Công tác tuyên truyền (CTTT), giáo dục lịch sử Đảng (GDLSĐ), giáo dục truyền thống cách mạng (GDTTCM) là bộ phận đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, công tác giáo dục chính trị trong các trường đại học, cao đẳng.
Tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng
“Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Hai câu thơ mở đầu ngắn gọn, mộc mạc mà sâu sắc của Bác trong tập “Lịch sử nước ta” (xuất bản tháng 2-1942) nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của CTTT, GDLS trong sự nghiệp cách mạng.
CTTT, GDLSĐ, GDTTCM, truyền thống của ngành giáo dục (TTCNGD) trong các trường đại học, cao đẳng là một bộ phận cấu thành của quá trình tổ chức dạy - học; là bộ phận quan trọng nhất góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất, lối sống cho cán bộ, đảng viên, giảng viên, sinh viên theo mục tiêu giáo dục:“Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” .
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội, ngày 25/11/1961. (Ảnh tư liệu)
Tuy nhiên, CTTT, GDLSĐ, GDTTCM, TTCNGD tại một số trường đại học, cao đẳng hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Điều này, đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, liên tục CTTT, GDLSĐ, GDTTCM của địa phương, TTCNGD và là một trong những nội dung không thể thiếu trong nhà trường hiện nay, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhà trường, đảng viên, giảng viên, sinh viên đối với CTTT, GDLSĐ Cộng sản Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra; củng cố niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, tin tưởng sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.
Thực trạng công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng ở các trường đại học, cao đẳng
Thời gian qua, các trường đại học, cao đẳng luôn quan tâm đến CTTT, GDLSĐ, GDTTCM, TTCNGD, từ đó nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, đảng viên, giảng viên, sinh viên; kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, dư luận, vướng mắc viên chức và sinh viên. Thường xuyên tổ chức cho viên chức, sinh viên các hoạt động tuyên truyền thông qua hội nghị tuyên truyền, triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của ngành; thông tin và định hướng về những vấn đề sự kiện, thời sự của địa phương, trong nước, quốc tế tới giảng viên, sinh viên. Đồng thời, CTTT miệng ở nhà trường luôn được quan tâm và là mũi nhọn tạo hiệu quả nhanh phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nổi bật tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… cho viên chức, sinh viên. Công tác này đã thực sự đi vào đời sống xã hội, vào nhiệm vụ giảng dạy của thầy, cô giáo và học tập của sinh viên.
Đồng thời, gắn CTTT, GDLSĐ, GDTTCM, TTCNGD với việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của ngành, các hoạt động về nguồn, đền ơn đáp nghĩa và học tập noi gương người tốt, việc tốt; tích cực đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội, chống phá Đảng và Nhà nước ta cho đảng viên, giảng viên, sinh viên được quan tâm. Kết hợp CTTT giáo dục với việc quan tâm tinh thần cho đảng viên, giảng viên, sinh viên thông qua việc tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao bằng các hội thi, hội thao, hội diễn văn nghệ, hoạt động từ thiện, mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo… để thu hút đội ngũ nhà giáo, đảng viên, sinh viên tham gia vào các hoạt động lành mạnh, có ý nghĩa. Hiện đa số viên chức, sinh viên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tận tụy, sáng tạo, có lối sống lành mạnh, tích cực học tập, rèn luyện, không ngừng tham gia học tập và tự học nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nhận thức chính trị, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội. Giữ gìn tư cách đạo đức, nhân cách và hình mẫu mô phạm của người thầy; nghiêm túc chấp hành quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp.
Tuy nhiên, một số đảng viên, giảng viên, sinh viên nhận thức chưa thật sâu sắc vị trí, vai trò của CTTT, GDLSĐ, GDTTCM, TTCNGD. Nội dung, phương pháp, hình thức tiến hành CTTT, GDLSĐ, GDTT chậm đổi mới, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả chưa cao. Các hình thức tuyên truyền giáo dục chưa thực sự thu hút, thiếu nhạy bén, thiếu khả năng phân tích, tổng hợp, giải thích kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong viên chức, sinh viên; chưa mạnh dạn phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, những việc làm sai trái của một bộ phận cán bộ, giảng viên.
Nguyên nhân do một số giảng viên, sinh viên chưa thật sự quan tâm đến CTTT, giáo dục; còn hạn chế về khả năng thuyết trình, khả năng nói trước công chúng, mang nặng tính độc thoại, né tránh những vấn đề bức xúc, nhạy cảm nảy sinh từ thực tiễn mà dư luận đang quan tâm; thụ động, trông chờ ỷ lại vào cấp trên. Thực tế vẫn còn một số giảng viên nể nang, né tránh trong tự phê bình và phê bình; dĩ hòa vi quý, đoàn kết xuôi chiều.
Giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng trong tình hình mới
Để thực hiện có hiệu quả việc tăng cường CTTT, GDLSĐ, GDTTCM, TTCNGD cho viên chức, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cấp ủy, ban giám hiệu về ý nghĩa và tầm quan trọng của CTTT, GDLSĐ, GDTT
Nâng cao nhận thức của cấp ủy, ban giám hiệu nhà trường về ý nghĩa và tầm quan trọng của CTTT, GDLSĐ, GDTTCM, TTCNGD cho viên chức, sinh viên. Từ đó, làm chuyển biến về nhận thức và hành động, củng cố niềm tin, khơi dậy niềm tự hào và ý chí phấn đấu vươn lên của giảng viên, sinh viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác được giao và rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống.
Kịp thời tuyên truyền, phổ biến cho giảng viên, sinh viên những quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Tăng cường bồi dưỡng tình cảm, đạo đức cách mạng, khơi dậy lòng tự hào trong viên chức, sinh viên về truyền thống cách mạng của Đảng, TTCNGD, nhất là truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của ngành và các hoạt động tình nghĩa, về nguồn, tham quan di tích lịch sử, bảo tàng, nhà truyền thống…
Thứ hai, tăng cường, đẩy mạnh CTTT lịch sử Đảng
Nhà trường đẩy mạnh CTTT về các sự kiện lịch sử quan trọng trong năm của đất nước, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, truyền thống của ngành giáo dục cho viên chức, sinh viên thông qua các hoạt động phù hợp như: tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu gặp gỡ điển hình, phát động cuộc thi sáng tác, tìm hiểu lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ địa phương, truyền thống ngành, trường. Tùy theo tính chất quan trọng của các sự kiện lịch sử để xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổ chức các hoạt động kỷ niệm phù hợp.
Đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của ngành giáo dục vào sinh hoạt chi bộ, đoàn thanh niên, hội sinh viên dưới nhiều hình thức: lồng ghép nội dung sinh hoạt định kỳ; sinh hoạt theo chuyên đề; viết bài nghiên cứu, thu hoạch theo chủ đề hoặc theo cuộc thi được cấp trên phát động.
Tận dụng các loại hình truyền thông mới, sử dụng hiệu quả Internet và mạng xã hội. Coi trọng CTTT, GDLSĐ trong giảng viên, sinh viên với nhiều phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhằm bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ.
Thứ ba, tăng cường, đẩy mạnh công tác GDLSĐ, TTCNGD
Giáo dục truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; truyền thống đấu tranh cách mạng từ khi Đảng ra đời, các chặng đường phát triển và thành tựu của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, truyền thống của ngành giáo dục. Từ đó, khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng; khẳng định sự kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của quốc gia dân tộc.
Nhà trường chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng công tác giáo dục và giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng sinh viên của trường.
Nghiên cứu đổi mới phương pháp GDLSĐ, áp dụng nhiều hình thức giáo dục đa dạng, phù hợp với từng đối tượng trên cơ sở tổ chức tối ưu quá trình dạy học, trong đó có sự kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học hiện đại (chú trọng ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin, truyền thông trong giảng dạy), sử dụng các hình thức tổ chức lớp học (tại thực địa, bảo tàng, các hoạt động về nguồn)… Qua đó, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, bồi dưỡng được phương pháp tự học, tự rèn luyện, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm hứng thú, say mê trong học tập và nghiên cứu lịch sử Đảng của người học.
Do vậy, tăng cường CTTT, GDLSĐ, GDTTCM, TTCNGD trong các trường đại học, cao đẳng cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhà trường; đồng thời, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, giáo dục, dạy và học, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ths Nguyễn Thanh Hoàng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ