song với việc xử lý nghiêm minh, minh bạch mọi biểu hiện tha hóa quyền lực trong cán bộ, đảng viên, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống để mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các cán bộ, đảng viên có chức, có quyền phải tự giác tự kiểm soát chính mình. Người có chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu khi thực hiện quyền hạn được giao và phải ý thức rõ rằng, quyền lực được giao không phải là quyền lực của riêng họ, mà là quyền lực của nhân dân, do nhân dân giao cho họ, ủy quyền cho họ để thực hiện vì lợi ích của nhân dân.
Bốn là, kiểm soát quyền lực bằng Hiến pháp, pháp luật và bằng cơ chế cụ thể phù hợp với từng lĩnh vực thực thi quyền lực.
Nguyên tắc thượng tôn hiến pháp là nguyên tắc phổ biến của nhà nước pháp quyền. Trong nhà nước pháp quyền, ý chí của nhân dân và sự lựa chọn chính trị cho sự phát triển của một quốc gia dân chủ được xác định một cách tập trung nhất, đầy đủ nhất và cao nhất bằng hiến pháp. Chính vì lẽ đó mà hiến pháp được coi là đạo luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền con người, quyền công dân, cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước,... Tôn trọng và đề cao hiến pháp, tổ chức thi hành nghiêm chỉnh, đúng đắn tinh thần và lời văn của hiến pháp là điều kiện quan trọng bảo đảm tính pháp quyền của chế độ nhà nước, bảo đảm ổn định xã hội, an toàn cho người dân và sự phát triển của đất nước.
Các quy định của Hiến pháp năm 2013 về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của các thiết chế quyền lực trong bộ máy nhà nước về cơ bản cũng đã thể hiện được cơ chế tổng quát về kiểm soát quyền lực. Cơ chế đó cũng đã được cụ thể hóa một bước quan trọng trong các quy định của Đảng và được thể chế hóa trong các đạo luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước. Vấn đề đặt ra là, mỗi cơ quan đảng, cơ quan nhà nước phải nhận thức và quán triệt một cách đúng đắn, đầy đủ phạm vi, giới hạn quyền và trách nhiệm của mình, và phải thực thi quyền hạn được giao theo đúng trình tự, thủ tục đã được pháp luật quy định. Hoạt động theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật chính là phương cách tốt nhất để kiểm soát quyền lực.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực đã được quy định trong Hiến pháp và các luật tổ chức bộ máy nhà nước thành các cơ chế kiểm soát quyền lực cụ thể, phù hợp với vị trí và tính chất của từng thiết chế quyền lực, nhằm bảo đảm mọi quan hệ quyền lực đều phải được kiểm soát.
Năm là, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Công khai, minh bạch là các biện pháp quan trọng để ngăn ngừa tha hóa quyền lực, lạm quyền, lộng quyền. Một nhà nước của dân, do dân, vì dân khi thực hiện quyền lực của nhân dân phải luôn là một nhà nước trong sáng, một nhà nước minh bạch. Trao quyền cho Nhà nước, nhân dân phải có quyền được biết Nhà nước đang làm những gì và làm bằng cách nào để phụng sự ý chí và lợi ích của mình. Do vậy, mọi hoạt động của Nhà nước đều phải được công khai và tạo mọi điều kiện để người dân dễ dàng, thuận lợi trong tiếp cận thông tin về hoạt động của Nhà nước, đặc biệt là những thông tin về những quyết định liên quan đến quyền và lợi ích của người dân. Sự minh bạch trong hoạt động của Nhà nước tạo nên sự “chính danh” của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, qua đó thể hiện độ trong sáng và đạo đức của chính quyền. Công khai, minh bạch buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quyền phải thực hiện đúng đắn, nghiêm túc, công bằng các quyền hạn được giao, phải giải trình đầy đủ những vấn đề liên quan đến việc thực thi quyền hạn khi có yêu cầu.
Để tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thực thi quyền lực, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của Nhà nước, từ hoạch định chính sách đến thực thi chính sách trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, công chức nhà nước trước nhân dân về các quyết định của mình. Cùng với việc hoàn thiện pháp luật để người dân dễ dàng, thuận lợi tiếp cận thông tin, cần tăng cường các chế tài để xử lý nghiêm khắc mọi biểu hiện thiếu công khai, thiếu minh bạch, lừa dối, nói không đi đôi với làm trong hoạt động công vụ. Có như vậy mới tạo được lòng tin của nhân dân đối với chính quyền và phòng ngừa tốt mọi nguy cơ tha hóa quyền lực.
Sáu là, phát huy vai trò và quyền giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện quyền lực.
Giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện quyền lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhân dân là chủ của quyền lực và ủy quyền cho Đảng, Nhà nước thực hiện những nhiệm vụ, quyền năng nhất định. Do vậy, sự giám sát của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước khi thực hiện quyền lực của nhân dân là một lẽ đương nhiên. Các cơ quan đảng, nhà nước phải tự giác đặt mình dưới sự giám sát của nhân dân. Vấn đề đặt ra là, Đảng, Nhà nước cần đẩy mạnh thể chế hóa quyền giám sát của nhân dân thành các quy định pháp luật với cơ chế, quy trình và phương thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với các cơ quan đảng, nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân về các hành vi lạm quyền, lộng quyền, sử dụng quyền lực vì mục đích cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền cần phải được nghiêm túc lắng nghe, tiếp nhận và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc xây dựng cơ chế thích hợp để nhân dân giám sát quyền lực, cần quan tâm đến vấn đề nâng cao năng lực và trình độ thực hành dân chủ và khả năng giám sát của các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động của các tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội trong tuyên truyền, phổ biến và giáo dục Hiến pháp, pháp luật, động viên, lôi cuốn, cổ vũ các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả các quyền làm chủ của mình, trong đó có quyền giám sát việc thực hiện quyền lực mà nhân dân đã ủy quyền cho Đảng và Nhà nước.
III- Quốc hội với tính chất là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân luôn có sứ mệnh và vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện kiểm soát quyền lực. Bên cạnh chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn thực hiện giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp. Trong những nhiệm kỳ qua, Quốc hội luôn nhận thức rõ trách nhiệm to lớn của mình trước nhân dân trong việc bảo đảm quyền lực của nhân dân được thực hiện phù hợp với ý chí, lợi ích của nhân dân và luôn tích cực thực hiện các giải pháp tăng cường việc kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước. Hoạt động này thể hiện trên các phương diện sau đây:
Thứ nhất, Quốc hội đã cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực được quy định trong Hiến pháp vào các luật tổ chức bộ máy nhà nước và các đạo luật chuyên ngành khác, như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, Luật Phòng, chống tham nhũng... Qua đó, Quốc hội quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các cơ quan này để hình thành các cơ chế kiểm soát quyền lực cụ thể, phù hợp với vị trí và tính chất của từng thiết chế quyền lực.
Thứ hai, qua các hoạt động lập pháp với việc thảo luận, thông qua các dự án luật, nghị quyết, Quốc hội đánh giá tình hình tổ chức thực thi pháp luật trong từng lĩnh vực điều chỉnh cụ thể. Từ đó làm rõ không chỉ thực trạng pháp luật trong từng lĩnh vực mà còn làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định. Qua thảo luận các dự án luật, nghị quyết tại diễn đàn Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan nhà nước khác thấy rõ hơn các hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện các nhiệm vụ, thẩm quyền để chủ động đề ra các biện pháp khắc phục.
Thứ ba, việc thảo luận các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại các kỳ họp của Quốc hội, đặc biệt là tại các kỳ họp cuối năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Những đổi mới trong hình thức thảo luận các báo cáo này, với các hình thức giải trình, tranh luận trên diễn đàn Quốc hội, được phát thanh, truyền hình trực tiếp, đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, làm cho mọi hoạt động của Nhà nước trở nên công khai, minh bạch, trực tiếp báo cáo trước nhân dân về việc thực thi quyền lực mà nhân dân đã ủy quyền cho từng cơ quan.
Thứ tư, các giám sát chuyên đề trong chương trình giám sát tối cao hằng năm của Quốc hội, các giám sát chuyên đề được thực hiện bởi các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội về tình hình thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đã góp phần làm rõ nhiều vấn đề, đặc biệt là các tồn tại, yếu kém, các vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức được giao quyền. Các kết luận giám sát và các kiến nghị của các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Quốc hội thảo luận, thông qua nghị quyết đã tạo cơ sở cho các cơ quan, tổ chức liên quan có các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong các sai phạm để có biện pháp xử lý thích hợp, nhằm không ngừng củng cố kỷ cương nhà nước.
Thứ năm, chất vấn, trả lời chất vấn đã và luôn là một hình thức kiểm soát quyền lực có hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội. Các giải pháp đổi mới hoạt động chất vấn đang được triển khai tại diễn đàn Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, bảo đảm cho các hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn bám sát các vấn đề nóng, bức xúc của cuộc sống. Thông qua chất vấn, trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội không chỉ đánh giá về năng lực thực thi quyền lực của những người trả lời chất vấn đối với các quyền hạn được giao, mà còn làm rõ trách nhiệm cá nhân của họ trước các yếu kém, bất cập, các vi phạm xảy ra trong lĩnh vực mà họ phụ trách.
Thứ sáu, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng đang tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và XIV đã khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng và tác dụng to lớn của hình thức này trong hoạt động giám sát quyền lực. Thông qua lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội thể hiện sự đánh giá công khai, minh bạch, công tâm đối với hoạt động của những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Đồng thời, những người được lấy phiếu tín nhiệm cũng thấy rõ hơn các mức độ tín nhiệm của mình, đặc biệt là những yếu kém, hạn chế để tự sửa mình, phấn đấu thực hiện có hiệu quả quyền hạn và trách nhiệm được giao.
Thứ bảy, để bảo đảm quyền lực được trao không bị tha hóa, Quốc hội luôn tự đổi mới chính bản thân mình. Mỗi đại biểu Quốc hội nắm vững quyền hạn và trách nhiệm của mình, hoạt động theo đúng thẩm quyền và thủ tục luật định, chủ động có giải pháp tự kiểm soát hành động và phát biểu của bản thân đúng với yêu cầu, vị trí và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân. Các cơ quan của Quốc hội hoạt động đúng với phạm vi, quyền hạn được giao, phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong các hoạt động thẩm tra, giám sát theo quy định của pháp luật. Các hoạt động của Quốc hội tiếp tục được đổi mới, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng cường các kênh tương tác, đối thoại với các tầng lớp nhân dân trong các hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao, để mỗi đạo luật, nghị quyết, quyết định của Quốc hội luôn thấm sâu ý chí và nguyện vọng của người dân, thật sự vì lợi ích của nhân dân.
Các kết quả tích cực trong hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao của Quốc hội đã và đang góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước... Bước vào giai đoạn phát triển mới, Quốc hội trong phạm vi, thẩm quyền và trách nhiệm được Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội quy định sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, chủ động triển khai các giải pháp thiết thực, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu kiểm soát quyền lực đã được xác định trong các văn kiện Đại hội XI và XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và XII.
Để thể chế kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực, Quốc hội sẽ tập trung vào các vấn đề sau đây:
1- Tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội sẽ rà soát lại các quy định pháp luật hiện hành về cơ chế kiểm soát quyền lực và mối quan hệ quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, trên cơ sở đó bổ sung, sửa đổi để phù hợp với yêu cầu kiểm soát quyền lực trong tình hình mới. Đặc biệt, thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và các luật tổ chức khác, xây dựng cơ chế thích hợp để bảo đảm quyền kiểm soát quyền lực của Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, phù hợp với cơ chế giám sát quyền lực của Quốc hội, sao cho tất cả các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đều có quyền kiểm soát lẫn nhau theo đúng yêu cầu và tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
2- Hoàn thiện các quy định của pháp luật để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Xác định rõ nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền và tổ chức bộ máy của từng thiết chế quyền lực, khắc phục các chồng chéo, trùng lặp về chức năng, thẩm quyền; xác định rõ quy trình, thủ tục thực hiện các quyền được giao, phân định mạch lạc quyền hạn, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, làm cơ sở để xác định trách nhiệm khi xảy ra các vi phạm, khắc phục tình trạng không rõ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm.
3- Hoàn thiện các quy định pháp luật về giám sát, thanh tra, kiểm tra, tạo cơ sở pháp luật thuận lợi cho các hoạt động “tự kiểm tra” của mỗi cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện quyền hạn được giao; tạo cơ chế liên thông, phối hợp tốt giữa các cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm tra trong quá trình kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua hoạt động của các cơ quan tư pháp nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh mọi hành vi lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền hạn để trục lợi bất chính.
4- Hoàn thiện pháp luật về chế độ công vụ, công chức để quy định rõ các nội dung, yêu cầu, phạm vi, thể thức thực hành công vụ. Khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật Cán bộ, công chức để sửa đổi đạo luật quan trọng này, nhằm xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng loại công chức, từng vị trí công vụ, tăng cường, hoàn thiện các quy định về chế độ trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương nhà nước, bảo đảm cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm đối với những cán bộ, công chức có các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền trách nhiệm được giao, bất kỳ người đó đang làm việc hay đã nghỉ hưu.
5- Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về dân chủ trực tiếp của người dân, tạo lập cơ sở pháp lý minh bạch, dễ tiếp cận để nhân dân tham gia tích cực vào các công việc của Nhà nước, kiểm soát việc thực hiện quyền lực do nhân dân ủy quyền, nhằm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tích cực nghiên cứu để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền của cử tri bãi miễn đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Xây dựng các cơ chế pháp lý thích hợp để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và cộng đồng thực hiện tốt chức năng giám sát xã hội đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức đảng, nhà nước, cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện quyền lực của nhân dân.
6- Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao gắn với mục tiêu kiểm soát quyền lực. Nghiên cứu xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động giám sát của Quốc hội, đề cao trách nhiệm của các cơ quan Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong các hoạt động giám sát, đặc biệt là trong các hoạt động thảo luận, xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các giám sát chuyên đề, chất vấn, giải trình và lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế tự giám sát của mỗi cơ quan Quốc hội, đặc biệt cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội, để mỗi đại biểu tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm đại biểu trước cử tri. Quốc hội phải thực sự gương mẫu trong việc thực hiện nghiêm túc, đúng đắn quyền hạn, trách nhiệm của mình theo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện lộng quyền, lạm quyền, tha hóa quyền lực dưới bất kỳ hình thức nào. Mỗi đại biểu Quốc hội phải thực sự là tấm gương tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tự giác chấp hành các quy định về kiểm soát quyền lực, tự giác đặt mình dưới sự giám sát của nhân dân để thật sự phục vụ lợi ích của nhân dân./.
----------------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 173 - 174
(2) Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 22
Tags:
Tác giả: Tapchicongsan.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
- Kết quả và kinh nghiệm bước đầu về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) (04/03/2019)
- Cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội (03/03/2019)
- Kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24-2-1930-24-2-2019): Vùng ven Nha Trang - Một lát cắt xưa và nay (28/02/2019)
- Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng, sàng lọc đảng viên (25/02/2019)
- Quy định của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân (22/02/2019)
- PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN, TỰ CHUYỂN HÓA”: Thói cục bộ, bè phái - một trong những vấn đề nhân dân “bức xúc nhất” (21/02/2019)
- Người H’Rê theo Đảng (20/02/2019)
- Yếu tố quyết định thắng lợi việc thực hiện Nghị quyết của Đảng (19/02/2019)
- Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với lợi ích người dân, bài học từ thực tiễn (15/02/2019)
- Bổn phận nêu gương trước “động cơ không trong sáng” (14/02/2019)