Công tác tuyên truyền miệng có ý nghĩa rất quan trọng và là một trong phương thức tiến hành nhanh nhất, hiệu quả nhất trong công tác tuyên truyền của Đảng, làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân kịp thời hiểu rõ, hiểu đúng về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó phát huy khả năng sáng tạo, tinh thần dám nghĩ dám làm trong phong trào thi đua yêu nước vì lợi ích hài hòa giữa cá nhân - tập thể - doanh nghiệp - Nhà nước, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống. Do vậy, việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở, nhất là ở xã, phường, thị trấn có tính quyết định đến hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng.
Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
tặng hoa cho các báo cáo viên tham gia Hội thi Báo cáo viên giỏi cấp tỉnh năm 2021
Thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở có bước củng cố và phát triển khá tốt, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công tác tư tưởng xã, phường, thị trấn, góp phần đắc lực cho việc thực hiện tốt phương châm mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; nâng cao ý thức pháp luật trong Nhân dân; tăng cường sự gắn bó tình làng nghĩa xóm và sự gắn bó giữa Đảng với dân, sự đồng thuận trong xã hội… Góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ, cổ vũ phong trào hành động cách mạng của quần chúng, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương và Nghị quyết của tổ chức Đảng.
Tuy nhiên, qua thực tế đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế như: Một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tầm quan trọng, chưa quan tâm chỉ đạo hoặc lúng túng trong chỉ đạo về củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trước những diễn biến phức tạp của tình hình và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong từng thời điểm. Bên cạnh đó, khả năng hoạt động của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên còn nhiều hạn chế.
Để cho hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở đi vào nề nếp, có hiệu quả tốt hơn, đáp ứng với yêu cầu của công tác tuyên truyền miệng trong giai đoạn hiện nay, trước hết cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và toàn diện ý nghĩa, tầm quan trọng công tác củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, góp phần làm cho công tác tuyên truyền miệng là kênh thông tin sâu rộng nhất, trực tiếp truyền bá nhanh nhất, mang lại hiệu quả cao… Cấp ủy cơ sở và người đứng đầu các thành viên trong hệ thống chính trị có trách nhiệm giới thiệu, lựa chọn, bồi dưỡng, tập huấn để củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và ngược lại từng báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng phải nâng cao ý thức tự giác nghiên cứu học tập, thông qua thực tế rút kinh nghiệm, bổ sung “tay nghề” ngày càng tốt hơn. Việc này phải làm thường xuyên nhất là khi có thay đổi về mặt nhân sự trong hệ thống chính trị và khi có tình hình, nhiệm vụ mới. Định kỳ cấp ủy tổ chức sinh hoạt, bồi dưỡng nghiệp vụ, nghe phản ảnh tình hình và phổ biến nhiệm vụ trong thời gian tới cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đồng thời biểu dương kịp thời những người làm tốt.
Nguyễn Công Hài, UBND phường Cam Lợi, thành phố Cam Ranh