Nhờ chủ động trong việc thăm dò, khảo sát và rút ngắn thời gian cấp phép, tỉnh đã đảm bảo nguồn vật liệu cho Dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang, đáp ứng được nhu cầu xây dựng dự án.
Rút ngắn thời gian cấp phép
Dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng chiều dài 83,35km đi qua địa bàn 4 huyện, thị xã: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh. Theo hồ sơ được duyệt, tổng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường của dự án gồm: 2,1 triệu m3 đá các loại; 0,3 triệu m3 cát; 6,24 triệu m3 đất đắp khai thác từ mỏ. Theo báo cáo, đến thời điểm này, UBND tỉnh đã xác nhận hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác đối với 5 mỏ đất làm vật liệu xây dựng thông thường/8 mỏ đất do nhà thầu đăng ký khai thác; 3 hồ sơ đang thẩm định, dự kiến sẽ xác nhận hồ sơ cho nhà thầu trước ngày 20-7. Được biết, tổng khối lượng 5 mỏ đất đã được cấp phép là hơn 3,3 triệu m3; nếu hoàn thành cấp phép 8 hồ sơ, tổng lượng đất đắp sẽ được hơn 4,5 triệu m3 , đạt khoảng 70% khối lượng so với nhu cầu của dự án.
Về cát xây dựng, UBND tỉnh đã thỏa thuận 5 mỏ cát, bao gồm cả các dự án nạo vét hồ chứa thủy lợi có thu hồi được khoáng sản là cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho phép gia hạn nạo vét đối với các hồ chứa có thu hồi khoáng sản cát để cung cấp cho nhu cầu (300.000m3) của dự án. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt 1 hồ sơ nâng công suất khai thác cát tại mỏ Hố Sâu (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh); đang thẩm định 1 hồ sơ đề nghị nâng công suất mỏ đá Bồ Đà (xã Vạn Lương, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh).
|
Khai thác đất phục vụ cao tốc Vân Phong - Nha Trang tại một mỏ vật liệu trên địa bàn xã Vạn Hưng, Vạn Ninh. |
Ông Trần Đình Tuyên - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư dự án) nhận xét, địa phương đã giải quyết tốt việc cấp vật liệu, đáp ứng cho các đơn vị thi công, không để nhà thầu phải chờ đợi. Đặc biệt, tỉnh đã nỗ lực rút ngắn thời gian thẩm định cấp phép khai thác các mỏ, nhiều hồ sơ rút ngắn từ 57 ngày xuống còn 35 ngày.
Theo ông Bành Văn Anh - Trưởng Văn phòng Công ty Cổ phần Lizen tại Khánh Hòa (nhà thầu chính), theo khảo sát, Dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang sử dụng 18 mỏ đất. Nhà thầu đã được cấp phép 5 mỏ, các mỏ còn lại khó khăn do nhiều lý do: Giá thương thảo quá cao, đường vận chuyển nhỏ hoặc phải đi qua tỉnh lộ với nhiều khu dân cư đông nên gây rủi ro về môi trường, hỏng đường, mất an toàn giao thông…
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn
Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, nếu việc khai thác, sử dụng mỏ vật liệu và bãi chứa vật liệu thải mà tác động đến các diện tích rừng trồng thì phải chuyển mục đích sử dụng rừng. Thực tế, các khu vực mỏ khai thác và bãi chứa vật liệu thải được sử dụng để cung cấp chỉ cho thi công cao tốc, hoạt động trong thời gian ngắn, sau khi khai thác sẽ tiến hành cải tạo phục hồi môi trường (trồng rừng, trả lại đất cho chủ sử dụng đất…). Vì vậy, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất trong các trường hợp này. Do đó, việc áp dụng quy định chuyển mục đích sử dụng rừng là không cần thiết, cần có cơ chế tháo gỡ.
Trong quá trình triển khai, thực tế xuất hiện một số vấn đề về mặt pháp lý cần tháo gỡ. Theo quy định, UBND tỉnh được phép quyết định nâng công suất các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác. Vì vậy, UBND tỉnh đang đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục nâng công suất là ban hành quyết định cá biệt điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản hay ban hành các văn bản thông thường (công văn, thông báo). Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thẩm quyền tiếp nhận và cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của dự án này thuộc về UBND tỉnh hay Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện đúng quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu kê khai đăng ký khai thác, sử dụng khoáng sản trong dự án đầu tư xây dựng công trình để thực hiện nghĩa vụ đóng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định; có văn bản xác định các mỏ đất nằm trong hay nằm ngoài dự án cao tốc để địa phương thực hiện các thủ tục đất đai có liên quan trong quá trình cấp phép.
Đồng chí Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Thời gian tới, tỉnh sẽ phê duyệt thêm hai mỏ đất để tăng thêm khối lượng vật liệu phục vụ dự án. Đối với các mỏ không thể khai thác, tỉnh sẽ cho chủ trương bổ sung điểm mỏ mới nhưng cần sự thống nhất của các bên liên quan để thực hiện cơ chế đặc thù. Còn đối với mỏ cát, địa phương đã chọn 3 điểm mỏ nhưng chỉ khai thác 1 tháng trước mùa mưa. Tỉnh cũng sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục cấp mỏ để đảm bảo nguồn vật liệu cho nhà thầu.
Theo https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202307/du-an-duong-bo-cao-toc-van-phong-nha-trangdam-baonguon-cung-vat-lieu-1102174/