Ngày 10-6, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 (ngày 22-11-2014) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Kết quả tích cực
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn của cả nước, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diên Khánh giao dịch tại xã Diên Toàn.
Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của NHCSXH được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng được phương thức cho vay ủy thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng. Kết quả trên đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là yêu cầu có tính nguyên tắc bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 40, một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội; một số nhiệm vụ đề ra chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời và triệt để. Việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng tín dụng tuy đã được nâng cao, nhưng chưa đồng đều giữa các vùng, địa phương; thiếu cơ chế cụ thể lồng ghép, phối hợp hiệu quả giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội (KT-XH) với tín dụng chính sách xã hội. Năng lực, trách nhiệm của một số tổ chức nhận ủy thác của NHCSXH tại cơ sở còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội có lúc, có nơi chưa thật chặt chẽ, hiệu quả.
Tiếp tục quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40
Để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 trong thời gian tới, tích cực góp phần vào quá trình phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Tiếp tục quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền cần xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 và chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; tạo điều kiện cho NHCSXH mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội; từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển KT-XH đất nước. Xác định nội dung, nhiệm vụ, bố trí đủ, kịp thời nguồn tài chính tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2030. Tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào NHCSXH.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội; xác định đây là một nội dung công tác thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Chỉ đạo các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội.
NHCSXH tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng. Nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chủ động tham mưu cho các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phù hợp với từng giai đoạn. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ, kiện toàn, bồi dưỡng nhân sự của hệ thống NHCSXH để thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới. Xây dựng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Thực hiện tốt công tác nhận ủy thác của NHCSXH, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay. MTTQ Việt Nam tiếp tục triển khai, mở rộng cuộc vận động vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Ban Bí thư yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và NHCSXH có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40 và kết luận này. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, các cơ quan liên quan và NHCSXH theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40 và kết luận này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.
Hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, đã có hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tại NHCSXH; góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; giúp hơn 24.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 346.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 7,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 142.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách...
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202106/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-tin-dung-chinh-sach-8218822/