Thực hiện Nghị quyết TW4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, góp phần nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, qua đó phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quy định số 1374-QÐ/TU ngày 1-12-2017 về "Quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước" (sau đây gọi là QÐ 1374).
|
Báo cáo kết quả thực hiện Quy định 1374 quý I-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy tại Hội nghị lần thứ 16 BCH Đảng bộ TP HCM khóa X
Theo đó, Quy định 1374 đã quy định thông tin phản ánh được xác định là có cơ sở theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xem xét, giải quyết cần lấy từ bốn nguồn. Thứ nhất là từ ý kiến cử tri. Thứ hai từ hoạt động giám sát của cơ quan dân cử (đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn thành phố). Thứ ba là thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các đoàn thể chính trị, xã hội, hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố. Thứ tư là phản ánh của báo chí. Và để thực hiện nghiêm QÐ 1374, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt để thực hiện QÐ 1374, gọi là Tổ công tác 1374.
Quy định 1374 cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cơ quan đảng, Thường trực cấp ủy, của Ban Thường vụ cấp ủy trong việc xem xét, xử lý kịp thời, bảo đảm khách quan, chính xác; xử lý trách nhiệm phải đồng bộ, kịp thời cả về mặt Đảng, chính quyền và đoàn thể (nếu có). Trong đó, phải nêu rõ hành vi vi phạm của tập thể, cá nhân có liên quan cùng biện pháp xử lý. Theo đó, thông tin phản ánh về tập thể, cá nhân thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của đảng bộ nào thì ban thường vụ cấp ủy nơi đó chịu trách nhiệm chỉ đạo xử lý. Người đứng đầu đơn vị có vụ việc, cá nhân liên quan được phản ánh có hành vi vi phạm có trách nhiệm báo cáo ban thường vụ cấp ủy cùng cấp về xử lý của mình.
Quy định cũng quy định cụ thể các đơn vị được giao làm đầu mối để tổng hợp, báo cáo đề xuất xử lý các nguồn thông tin và quy trình giải quyết thông tin phản ánh. Đối với những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, tổ chức đảng, đảng viên thuộc diện ban thường vụ cấp ủy cấp trên quản lý thì người đứng đầu đơn vị vừa xử lý theo thẩm quyền, vừa báo cáo thường trực cấp ủy cấp trên để chỉ đạo xem xét, xử lý theo quy định. Đối với hành vi vi phạm đã rõ, trong thời gian không quá 45 ngày làm việc, ban thường vụ cấp ủy chỉ đạo xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng, chính quyền, đoàn thể đồng bộ, kịp thời.
Sau khi có kết quả xem xét, xử lý, tùy tính chất, nội dung vụ việc, văn phòng cấp ủy các cấp báo cáo, đề xuất thường trực cấp ủy chỉ đạo việc công khai kết quả xem xét, xử lý bằng một trong những hình thức: đăng tải trên các phương tiện đại chúng theo đúng quy định; gửi văn bản thông báo cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
|
Đối với nguồn thông tin từ phản ánh của báo chí, Quy định 1374 nêu rõ báo chí phản ánh ở đơn vị, địa phương nào thì người đứng đầu nơi đó chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền, báo cáo ban thường vụ cấp ủy cùng cấp và ban thường vụ cấp ủy cấp trên. Đối với những vấn đề nhạy cảm mà báo chí nêu liên quan đến tư tưởng chính trị, bức xúc trong dư luận thì ban tuyên giáo cấp ủy các cấp tham mưu, đề xuất thường trực cấp ủy cung cấp chỉ đạo xử lý. Đặc biệt, quy định đặt ra thời hạn xử lý cùng với yêu cầu báo cáo kết quả (cho cấp ủy) và sự giám sát của Ủy ban Kiểm tra sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thông tin phản ánh, đồng thời khắc phục được những hạn chế trong việc xử lý các hành vi vi phạm như trước đây.
Bên cạnh đó, Quy định 1374 cũng nêu rõ thời gian phải giải quyết, xử lý các thông tin phản ánh như đối với nguồn thông tin qua phản ánh của báo chí phải xử lý trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi có thông tin phản ánh. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cá nhân có thông tin phản ánh thực hiện báo cáo giải trình gửi thường trực cấp ủy cấp trên trực tiếp về nội dung vụ việc; tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân...; xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan nếu có, đồng thời phải đề xuất phương pháp giải quyết vụ việc. Cũng trong thời hạn 10 ngày, ban thường vụ cấp ủy quyết định chỉ đạo việc xem xét, xử lý.
Sau khi thành lập, Tổ công tác 1374 đã xây dựng quy chế làm việc, có vai trò chức năng và nhiệm vụ để xem xét các vụ việc bức xúc kéo dài, đồng thời có quyền yêu cầu báo cáo kết quả xử lý. Tổ công tác 1374 cũng đã tiếp nhận hàng trăm thông tin phản ánh từ 4 nguồn. Các thông tin phản ánh chủ yếu là hành vi vi phạm thực hiện chức trách công vụ do chậm giải quyết những kiến nghị bức xúc của nhân dân; vi phạm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ ở các cơ quan, tổ chức; vi phạm về công tác tổ chức, cán bộ; vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo; vi phạm về phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Từ các thông tin phản ánh, Tổ công tác 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy đã rà soát, xác định cơ sở giải quyết các thông tin. Đầu năm 2018, Tổ công tác 1374 đã lập năm đoàn giám sát các điểm nóng để giám sát việc chỉ đạo xử lý đối với các thông tin được phản ánh qua bốn nguồn, và kết quả chỉ đạo đã đạt 70%. Qua xem xét, giải quyết, một số cán bộ bị kỷ luật với hình thức cách chức. Nhiều vụ việc sau khi được giải quyết đã nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân như vụ việc từ nguồn thông tin của báo chí phản ánh về việc hàng chục hộ dân ở quận 9 phải sống tạm bợ do bị thu hồi đất. Việc Ban Thường vụ Quận ủy Gò Vấp xử lý đơn tố cáo cán bộ thanh tra xây dựng bao che công trình xây dựng sai phép, và việc xử lý đơn thư khiếu nại của một số người dân do nắm được thông tin qua tiếp xúc cử tri của các đại biểu HÐND thành phố…
Với việc đưa ra những yêu cầu chặt chẽ trong quy trình giải quyết nội dung thông tin phản ánh và việc triển khai thực hiện trong thời gian qua đã khẳng định quyết tâm của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh về việc giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân liên quan đến cán bộ, công chức, đảng viên có biểu hiện suy thoái, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. Với những quy định đó, cán bộ, công chức khi làm bất cứ việc gì cũng có thể “được” giám sát chặt chẽ bằng việc mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin. Từ đó, tạo điều kiện cho việc tiếp nhận, xử lý những vấn đề bức xúc nổi cộm liên quan đến dân, đặc biệt là những dư luận về thái độ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần hạn chế những tiêu cực, phòng chống tham nhũng, nhất là những việc liên quan đến “tham nhũng vặt”.
Từ các kết quả ban đầu của Tổ công tác 1374, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chỉ đạo, quán triệt, triển khai sâu rộng QÐ 1374 đến từng chi bộ, cán bộ, đảng viên và các tổ chức thuộc phạm vi lãnh đạo quản lý. Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo xử lý các nội dung thông qua bốn nguồn tin; xem xét, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan theo quy định.
Theo Xaydungdang.org.vn