Dự án thành phần 1 của Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đang chậm tiến độ. Nguyên nhân chính là do đến nay, UBND thị xã Ninh Hòa vẫn chưa ban hành giá đất năm 2024 để phê duyệt bồi thường cho các trường hợp còn lại và xét tái định cư cho những trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án.
Giải phóng mặt bằng chậm
Được khởi công từ tháng 6-2023, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho đơn vị thi công tại công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang rất chậm. Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư dự án), công trình có tổng chiều dài 31,5km (phần Khánh Hòa thực hiện) với tổng diện tích giải phóng mặt bằng gần 228,2ha. Đến nay, UBND thị xã Ninh Hòa đã phê duyệt đền bù giải phóng mặt bằng chuyển cho chủ đầu tư được 55 đợt (trong đó có 54 đợt chi trả tiền cho các hộ dân và 1 đợt chi trả tiền di dời mộ ở phường Ninh Đa) với tổng số trường hợp đã chi trả tiền đến nay là 663/972 trường hợp (đạt 68,21%), với tổng trị giá giải ngân hơn 185,3 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, thị xã chưa phê duyệt được trường hợp nào. Nguyên nhân là do giá đất thị xã Ninh Hòa năm 2024 vẫn chưa được ban hành. Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Ninh Hòa đang xây dựng giá đất năm 2024 để có cơ sở thẩm định phê duyệt đền bù cho các trường hợp còn lại.
|
Công trường đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. |
Theo ông Phạm Văn Hòa - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Ninh Hòa đã bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu để triển khai thi công thực tế ngoài hiện trường liền mạch được 10,36/31,5km. Đến nay, mặt bằng thi công vẫn còn vướng các đoạn như: Đoạn qua địa bàn phường Ninh Đa và đoạn qua địa bàn xã Ninh Đông đang vướng mặt bằng các hộ dân có nhà ở trên đất, xét tái định cư; đoạn qua địa bàn xã Ninh Trung chưa bàn giao trường hợp nào; đoạn qua địa bàn xã Ninh Thân vướng các thửa đất lúa còn lại nằm trong nút giao với đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang… “Đến nay, đa số các đoạn đã bàn giao được mặt bằng đều nằm xen kẽ; một số đoạn giải phóng mặt bằng được nhiều, có mặt bằng thi công thì lại không có đường tiếp cận. Để có mặt bằng thi công, ban quản lý đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Ninh Hòa vận động mở trước đường công vụ qua tuyến để vận chuyển máy móc thiết bị phục vụ thi công cầu tại một số đoạn cấp thiết. Ngày 23-3, ban quản lý đã có văn bản gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Ninh Hòa yêu cầu tập trung giải phóng mặt bằng và bàn giao đối với các đoạn còn vướng của 3 xã: Ninh Xuân, Ninh Sim và Ninh Tây”, ông Hòa cho hay.
Nguồn vật liệu và bãi chứa đảm bảo
Nhu cầu vật liệu phục vụ cho công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là 1,9 triệu m3 đất; 1,1 triệu m3 đá và 347.000m3 cát. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp bản xác nhận đăng ký khai thác 2 mỏ vật liệu gồm mỏ đất Ninh Thân - Ninh Thượng 2 với trữ lượng 850.000m3 đất san lấp và mỏ đất, đá Ninh Thân - Ninh Thượng với trữ lượng hơn 1 triệu m3 đất san lấp, 700.000m3 đá, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu nguồn vật liệu phục vụ công trình. Riêng đối với 3 mỏ cát (khai thác ở hồ Suối Dầu, hồ Sông Chò, hồ Hoa Sơn) đã được Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận sử dụng cho công trình đã hết thời hạn và chưa được cấp phép gia hạn. Để đảm bảo nguồn vật liệu cát phục vụ thi công, nhà thầu đề xuất bổ sung mỏ cát hồ Láng Nhớt để sử dụng cho công trình. Ngày 18-3, UBND tỉnh có văn bản điều chỉnh bản xác nhận mỏ cát hồ Láng Nhớt sử dụng nguồn vật liệu cát cho công trình.
|
Công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang chậm tiến độ. |
Đối với các bãi đổ thải, ngày 9-3-2023, UBND tỉnh có công văn thống nhất 23 bãi đổ thải để phục vụ cho công trình với trữ lượng hơn 1,8 triệu m3. Ngày 14-6-2023, UBND tỉnh có công văn thống nhất bổ sung 19 bãi đổ thải với tổng diện tích gần 55,4ha, trữ lượng dự kiến tiếp nhận hơn 1,7 triệu m3. Ngày 22-3, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường bổ sung 2 bãi đổ thải do đa phần các bãi đổ thải của đoạn tuyến nằm cách xa công trình từ 0,7 đến 2,5km, có đường vận chuyển nhỏ hẹp và một số đoạn đã bị hỏng.
|
Công nhân thi công trên công trường đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. |
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung 2 bãi đổ thải trước ngày 7-4; đồng thời yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30-4 phải hoàn thành tận thu lâm sản tại các vị trí đã chuyển mục đích sử dụng rừng để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Vướng mắc lớn nhất của công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là thị xã Ninh Hòa chưa có giá đất năm 2024 để phê duyệt bồi thường cho các trường hợp còn lại và xét tái định cư cho những trường hợp bị ảnh hưởng. UBND tỉnh đã yêu cầu UBND thị xã Ninh Hòa phải công bố giá đất trước ngày 15-4; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đền bù, bàn giao đất để đơn vị thi công có mặt bằng triển khai thi công. Chủ đầu tư, địa phương cùng các đơn vị liên quan cần bám sát công việc, chủ động kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ các vướng mắc bởi công trình đang quá chậm so với yêu cầu.
Công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (phần Khánh Hòa thực hiện) có điểm đầu từ Km 0 + 000 (Nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1) thuộc khu vực Cảng Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa); điểm cuối tại Km32 + 000 thuộc địa phận xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa). Quy mô đầu tư cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/giờ; tổng mức đầu tư của dự án khoảng 5.632 tỷ đồng; thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2027. Tuyến đường đi qua 8 xã, phường của thị xã Ninh Hòa, gồm: Ninh Đa, Ninh Đông, Ninh Trung, Ninh Thân, Ninh Thượng, Ninh Xuân, Ninh Sim, Ninh Tây với 972 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó có 157 trường hợp đủ điều kiện tái định cư.
Theo https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202404/cong-trinh-duong-bo-cao-toc-khanh-hoa-buon-ma-thuotgo-vuong-de-day-nhanh-giai-phong-mat-bang-5857244/