Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 03/01/2023 về nâng cao tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận là đảng viên. Để nắm rõ hơn về nội dung Chỉ thị, Ban Biên tập Trang Thông tin điện tử Tỉnh ủy đã phỏng vấn đồng chí Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về vấn đề này.
Thưa đồng chí, vì sao Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về nâng cao tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận là đảng viên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ?
Như chúng ta đã biết, trong thời gian qua Trung ương có yêu cầu khắc phục tình trạng trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chưa là đảng viên. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành một số văn bản chỉ đạo các cấp ủy khắc phục tình trạng nêu trên, cụ thể như: Kế hoạch số 81-KH/TU, ngày 09/4/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) chỉ đạo “Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng và tình trạng trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên”; Chỉ thị số 02-CT/TU, ngày 19/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phát triển đảng viên, giai đoạn 2021 - 2025 xác định “Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo việc bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố cần chú trọng lựa chọn, giới thiệu đảng viên có phẩm chất, năng lực, uy tín để nhân dân bầu làm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố”. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đạt được một số kết quả bước đầu như: tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên đạt 48,2%, trong đó tham gia cấp ủy đạt 83%, kiêm bí thư chi bộ đạt 35,4%; tỷ lệ trưởng ban công tác mặt trận là đảng viên đạt 39%, trong đó tham gia cấp ủy đạt 69,5%, kiêm bí thư chi bộ đạt 6,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn khá thấp so với bình quân chung của cả nước là 80,2% đội ngũ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên. Điều này ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa bàn khu dân cư.
Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Trong đó, xác định tiếp tục nâng cao tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận là đảng viên; thực hiện chủ trương bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận đối với nơi có đủ điều kiện.
Do đó, nhằm nâng cao hơn nữa tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận là đảng viên trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác, phát huy dân chủ ở cơ sở, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn dân cư, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và nguyện vọng của Nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xét thấy việc ban hành Chỉ thị để lãnh đạo, tổ chức thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ trên địa bàn tỉnh là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Đồng chí hãy cho biết những mục tiêu, định hướng quan trọng trong Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận là đảng viên ?
Dựa trên các phân tích, đánh giá thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cân nhắc nhiều mặt và quyết định đề ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu có từ 70% trở lên trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và 60% trưởng ban công tác mặt trận là đảng viên. Trong số đảng viên, phấn đấu có trên 90% trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là chi ủy viên hoặc giữ chức danh phó bí thư chi bộ, nơi có đủ điều kiện thì cơ cấu làm bí thư chi bộ; có trên 80% trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố là chi ủy viên hoặc giữ chức danh phó bí thư chi bộ, nơi có đủ điều kiện thì cơ cấu làm bí thư chi bộ.
Phấn đấu đến năm 2030, có từ 95% trở lên trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và 80% trưởng ban công tác mặt trận là đảng viên. Trong số đảng viên, phấn đấu có trên 95% trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là chi ủy viên hoặc giữ chức danh phó bí thư chi bộ, nơi có đủ điều kiện thì cơ cấu làm bí thư chi bộ; có trên 85% trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố là chi ủy viên hoặc giữ chức danh phó bí thư chi bộ, nơi có đủ điều kiện thì cơ cấu làm bí thư chi bộ.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, theo đồng chí cần tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp gì trong thời gian đến ?
Để đạt được mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung triển khai trong thời gian đến như sau:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận là đảng viên; các nhiệm vụ, giải pháp nâng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận; làm tốt công tác tư tưởng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, từ đó lựa chọn, giới thiệu đảng viên gương mẫu, có năng lực, uy tín ứng cử để bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hiệp thương dân chủ chức danh trưởng ban công tác mặt trận, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở địa bàn khu dân cư.
Hai là, khẩn trương rà soát, thống kê, đánh giá toàn diện đội ngũ trưởng (phó) thôn, tổ trưởng (tổ phó) tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận hiện nay chưa là đảng viên, qua đó xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ, phát triển đảng viên ngay trong năm 2023 đối với các trường hợp đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn; xác định lộ trình, thời gian cụ thể để bồi dưỡng, kết nạp cho các trường hợp còn lại đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định Điều lệ Đảng.
Ba là, tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ đảng viên đủ năng lực, uy tín, tiêu chuẩn, điều kiện ở địa bàn khu dân cư để dự nguồn giới thiệu các chức danh hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Trên cơ sở đó, chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi bố trí, sử dụng.
Bốn là, gắn việc chuẩn bị nhân sự chi ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ với nhân sự trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và trưởng ban công tác mặt trận. Tổ chức bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và hiệp thương dân chủ chức danh trưởng ban công tác mặt trận trước, sau đó giới thiệu đồng chí trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận để bầu chi ủy, phó bí thư chi bộ hoặc bí thư chi bộ (nơi có đủ điều kiện). Đối với những nơi chưa có nguồn nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để giới thiệu vào cấp ủy thì tập trung đào tạo, bồi dưỡng để khắc phục trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Năm là, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo thực hiện quy trình nhân sự theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ. Trong đó, quan tâm, ưu tiên lựa chọn, giới thiệu đảng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để giới thiệu ứng cử bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hiệp thương dân chủ chức danh trưởng ban công tác mặt trận. Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo điều chỉnh thống nhất nhiệm kỳ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn tỉnh phù hợp với nhiệm kỳ đảng bộ cấp xã và thời gian bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức trước khi tổ chức đại hội chi bộ thôn, tổ dân phố; kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh tăng chế độ chính sách cho trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận.
Sáu là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh chỉ đạo các tổ chức trực thuộc phối hợp làm tốt công tác tạo nguồn, giới thiệu quần chúng ưu tú ở địa bàn khu dân cư để kết nạp đảng; tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng là đoàn viên, hội viên đồng thuận, ủng hộ chủ trương giới thiệu đảng viên gương mẫu, có năng lực, uy tín ứng cử để bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hiệp thương chức danh trưởng ban công tác mặt trận.
Bảy là, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy quán triệt, xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị sát với điều kiện, đặc điểm của địa phương mình; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị; người đứng đầu cấp ủy chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thực hiện Chỉ thị; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Xin cảm ơn đồng chí!