Trong những năm qua, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, kinh tế có sự thay đổi cơ bản và toàn diện, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, GRDP bình quân đầu người liên tục tăng; hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện; hội nhập quốc tế phát triển sâu, rộng; các thành phần kinh tế nhà nước, tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh và có hiệu quả, phát sinh nhu cầu lớn về liên kết, hợp tác; các hộ cá thể, nhất là ở vùng nông thôn đẩy mạnh hợp tác sản xuất, kinh doanh dưới hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để tăng năng lực cạnh tranh và liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp để phát triển bền vững.
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, cùng với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa bàn. Việc phân phối theo lao động, theo vốn góp và mức độ tham gia dịch vụ; hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thành viên góp vốn, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng cùng có lợi và quản lý dân chủ. Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế làm chính, bao gồm lợi ích của các thành viên và lợi ích tập thể, đồng thời coi trọng lợi ích xã hội của thành viên, góp phần xoá đói giảm nghèo, tiến lên làm giàu cho các thành viên; khuyến khích tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn tập thể trong HTX. Việc phát triển kinh tế tập thể được thực hiện theo phương châm tích cực, vững chắc, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, không buông lỏng lãnh đạo để mặc cho tình hình phát triển tự phát, chậm nắm bắt và đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế hợp tác của nhân dân…

Nông dân Diên Khánh thu hoạch lúa trên cánh đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nguồn Báo Khánh Hòa
Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò của kinh tế tập thể và hợp tác xã đã có bước chuyển biến tích cực, từ đó tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể tại địa phương. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ về nhân lực, đất đai, tài chính, chuyển giao khoa học - công nghệ; hỗ trợ xúc tiến liên kết, tiếp thị, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm được quan tâm thực hiện thường xuyên và đạt nhiều kết quả tích cực. Các hợp tác xã đã tổ chức hiệu quả hoạt động dịch vụ, mở rộng kinh doanh, nâng cao năng lực nội tại và hợp tác, liên kết với các đối tác để tăng tích lũy cho hợp tác xã và nâng cao thu nhập thành viên. Qua đó, hình thành một số mô hình mới như: Liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã phi nông nghiệp để phát triển sản xuất được hình thành và từng bước phát triển ổn định.
Với tổng vốn hoạt động của các hợp tác xã là hơn 560 tỷ đồng và hơn 52.000 thành viên, các hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả thật sự làm chỗ dựa vững chắc cho phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp đời sống người nông dân từng bước được nâng cao một cách bền vững. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tổ hợp tác hoạt động tốt, như: tổ hợp tác sản xuất nuôi cá thương phẩm Ngọc Diêm, tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng, Vĩnh phước; tổ liên kết sản xuất tỏi xã Ninh Phước đã tạo thu nhập ổn định (trung bình hàng tháng gần 4,5 triệu đồng) cho cuộc sống cho người lao động. Các mô hình hoạt động kinh tế tập thể dần khẳng định vai trò và đã có những đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, đưa Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị thật sự đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận thấu đáo, để khắc phục, đó là: công tác quản lý, hình thức tổ chức sản xuất hợp tác xã vẫn chậm đổi mới; một số hợp tác xã lúng túng trong xác định hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ phù hợp; liên kết sản xuất, chế biến, tìm đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế, dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn xảy ra; việc tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ vẫn còn hạn chế; nhiều hợp tác xã vẫn còn gặp khó khăn, số hợp tác xã yếu, kém chuyển biến chậm.

Các tập thể được trao bằng khen tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 về kinh tế tập thể. Nguồn Báo Khánh Hòa
Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, phần đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đã xác định tại Kế hoạch số 190-KH/TU, ngày 14/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành liên quan cần quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện tốt Kết luận số 70-KL/TW, ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tập thể, từ đó xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tăng cường lãnh đạo thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững. Bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước với kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách tỉnh. Trong đó, khẩn trương tham mưu thành lập, tổ chức hoạt động đối Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, chú trọng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ hợp tác xã và cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời phổ biến nhân rộng các mô hình, điển hình kinh tế tập thể, hợp tác xã tiên tiến, thành công, hiệu quả. Quan tâm phát triển các tổ chức, cơ sở đảng, đoàn thể trong tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Thứ tư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường vài trò, nòng cốt của Liên minh hợp tác xã tỉnh trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh; phát triển các hợp tác xã theo hướng dịch vụ tổng hợp đa ngành nghề. Đồng thời, rà soát, giải thể đối với các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động.
Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trong việc vận động thành viên, hội viên tham gia tích cực, mạnh mẽ các phong trào thi đua lao động sản xuất, tạo khí thế sôi nổi trong triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW, ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 190-KH/TU, ngày 14/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
CTV Thanh Bình, VPTU