Tham gia góp ý vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa có ý kiến sau:
|
Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa |
Về Quyền chung của người sử dụng đất được ghi tại Điều 27: Đề nghị bổ sung: "người sử dụng đất có quyền xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất và bảo vệ tài sản trên đất". Lý do: Người sử dụng đất khi có nhu cầu (chuyển đổi các mô hình vườn-ao- chuồng; trang trại,..), không dám đầu tư do không được xây dựng các công trình phụ trợ sản xuất, bảo đảm an toàn trong sản xuất, dẫn đến không khai thác có hiệu quả đất nông nghiệp, gây lãng phí.
Về quy định Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 74 của dự án Luật
Khoản 3 và khoản 4 Điều 74 quy định không rõ ràng về thời hạn thu hồi đất, không phù hợp với thực tiễn và hạn chế quyền của người sử dụng đất. Đây là bất cập của pháp luật về đất đai làm cho người sử dụng đất bị tước đi quyền sử dụng từ nhiều năm qua chưa được tháo gỡ gây bức xúc trong nhân dân (quy hoạch treo, quy hoạch thay đổi nhiều lần, người dân có đất nhưng khi có nhu cầu thừa kế, xây nhà, sửa chữa nhà ở...không thực hiện được).
Về nguyên tắc: Người dân không được xây dựng các công trình, trồng cây.. khi và chỉ khi có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứ không phải kể từ khi có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Vì sao (nếu quy hoạch, kế hoạch thay đổi liên tục hoặc quy hoạch treo...thì người dân bị thiệt, không được thực hiện quyền sử dụng đất của mình). Hơn nữa, người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện khi và chỉ khi phát sinh quyết định thu hồi đất chứ không phải khi quy hoạch hoặc kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Vì vậy, khi nhà nước chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa bồi thường thì không thể cấm người dân xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình, trồng cây trên đất. Khi nào nhà nước thu hồi đất thì bồi thường giá trị công trình, cây trồng...mà người sử dụng đất đã xây, trồng trước khi có quyết định thu hồi đất. Còn đối với các công trình, cây trồng...thực hiện sau khi có quyết định thu hồi đất thì không được bồi thường.
Về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 75 của dự án Luật:
Tại Khoản 3 Điều 54 của Hiến pháp quy định: " Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng". Đây là vấn đề cần làm rõ, khi mà Luật Đất đai 2013 chưa được quy định rõ, dẫn đến việc nhiều trường hợp "lạm dụng việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế xã hội" để thu hối đất của người sử dụng đất để đầu tư bất động sản, vì mục tiêu lợi nhuận; gây bức xúc cho người sử dụng đất, phát sinh nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định Các tiêu chí để thu hồi đất và điều kiện để thu hồi đất. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để làm rõ thêm các điều khoản sau để bảo đảm yếu tố: "thật cần thiết" và "chỉ vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội" mà "không vì mục tiêu lợi nhuận" như: Quy định tại các điểm d, đ, e, g khoản 2, điều 79 về: "cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội...như: bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân, phòng chẩn trị y học cổ truyền, cơ sở dịch vụ cận lâm sàng, nhà hộ sinh, điều dưỡng..." ; cơ sở giáo dục, đào tạo; cơ sở thể dục thể thao; cơ sở khoa học và công nghệ ..." được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước có phải hoàn toàn vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội hay không? Và như vậy, việc nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án này có phù hợp không?
Quy định tại các điểm b (khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao), c (khu sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản...), h (nghĩa trang, nhà hỏa táng), i (xây dựng cơ sở tôn giáo)...khoản 2 điều 79: nếu đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước thì việc nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án có phù hợp không? Trong trường hợp này, mục tiêu lợi nhuận được đặt trọng tâm hay mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đặt trọng tâm?
Đối với các loại dự án này, cần phân định rõ trong trường hợp nào thì được nhà nước thu hồi đất, trường hợp nào thì chủ đầu tư dự án tự thỏa thuận với dân và trong trường hợp tự thỏa thuận với dân thì cũng cần quy định tỷ lệ diện tích chủ đầu tư thỏa thuận thành và tỷ lệ diện tích đất còn lại của dự án mà chủ đầu tư không thỏa thuận được mặc dù giá đền bù bảo đảm tính hợp lý, công bằng với mặt bằng giá đền bù diện tích đất trong dự án thì quy định nhà nước tiến hành các biện pháp thu hồi đất.
Về quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại Điều 116: Đề nghị bỏ cụm từ "chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong cùng thừa đất có đất ở" quy định tại Khoản 3 Điều 116. Vì quy định như vậy sẽ được hiểu: nếu trong diện tích đất nông nghiệp mà không có diện tích đất ở thì sẽ không được chuyển sang đất ở. Việc chuyển mục đích sử dụng đất chỉ cần căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất là đủ.
Do đó, nội dung này nên sửa lại theo hướng: Người sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở hoặc các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nếu phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo hạn mức do Chính phủ quy định.
Cũng tham gia góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa có ý kiến sau:
|
Đại biểu Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa |
-Thứ nhất, đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì về điều kiện sinh sống nói chung còn có những khó khăn nhất định khi tiếp cận các cơ chế, chính sách của Nhà nước để cụ thể hoá trong đời sống của mình, vì vậy cần thiết phải có sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước. Vì vậy, tại Điều 17, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thay cụm từ “Có chính sách” bằng cụm từ “Nhà nước bảo đảm” tại các khoản 1 và khoản 2 để nâng cao trách nhiệm của nhà nước đối với sự hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời bổ sung trường hợp: đồng bào dân tộc thiểu số được giao đất để sản xuất, kinh doanh nhưng chưa đủ hạn mức, nếu có nhu cầu và địa phương có quỹ đất thì được giao thêm đất, không thu tiền sử dụng đất cho đủ hạn mức tại điểm a, khoản 2.
Và để hỗ trợ thêm cho đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các thủ tục hành chính, đề nghị bổ sung thêm một khoản: Nhà nước có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
-Thứ hai, tại Điều 20 về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai. Đây là Điều khoản mới, được bổ sung so với Luật đất đai đã ban hành trước đây. Tuy nhiên, tại điều này, việc quy định vai trò, trách nhiệm các tổ chức thành viên của Mặt trận nói chung, trong đó có các tổ chức chính trị - xã hội, chỉ được nêu ở Khoản 3 khi thực hiện trách nhiệm trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đất đai tới Nhân dân, vận động Nhân dân thực hiện và chấp hành tốt chính sách, pháp luật về đất đai. Còn tại khoản 1 và khoản 2 quy định trách nhiệm trong việc xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; tham gia ý kiến, giám sát; tham gia hòa giải tranh chấp về đất đai chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội.
Theo đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai có tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh của người dân nói chung và tác động đến đời sống của người dân ở nông thôn nói riêng và để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên, thể hiện vai trò, trách nhiệm của các đoàn thể chính trị - xã hội, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các đoàn thể chính trị - xã hội vào khoản 1 và khoản 2 tại Điều 20. Bên cạnh đó, ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát các Điều, khoản khác để bổ sung theo đúng quy định. Như ở Điều 86, trường hợp người có đất bị thu hồi không phối hợp trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì UBND chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nơi có đất bị thu hồi và đơn vị, tổ chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vận động, thuyết phục để tạo sự đồng thuận thực hiện. Trên thực tế, khi có vấn đề xảy ra tại địa phương, nhất là liên quan đến công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thì ngoài vai trò của Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thì không thể không nói đến vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, và thường thì cấp uỷ địa phương giao trách nhiệm cho các tổ chức này tham gia cùng với các ngành chức năng. Do đó, đề nghị ban soạn thảo rà soát lại dự thảo Luật và bổ sung cho chặt chẽ và phù hợp.
Nguyễn Trí Nghĩa (Ghi)
Theo https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202306/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-khanh-hoa-thao-luan-o-to-ve-du-an-luat-dat-dai-sua-doi-4e51b80/