Sáng 19-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì buổi làm việc trực tuyến của Đoàn công tác Chính phủ với 3 tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu ở các địa phương. Tại điểm cầu Khánh Hòa, đồng chí Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự.
Khánh Hòa tăng trưởng khá
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh đã báo cáo cụ thể về các lĩnh vực. Theo đó, trong 9 tháng, Bình Định tăng trưởng gần 7%, Phú Yên khoảng 8%. Đây là mức tăng trưởng khá so với bình quân của cả nước. Đối với Khánh Hòa, trong 9 tháng, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,17% so với cùng kỳ năm trước (xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố và đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung). Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn tăng 12,1% (tăng cao nhất trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung).
|
Đồng chí Lê Hữu Hoàng phát biểu tại điểm cầu Khánh Hòa.
|
Về đầu tư xây dựng, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh 9 tháng đạt hơn 47.863 tỷ đồng, tăng 7,3%. Toàn tỉnh thu hút được 15 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án tăng khoảng 29.076 tỷ đồng; chấp thuận đầu tư 2 dự án với tổng vốn đầu tư 434 tỷ đồng. Về đầu tư công, số vốn giải ngân 9 tháng tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh 9 tháng đạt gần 1.197 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: Đóng tàu tăng 51,2%; hàng thủy sản giảm 21,6%; cà phê giảm 4,8%… Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chỉ đạt 954 triệu USD, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do việc giảm lượng đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường chính dẫn đến giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp. Mặt khác, trước đó, Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đã nhập khẩu đầy đủ máy móc, thiết bị đảm bảo cho việc lắp đặt, vận hành nhà máy nên tỷ lệ nhập khẩu máy móc, thiết bị phụ tùng của toàn tỉnh giảm 81,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những mặt đạt được, 3 tỉnh đều gặp khó khăn chung về chuyển đổi các loại rừng dẫn đến việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng thi công công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam; khó thực hiện quy định về phòng cháy, chữa cháy; khó thu hút đầu tư trong xây dựng, chuyển nhượng nhà ở xã hội… Riêng Khánh Hòa còn gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, chính sách tín dụng, thị trường, lao động… Trong số đó, có nhiều vướng mắc do các văn bản quy phạm pháp luật có sự chồng chéo và quy định khác nhau của từng bộ, ngành dẫn tới nhiều công việc bị chậm giải quyết hoặc không triển khai được.
Do đó, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan một số vấn đề. Trong đó, tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc lập quy hoạch, sử dụng đối với các loại đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện; rà soát, điều chỉnh nội dung quy định cơ quan xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất tại Thông tư liên tịch số 14/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp quy định việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất để phù hợp với nghị định của Chính phủ.
UBND tỉnh cũng kiến nghị Trung ương xem xét điều chỉnh một số nội dung Luật Đầu tư công về bố trí và sử dụng vốn ngân sách địa phương; cho phép sử dụng nguồn vốn thường xuyên để thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các cơ sở vật chất, công trình có giá trị nhỏ. Trong công tác phòng cháy, chữa cháy, UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động đầu tư xây dựng theo từng đối tượng, loại hình cơ sở hiện hữu đang có tồn tại, vướng mắc; đồng thời nghiên cứu, rà soát, sửa đổi quy chuẩn về an toàn phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình phù hợp với mục đích, công năng nhằm đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy nhưng cũng không gây lãng phí nguồn lực xã hội và có tính khả thi… Ngoài ra, UBND tỉnh cũng kiến nghị các bộ, ngành sớm có phương án tháo gỡ khó khăn đối với một số vướng mắc cụ thể về thị trường, lao động và nhiều lĩnh vực khác.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, đoàn công tác sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xây dựng, xuất nhập khẩu… Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị, đối với những nội dung thuộc thẩm quyền, các bộ tập trung giải quyết kiến nghị của các địa phương; chủ động vào cuộc, phối hợp giải quyết những vướng mắc không thuộc thẩm quyền. Qua đó, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế, giúp các địa phương phát triển.
ĐÌNH LÂM
Theo https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202310/tang-cuong-ket-noi-cung-cau-lao-dong-65f6ac6/