|
Ảnh minh họa (Ảnh: hanoimoi.com.vn)
|
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc tính khoa học trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức công kích, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, thì những diễn biến to lớn, toàn diện trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phai nhạt mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chạy theo lối sống thực dụng, giảm sút niềm tin vào chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, hơn lúc nào hết, việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu nhằm khẳng định, bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nguyên tắc tính khoa học yêu cầu người viết phản ánh được sự tồn tại khách quan của sự vật, hiện tượng một cách chân thực; chỉ ra được quy luật vật động, phát triển khách quan của lịch sử. Tính khoa học triệt để còn đòi hỏi phải đấu tranh chống lại mọi lạc hậu, phản động, bảo thủ, chống lại áp bức, bất công, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Ngoài ra, tính khoa học đòi hỏi phải phản ánh trung thực, khách quan chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở lập trường, phương pháp luận và định hướng chính trị nghiên cứu đúng đắn. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta phải bảo đảm tính khách quan khi phân tích, lý giải và đánh giá đúng bản chất khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tránh việc áp đặt, cường điệu hóa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như không được hạ thấp, xem nhẹ vai trò của nó. Bởi vì học thuyết Mác - Lênin là cơ sở thế giới quan, cơ sở phương pháp luận khoa học của nhân loại và gợi mở cho sự nghiên cứu tiếp tục trong tương lai của loài người. Do đó, trong nghiên cứu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải xem đó là một lĩnh vực khoa học, tức là phải nghiên cứu kỹ cả về lý luận và thực tiễn, không thể chủ quan, càng không được tùy tiện.
Hiện nay, việc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về cơ bản vẫn phải nhận diện đúng bản chất và ý đồ của các thế lực thù địch. Điều cần lưu ý là thủ đoạn của chúng tinh vi, phức tạp, xảo quyệt hơn và triệt để sử dụng công nghệ thông tin để đạt được ý đồ. Để có phương pháp đấu tranh phù hợp, chúng ta cần phải nhận diện rõ về quan điểm sai trái và quan điểm thù địch. Quan điểm thù địch phủ định thành quả cách mạng từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đến cả thành công của công cuộc đổi mới đất nước. Chúng chống đến cùng để phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều tổ chức chống đối như: Việt Tân, Triều Đại Việt, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”... Trong số những người có quan điểm thù địch, không hẳn đứng trong tổ chức, nhưng có quan điểm kiên quyết chống lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, quan điểm sai trái có thể chỉ là nhận thức sai. Thực tế trong nội bộ có một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức còn hạn chế, nhất là ở địa phương, cơ sở ít tiếp cận lý luận, lười đọc sách báo, cho nên dễ bị các quan điểm sai trái lôi kéo. Có một số trí thức ít trau dồi trình độ lý luận, không hiểu rõ vấn đề chính trị, xã hội cũng dễ bị lôi kéo, kích động[1].
Chúng ta nhận thức rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là khoa học vì nó giải quyết tất cả những vấn đề đặt ra của lịch sử, những yêu cầu tiến bộ của nhân loại cần lao, dù ở phương Đông hay phương Tây, như chính giá trị đích thực của bản thân nó. Thực tế lịch sử cho thấy, từ khi hình thành, phát triển và được xác lập vào cuối thế kỷ XIX, hệ thống các tư tưởng, quan điểm và những nguyên lý, quy luật kinh tế - xã hội mà hệ thống khoa học đó phát hiện ngày càng được chứng minh bằng thực tiễn cuộc sống, được thừa nhận rộng rãi và trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của giai cấp công nhân toàn thế giới, là vũ khí lý luận sắc bén của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên các châu lục và của các đảng tiên phong, chân chính của giai cấp đó, không kể ở Việt Nam hay bất cứ quốc gia, dân tộc nào hay ở châu lục nào[2].
Thế nhưng, các quan điểm sai trái, thù địch lại vin vào việc chủ nghĩa hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ và nhân sự thăng trầm của chủ nghĩa xã hội để hô hoán lên rằng “chủ nghĩa Mác - Lênin là không khoa học, không còn tính thời đại”. Chính những người thóa mạ và bôi nhọ chủ nghĩa Mác - Lênin, cố tình không hiểu rằng, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ không phải vì tư tưởng khoa học của học thuyết Mác - Lênin không còn tính thời đại, đã lỗi thời, mà là sự phá sản của một chủ trương, đường lối sai lầm, chẳng những sa vào quan liêu hóa, giáo điều, chủ quan duy ý chí bắt đầu từ sai lầm trong xây dựng đường lối lãnh đạo của Đảng cầm quyền ở đó, do đi chệch khỏi chủ nghĩa Mác - Lênin chân chính, mà còn là sự xét lại và phản bội chủ nghĩa xã hội khoa học… Thực tế chứng minh rằng, chính bản thân chủ nghĩa tư bản dù ở phương Đông hay phương Tây (từ Nhật Bản tới Tây Âu rồi Mỹ...) cũng đã và đang vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm điều chỉnh, thích nghi để tồn tại.
Trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh là một trong số ít các lãnh tụ cộng sản có sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Người đã tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin theo phương pháp luận mácxít, đồng thời theo lối tư duy phương Đông, cốt lấy ở cái tinh thần, cái bản chất, chứ không bị trói buộc trong cái vỏ ngôn từ. Từ lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ra chủ trương, chính sách phù hợp hoàn cảnh, điều kiện cụ thể trong từng thời kỳ cụ thể của cách mạng Việt Nam, không rập khuôn máy móc những lý luận đã có sẵn trong sách vở kinh điển. Chính Hồ Chí Minh đã vận dụng thế giới quan và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin để nghiên cứu thực tiễn Việt Nam và thế giới, tự tìm ra con đường của cách mạng Việt Nam phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử và của thời đại mới. Chính vì vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở lý luận làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh vượt lên trước các quan điểm, tư tưởng của những nhà yêu nước đương thời, khắc phục được sự khủng hoảng về con đường tiến lên của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin là một trong những nguồn gốc quan trọng nhất sản sinh ra tư tưởng Hồ Chí Minh, là cái cốt lõi nhất đem lại cho tư tưởng ấy tính tích cực khoa học và cách mạng.
Với bản lĩnh, trí tuệ siêu việt, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã không áp dụng máy móc, giáo điều chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Người nhận thức sâu sắc rằng: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”[3]. Với phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và giải quyết thành công những vấn đề lớn, cơ bản, quan trọng của cách mạng Việt Nam, như giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa quốc tế; sáng tạo về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Sự sáng tạo này còn thể hiện trên các lĩnh vực khác như: Kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại… Đặc biệt, là sự sáng tạo về xây dựng Đảng chính trị kiểu mới ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến bằng cách kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước (trong chủ nghĩa Mác - Lênin chưa đặt vấn đề phong trào yêu nước). Lý luận này đã góp phần bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Việc một số người la lối lên rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam một lần nữa là minh chứng cho sự thiếu hiểu biết, sự yếu hèn, thất thế của các thế lực thù địch, phản động, của những kẻ cơ hội chính trị trước sức mạnh tự thân, hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong những năm qua và đặc biệt thời gian gần đây, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhưng tự trung lại ở một số luận điệu xuyên tạc sau: (1) - Phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, tìm cách hạ thấp giá trị khoa học của học thuyết, tư tưởng đó. (2) - Phủ định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. (3) - Tập trung chống sự lãnh đạo của Đảng, đòi bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng bằng thuyết đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Thực chất việc này nhằm phủ định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. (4) - Đòi phi chính trị hóa quân đội, công an; đòi Đảng Cộng sản Việt Nam không được nắm quân đội, công an. (5) - Ra sức thực hiện chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo…
Thực tiễn đã chứng minh, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã soi đường cho cách mạng Việt Nam. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và công cuộc xây dựng xã hội mới là thắng lợi của sự vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh lên tầm cao mới. Do đó, không gì có thể cản trở chúng ta tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình đổi mới đất nước, mở cửa và hội nhập quốc tế. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”. Cương lĩnh cũng nhấn mạnh: “Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức của mình để đủ sức giải quyết các vấn đề do thục tiễn cách mạng đặt ra”[4]. Đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Đồng thời có sự nhận thức chính xác hơn, đầy đủ hơn vị trí, vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh. Cương lĩnh chỉ rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”[5]. Đảng ta luôn nhấn mạnh yêu cầu phải vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Với tinh thần đó, Đảng ta đã không ngừng bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên một loạt vấn đề lý luận cơ bản như: Vấn đề toàn cầu hóa, vấn đề lựa chọn con đường phát triển của Việt Nam, vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất, vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng… Kiên định và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đồng nghĩa với việc chúng ta kiên quyết đấu tranh làm rõ tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trước sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tiếp tục khẳng định tính thống nhất hữu cơ giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thời gian tới, để đấu tranh có hiệu quả nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cần phải tiếp tục khẳng định tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên để không còn tư tưởng chập chờn, không dứt khoát trong nhận thức, thậm chí có cán bộ, đảng viên còn thiếu tin tưởng thì rất nguy hiểm. Cũng cần nói thêm, trong quá trình đi lên CNXH, chúng ta cũng có những khuyết điểm, hạn chế, thậm chí có cái là non kém. Điều này là không thể tránh khỏi và nó đòi hỏi phải thẳng thắn chỉ ra và quyết liệt chấn chỉnh. Làm tốt được việc vừa nêu sẽ góp phần đẩy lùi được các quan điểm sai trái, thù địch. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta càng phải trở về với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách trung thành và vận dụng, phát triển sáng tạo. Đại hội XIII của Đảng (2021) tiếp tục khẳng định: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[6]. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. Nguyên tắc bất di bất dịch là phải coi đó không chỉ là nền tảng lý luận chính trị về phương diện chính trị - xã hội, một cương lĩnh chính trị - khoa học về mặt hành động cách mạng, một chỉnh thể toàn vẹn về mặt cấu trúc hệ thống, một thực thể vận động và thống nhất trên bình diện khoa học - thực tiễn, mà còn là một lý thuyết - thực tiễn mở về phương diện xã hội - lịch sử và là một tổng thể phương pháp luận khoa học và cách mạng, như chính bản thân học thuyết Mác - Lênin chứa đựng và thể hiện. Nói cách khác, chủ nghĩa Mác - Lênin tuyệt đối không phải là thứ khoa học trừu tượng, tư biện mà là khoa học về cách mạng, khoa học của thực tiễn và vì thực tiễn nhằm tới mục tiêu giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột. Vì thế, tự nó hàm chứa khả năng tự phát triển, tự sáng tạo không ngừng, thông qua cách mạng. Nói kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin cũng chính là phải không ngừng phát triển nó bằng thực tiễn cách mạng sáng tạo; đồng thời, tỉnh táo chống lại một cách kịp thời và hiệu quả mọi biểu hiện của chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa xét lại làm vấy bẩn, méo mó và xuyên tạc nó… Cùng với đó, chúng ta cần đi sâu nghiên cứu, khai thác và thể hiện những giá trị lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi sử dụng những tư liệu để trích dẫn phải đảm bảo tính chính xác, không được tùy tiện chủ quan nói nhiều lần theo trí nhớ. Muốn vậy, phải luôn tìm tòi, sưu tầm, đọc tài liệu và ghi chép cẩn thận. Khi trình bày, nói chuyện, báo cáo các nội dung có liên quan đến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải chuẩn bị kỹ, hiểu sâu, hiểu đúng, hiểu đầy đủ, trình bày trung thành các nội dung theo đúng C.Mác - Ăngghen toàn tập, V.I.Lênin toàn tập và Hồ Chí Minh toàn tập, cũng như sử dụng tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương và của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xuất bản. Có như vậy mới góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới./.
[1] Nguyễn Trọng Phúc: Phải nhận diện đúng bản chất, ý đồ của các thế lực thù địch, báo Sài Gòn giải phóng, ngày 10/12/2020, tr. 3.
[2] Vũ Văn Phúc: Phải chăng chủ nghĩa Mác - Lênin lỗi thời, không phù hợp với Việt Nam?, Tạp chí Lý luận chính trị, số 2/2020, tr. 101.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, tr. 509 - 510.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 5.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 88.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 33.
Theo https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/tuan-thu-nguyen-tac-tinh-khoa-hoc-trong-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-584363.html