Lịch sử tư tưởng nhà nước pháp quyền
Thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” mới xuất hiện trong các văn bản của Đảng và Nhà nước ta những năm gần đây, từ Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (ngày 29/11/1991) thuật ngữ pháp quyền được nêu ra, đến Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994), quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền được nhắc lại. Từ đó đến nay, thuật ngữ nhà nước pháp quyền lần lượt xuất hiện trong các văn kiện khác, đến 2001, Hiến pháp 1992 được sửa đổi bổ sung, quan điểm nhà nước pháp quyền được thể chế hóa thành quy định pháp luật để xác định bản chất và đặc trưng của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, nhìn về lịch sử, tư tưởng nhà nước pháp quyền không phải là sáng kiến của thời hiện đại. Ý tưởng pháp quyền trên thế giới đã manh nha từ thời cổ đại, trong “Nhà nước lý tưởng” của Platôn (427-347 TCN), trong “Chính trị luận” của Arixtốt (384-322 TCN) và trong học thuyết “pháp trị” của Hàn Phi Tử (280-233 TCN). Đến thế kỷ 17-18, các nhà tư tưởng phương Tây phát triển quan điểm nhà nước pháp quyền lên một bậc, hình thành học thuyết và dần dần hiện thực hóa khi xã hội dân chủ. Có thể kể đến các tác giả như John Locke (1632-1704), Montesquieu (1698-1755), J.J.Rút-xô (1712-1778), I.Kant (1724- 1804), Hêghen (1770-1831)… Theo đó, quan điểm nhà nước pháp quyền phát triển như một thế giới quan.
Nhà nước pháp quyền nói chung có 2 đặc trưng cơ bản: Một là nhà nước thượng tôn pháp luật; hai là nhà nước và pháp luật tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Vấn đề nhà nước pháp quyền đến nay vẫn luôn nằm trong các đề án xây dựng và hoàn thiện nhà nước Việt Nam, để xây dựng một nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thượng tôn pháp luật và tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Tư tưởng tiến bộ về vấn đề thể hiện tính pháp quyền trong quá trình xây dựng nhà nước đã được Hồ Chí Minh thể hiện không chỉ trong một tác phẩm, mà xuyên suốt trong các tác phẩm và hành động của Người.
Sự thể hiện tư duy pháp quyền một cách vượt trước qua các tác phẩm của Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền được thể hiện thông qua các việc Người làm, thông qua nội dung các tác phẩm của Người để lại và cả trong hệ thống các văn bản, chỉ đạo của Người khi Người trong vai trò Chủ tịch nước. Tuy không dùng thuật ngữ nhà nước pháp quyền, nhưng các đặc trưng nhà nước pháp quyền được hiện ra trong quá trình Người chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật của Nước Việt Nam mới thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, và “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Cụ thể, Nhà nước mới thời đại Hồ Chí Minh đã thể hiện các đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền:
- Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân;
- Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật;
- Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân;
- Nhà nước có sự phân công và kiểm soát quyền lực;
- Nhà nước có đội ngũ cán bộ, công chức tôn trọng pháp luật, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân;
- Nhà nước thực hiện đường lối hoà bình, hữu nghị với nhân dân các dân tộc và các nhà nước trên thế giới. Tôn trọng và cam kết thực hiện các công ước, điều ước, hiệp ước quốc tế đã tham gia, ký kết, phê chuẩn.
Tư tưởng pháp quyền thấm đẫm trong hành động của Hồ Chí Minh, cụ thể: khi ở nước ngoài, trong quá trình hoạt động ở Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã dùng con đường hợp pháp và chính thống để đấu tranh đòi công bằng khi đưa “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” đến cuộc họp của Quốc tế Cộng sản, dùng con đường hợp pháp để đòi Thực dân Pháp phải thực hiện những quyền con người tại một nước thuộc địa nhỏ bé ít người biết đến và chính cách thức đấu tranh hợp pháp này đã gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế, đặc biệt tại các nước châu Âu lúc bấy giờ.
Về nước, khi bắt đầu công cuộc xây dựng Nhà nước Việt Nam mới, trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945, quan điểm xây dựng nhà nước của dân bắt đầu từ lập luận về quyền độc lập dân tộc và quyền dân tộc tự quyết. Hồ Chí Minh khẳng định giá trị thiêng liêng của quyền con người. Những quyền thiêng liêng đó được ghi nhận trong hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng của nước Mỹ và nước Pháp. Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776): “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Người khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Từ quyền con người, Hồ Chí Minh suy rộng ra quyền dân tộc và dành cho mọi quốc gia dân tộc trên thế giới: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Ở đây, Hồ Chí Minh đã chuyển tiếp từ quyền của mọi người thành quyền của mọi dân tộc - từ sự thể hiện những giá trị cá nhân vốn là đặc trưng của văn hóa phương Tây bằng những giá trị mang tính tập thể là đặc trưng của văn hóa phương Đông.
Là một người dân ở nước thuộc địa, Hồ Chí Minh thấu hiểu quyền dân tộc có cơ sở từ quyền con người, cho nên quyền dân tộc cũng là quyền tự nhiên, vốn có như quyền con người. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết cho việc thực thi và đảm bảo quyền con người. Khi cả một dân tộc bị mất quyền bình đẳng, độc lập, tự do thì mỗi thành viên hợp thành dân tộc đó cũng không thể bình đẳng, tự do. Do đó, quyền con người không chỉ là quyền của cá nhân mà còn là quyền tự quyết của mỗi dân tộc, mà trước hết là quyền của từng công dân là được sống trong đất nước tự do, độc lập.
Vào thời điểm tác phẩm Tuyên ngôn độc lập 1945 ra đời, thì Hiến chương Liên hợp quốc mới vừa được thông qua ngày 26 tháng 6 năm 1945 tại San Francisco, Mỹ, bởi các quốc gia thành viên lúc bấy giờ, nhưng thời điểm đó, Hiến chương mới đưa ra mà chưa có hiệu lực, đến ngày 24 tháng 10 năm 1945 Hiến chương Liên hợp quốc mới có hiệu lực. Những nguyên tắc về quyền bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, quyền dân tộc tự quyết, nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, nguyên tắc giải quyết xung đột bằng con đường hòa bình… là những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại, giải quyết các mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Nhưng vào thời điểm Tuyên ngôn Độc lập ra đời, Hiến chương Liên hợp quốc chưa có hiệu lực thì những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại mới chỉ là những quan điểm tiến bộ. Điều tuyệt vời là những quan điểm tiến bộ ấy ngay vào thời điểm còn chưa hoàn toàn được cả thế giới công nhận thì đã được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập 1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quan điểm của Hồ Chí Minh thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 đã cho thấy tư duy pháp quyền trong Hồ Chí Minh có thể gọi là tư duy vượt trước.
Mặt khác, Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm với cách tiếp cận xuất phát từ lập luận quyền độc lập tự do của dân tộc là suy rộng từ quyền con người, điều này chính là đi từ gốc rễ của vấn đề chủ quyền, độc lập, tự do của mỗi dân tộc. Đó là những quyền tự nhiên, không thể chối cãi. Song, thời điểm Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập 1945 thì Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (1948) cũng chưa ra đời, đến năm 1948 mới được thông qua. Những quy định về quyền con người trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của Cách mạng Pháp là những tư tưởng tiến bộ, song nó đã bị chính những quốc gia ấy vi phạm. Bằng cách trích dẫn và ghi nhận những lẽ phải không thể chối cãi, Hồ Chí Minh đã lên tiếng để nhân loại tiến bộ nhìn sự việc bằng cái nhìn pháp quyền, rằng những điều được ghi trong các văn kiện pháp lý quan trọng như thế cần được tôn trọng và thực thi không chỉ ở nước Mỹ hay một nước châu Âu nào đó, như nước Pháp, hoặc chỉ với người Mỹ hay người Pháp, mà tất cả những quy định nhân văn tiến bộ ấy cần được tôn trọng và thực hiện ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tư duy pháp quyền không chấp nhận kiểu pháp luật chỉ là những tuyên bố mang tính hình thức mà không có giá trị hiện thực trong cuộc sống, cũng không thể chấp nhận việc nước này coi nước khác là thuộc địa của mình để đối xử với người dân ở nước thuộc địa không như cách đối xử với con người, những con người có những quyền tự nhiên không thể chối cãi, nên Hồ Chí Minh yêu cầu các nhà nước thực dân phải thừa nhận và tôn trọng rằng người dân ở nước thuộc địa là con người, họ có đầy đủ tất cả các quyền con người.
Căn cứ vào những tuyên bố chân lý về quyền con người, Hồ Chí Minh đã bằng tư duy pháp quyền để lập luận quyền con người gắn với quyền dân tộc: “Khi cả một dân tộc bị mất quyền bình đẳng, độc lập, tự do thì mỗi thành viên hợp thành dân tộc đó cũng không thể bình đẳng, tự do. Do đó, quyền con người không chỉ là quyền của cá nhân mà còn là quyền tự quyết của mỗi dân tộc, mà trước hết là quyền của một công dân sống trong đất nước tự do, độc lập”.
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Có thể nói tư tưởng pháp quyền đã làm cho Tuyên ngôn Độc lập 1945 của Hồ Chí Minh trở nên như là một trong những bản tuyên ngôn nhân quyền trên thế giới với tư duy cách mạng, khoa học và rất nhân văn, phản ánh tầm nhìn thời đại, tư duy sắc sảo về quyền con người. Hồ Chí Minh đề cập đến quyền con người gồm quyền làm chủ, quyền được pháp luật bảo vệ, quyền đi lại, quyền cư trú, quyền làm công dân, quyền hôn nhân và xây dựng gia đình, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo… rất phù hợp với những quy định cụ thể trong các văn kiện quốc tế về quyền con người sau này, như: Tuyên ngôn Thế giới về Quyền Con người của Liên Hợp quốc năm 1948, Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 và Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa năm 1966. Nhìn các mốc thời gian ra đời các văn kiện quốc tế đó, có thể khẳng định tư duy pháp quyền đã giúp cho Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm quyền con người một cách vượt trước phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu trên các phương diện quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội...
Tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh thật sự là một văn kiện vô cùng quan trọng, có giá trị đấu tranh về mặt pháp lý - cách thức đấu tranh chính thống, cách xử sự phù hợp với quan điểm pháp quyền - trong quan hệ với các nhà nước trên thế giới, đặc biệt là quan hệ giữa Việt Nam với các nhà nước thực dân.
Bản Tuyên ngôn Độc lập trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh Internet
Hiện thực hóa quan điểm xây dựng nhà nước bằng tư duy pháp quyền là nhà nước phải thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, ngay trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị tiến hành cuộc Tổng tuyển cử. Người khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”. Quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân, do nhân dân ủy thác cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nhân dân có quyền kiểm soát đại biểu mà mình đã bầu ra. Trong phiên họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã trình bày trước Hội đồng Chính phủ “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, trong đó nhiệm vụ thứ ba được đề cập là xây dựng một Hiến pháp dân chủ. Hiến pháp năm 1946 do Hồ Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo soạn thảo đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập một Nhà nước của nhân dân, thiết lập trật tự xã hội bằng pháp luật trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... Đồng thời, cũng vào năm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 47 về việc tạm giữ lại các luật lệ cũ, giữ lại mọi luật lệ cũ, chỉ trừ những điều luật trái với nền độc lập, tự do và ban hành một loạt sắc lệnh cần thiết cho việc xây dựng, củng cố chính quyền, ổn định đời sống nhân dân. Điều này cho thấy tư duy pháp quyền xuyên suốt trong hành động của Người, không phải là phủ định sạch trơn mà lưu tâm đến tính pháp lý của các luật lệ cũ, có tính liên tục, kế thừa, tiếp nối. Mặt khác, Người cũng rất quan tâm sửa sang pháp luật và luôn nhắc nhở cơ quan nhà nước phải chú ý lo việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật cho ngày càng hoàn chỉnh hơn, phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh mới phát sinh.
Điều 1 Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng, ghi nhận “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.”
Giải thích về quyền lực thuộc về nhân dân, Hồ Chí Minh giải thích: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”.
Ngay từ những ngày đầu, Hồ Chí Minh đã lưu ý đến vấn đề tổ chức và kiểm soát quyền lực. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người nói: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu, khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”.
Nhà nước trong quan điểm của Hồ Chí Minh là nhà nước có đội ngũ cán bộ, công chức tôn trọng pháp luật, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ công chức luôn phải rèn luyện đạo đức, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đồng thời, lên án gay gắt các hành vi tham ô, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền… Rất nhiều tác phẩm của Hồ Chí Minh thể hiện điều này. Hơn nữa, bằng tư duy pháp quyền, Người đã ký nhiều sắc lệnh để hướng dẫn xử lý các tội phạm này. Ngày 25/02/1946, Sắc lệnh 26 quy định về xử lý các tội phá hoại công sản. Ngày 27/11/1946, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 223 ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ với mức từ 5 năm đến 20 năm tù khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Điều này cho thấy Hồ Chí Minh không chỉ lên án, mà hành động luôn bằng con đường pháp quyền. Mọi việc phải có pháp luật để làm căn cứ xử lý, không nói suông, và tránh việc xử lý tùy tiện. Theo đó, tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước rất nhất quán với quan điểm nhà nước pháp quyền hiện nay.
Ý nghĩa lý luận, ý nghĩa thực tiễn và hướng vận dụng
Những nội dung thể hiện tư tưởng pháp quyền trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh như đã trình bày trên đây không chỉ dừng lại ở việc vận dụng các tư tưởng tiến bộ của nhân loại vào tình hình đất nước, mà Hồ Chí Minh đã thể hiện tư duy vượt trước về vấn đề pháp quyền, về việc xây dựng nhà nước thượng tôn pháp luật, gắn liền với việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người và quyền công dân một cách thực chất, bởi Nhà nước Việt Nam mới là nhà nước của nhân dân, nên phải do nhân dân lập ra và bảo vệ quyền lợi của nhân dân.
Từ các đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, soi lại những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, liên hệ với thực tiễn Việt Nam hiện nay, có thể rút ra một số bài học sau đây:
Thứ nhất, hoàn thiện nhà nước để đảm bảo thực sự hiệu lực và hiệu quả. Từ Quốc hội, Chính phủ, hệ thống cơ quan tư pháp đến chính quyền địa phương, đảm bảo mọi chức năng, nhiệm vụ của nhà nước có cơ quan đảm nhiệm, không chồng chéo, không trùng lặp, không đùn đẩy.
Việc phân cấp, phân quyền, phân công trong toàn bộ máy đảm bảo mọi cán bộ, công chức có nhiệm vụ, nhiệm vụ và quyền lực có thể kiểm soát được. Thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu để khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền.
Thứ hai, tăng cường dân chủ và có cơ chế đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, để nhân dân có thể thực hiện được việc kiểm soát quyền lực nhà nước, tránh để tình trạng người dân thờ ơ và dân chủ hình thức.
Thứ ba, rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật, không để tình trạng có quy định pháp luật không có giá trị thực thi. Pháp luật phải đủ cụ thể, cả quy định nội dung và thủ tục, tŕnh tự, cách thức, để cán bộ, công chức nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện thống nhất và hiệu quả.
Pháp luật phải ghi nhận và có cơ chế bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Cán bộ, công chức nhà nước phải tâm niệm thực thi quyền lực nhà nước suy cho cùng cũng chỉ để đảm bảo thực hiện quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân chứ không phải vì những ràng buộc của pháp luật mà phải chấp nhận hy sinh quyền và lợi ích của nhân dân do khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật. Mọi vướng mắc cần được giải quyết, nếu là vướng ở văn bản quy phạm thì sửa văn bản quy phạm, nếu vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật thì nhà nước phải chịu trách nhiệm với người dân.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Dù đối diện với rất nhiều áp lực trong công việc với những yêu cầu ngày càng cao, nhưng, không thể vì lý do khó mà nhà nước không thể quản lý được xã hội. Vì vậy, vấn đề nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức là vấn đề sống còn của nhà nước. Một nhà nước được hợp thành từ tập thể cán bộ, công chức, nên nếu không quan tâm đến công tác này thì mô hình bộ máy nhà nước có hoàn hảo đến đâu cũng chỉ là mô hình rỗng. Pháp luật có hoàn thiện đến đâu mà không có người thực hiện thì pháp luật cũng không thể tự phát huy.
Thứ năm, Đảng cần phát huy vai trò của mình trong quá trình lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đồng thời, đổi mới tổ chức Đảng để tránh tình trạng Đảng làm thay vai trò quản lý nhà nước. Mặt khác, tăng cường tính chủ động trong công tác phản biện xã hội của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên.
Thứ sáu, hợp tác chặt chẽ với các quốc gia và các tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quốc gia và các vấn đề toàn cầu, vừa thực hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, vừa thể hiện vai trò của Nhà nước với công dân dù trong hay ngoài lãnh thổ quốc gia.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng lỗi lạc. Quan điểm pháp quyền đã dẫn dắt hành động của Người trong công việc, đặc biệt là xử lý các quan hệ mang tính nhà nước. Chuẩn bị kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngẫm lại những đóng góp của Người cho sự nghiệp cách mạng và cụ thể là cho công cuộc xây dựng nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân thì bài học của Người vẫn vẹn nguyên giá trị và càng khẳng định sự tiến bộ trong tư tưởng của một lãnh tụ tài ba.
Hiện nay, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị chống phá quyết liệt, xuyên tạc, phủ nhận giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt, chúng tập trung vào chống phá “cột trụ” của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Song, cho dù âm mưu, thủ đoạn thâm độc, tinh vi đến đâu chúng cũng nhất định thất bại bởi giá trị, ý nghĩa và sức sống của di sản của Hồ Chí Minh là trường tồn trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đảng và Nhân dân ta luôn kiên định lập trường theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Ths. Lê Thị Kim Chung
Phó Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật
Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
Tags:
Tác giả: Ths. Lê Thị Kim Chung
Tổng số điểm của bài viết là: 44 trong 10 đánh giá
Xếp hạng: 4.4 - 10 phiếu bầu
- Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới (tiếp theo và hết) (22/04/2022)
- Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới (kỳ I) (22/04/2022)
- Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh: Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 185 cán bộ, công chức, viên chức (19/04/2022)
- Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới (07/04/2022)
- Nha Trang: Luân chuyển cán bộ để rèn luyện (05/04/2022)
- Kỷ niệm 45 năm Ngày thị xã Nha Trang được nâng cấp lên thành phố (30-3-1977 - 30-3-2022): Hướng đến đô thị thông minh, bền vững. (30/03/2022)
- Ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác phát triển đảng viên (29/03/2022)
- Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Văn Lương (28-3-1912 - 28-3-2022) Người lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (28/03/2022)
- Khánh Sơn: Để các di tích cách mạng phát huy giá trị (26/03/2022)
- Thanh niên Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (26/03/2022)