Đồng chí NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa nhân dịp Kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa
Gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng
- Theo dòng chảy lịch sử, tỉnh Khánh Hòa luôn đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc; năng động, sáng tạo trong công cuộc tái thiết và đổi mới phát triển kinh tế - xã hội kể từ sau ngày thống nhất đất nước. Xin ông đánh giá đôi nét về thành quả phát triển của tỉnh trong giai đoạn từ sau năm 1975 đến nay?
|
- Phát huy truyền thống anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ năm 1975 đến nay, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo để xây dựng, phát triển quê hương và đã gặt hái được những thành tựu quan trọng rất đáng tự hào. Đặc biệt, sau hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Khánh Hòa đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển cho phát triển kinh tế - xã hội, đạt một số chỉ tiêu đặt ra, trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia và có thương hiệu quốc tế.
Tỉnh đã từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Khu Kinh tế Vân Phong từng bước có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh; thu ngân sách tăng nhanh, đảm bảo tự cân đối ngân sách địa phương và có điều tiết về ngân sách Trung ương; hệ thống đô thị ven biển được hình thành; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp; hoạt động hợp tác, liên kết với các địa phương trong và ngoài vùng đạt một số kết quả bước đầu. Nhiệm vụ phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công tác dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đạt được nhiều tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo đạt mức thấp; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Việc phát triển kinh tế - xã hội được kết hợp chặt chẽ với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm thực hiện; hoạt động của bộ máy hành chính được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.
- Có một giai đoạn khó khăn hơn bao giờ hết và chưa từng có tiền lệ là sự xuất hiện và gây ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự nỗ lực chung sức, đồng lòng, Khánh Hòa đã khống chế được đại dịch và vươn lên mạnh mẽ. Đồng chí có thể đánh giá sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, quân và dân trong toàn tỉnh để cùng chiến thắng đại dịch này?
- Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với hệ thống y tế Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Đại dịch đã tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Khánh Hòa là địa phương có lĩnh vực du lịch rất phát triển, nhu cầu đi lại của người dân và du khách rất cao. Ngay từ khi trên thế giới xuất hiện các chùm ca bệnh nhỏ lẻ, Khánh Hòa đã luôn cập nhật, quan tâm sâu sát và có những chỉ đạo phù hợp với tình hình dịch trên thế giới. Tính đến trước tháng 6-2021, Khánh Hòa chỉ ghi nhận rải rác các ca bệnh nhiễm ngoài cộng đồng, nhưng không bùng phát dịch trên diện rộng. Từ tháng 6-2021, số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng cao, số ca cần nhập viện điều trị tại các bệnh viện dã chiến ngày càng nhiều. Dịch Covid-19 tại Khánh Hòa tiếp tục diễn biến phức tạp đến khoảng tháng 4-2022, sau đó, số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh giảm rõ rệt.
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; sự hưởng ứng tích cực của toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn toàn tỉnh trong việc triển khai khẩn trương, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch, tỉnh đã kiểm soát được dịch Covid-19. Tính đến ngày 1-3-2023, toàn tỉnh ghi nhận tích lũy 120.096 trường hợp mắc Covid-19, trong đó đã xuất viện 119.654 trường hợp, tử vong 367 trường hợp (chiếm 0,3%). Tính đến nay, người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 đạt 105%; mũi 2 là 105,06%; tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt hơn 100% đối với mũi 1 và mũi 2; trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có tỷ lệ tiêm chủng đạt khá (mũi 1 đạt 95,1%; mũi 2 đạt 64,99%).
|
Những con số nêu trên là thành tích đáng ghi nhận của tỉnh trong phòng, chống dịch Covid-19. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của các thầy thuốc cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch; sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy cùng các giải pháp, chương trình hành động phù hợp, quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đã định hướng cho ngành Y tế tỉnh để chiến thắng đại dịch, trả lại cuộc sống bình thường cho người dân, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Mở ra định hướng phát triển cho thời kỳ mới
- Hiện nay, toàn tỉnh tập trung ở mức cao nhất để thực hiện thành công các nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa. Xin đồng chí cho biết những giải pháp để Khánh Hòa sớm đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030?
- Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09 có ý nghĩa rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với tỉnh. Nghị quyết số 09 góp phần mở ra định hướng phát triển cho thời kỳ mới, với các cơ chế, chính sách đặc thù giúp Khánh Hòa khơi thông các nguồn lực, khai thác và tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu đưa Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, trở thành động lực tăng trưởng của cả vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Có thể khẳng định, đây là “đũa thần” lớn nhất để Khánh Hòa “cất cánh” trong thời gian đến.
Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đây được xem là “chìa khóa” để tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55 là cần thiết và cấp bách để giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn, kịp thời thể chế hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 09 để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống; đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém và tạo cơ chế, chính sách đột phá để huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần đạt được các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra. Nghị quyết này có ý nghĩa quan trọng, tạo đòn bẩy cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Bên cạnh việc phát triển tỉnh Khánh Hòa nói riêng, chính sách còn mang tính lan tỏa, hỗ trợ các địa phương trong vùng cùng phát triển; nếu kết quả chính sách thí điểm đạt hiệu quả thì sẽ tổng kết, đánh giá để xây dựng thành cơ chế, chính sách chung cho cả nước.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 55 của Quốc hội và Nghị quyết số 42 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã khẩn trương ban hành các chương trình, kế hoạch hành động với mục đích tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, quyết tâm đưa các nghị quyết của Trung ương đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của tỉnh Khánh Hòa theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Để Khánh Hòa sớm đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, then chốt.
Theo đó, tỉnh tập trung xây dựng và thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch khu vực Nam Trung Bộ. Tỉnh sẽ phát triển các vùng kinh tế - xã hội theo hướng: Phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm là khu vực vịnh Vân Phong, TP. Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh; phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng, có vai trò hỗ trợ các vùng trọng điểm; phát triển nhanh và bền vững vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với phát huy bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên bản địa, có vai trò đảm bảo an ninh môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, đại đoàn kết các dân tộc.
Cùng với đó, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh, tiềm năng, trong đó lựa chọn khoa học và công nghệ hiện đại là động lực tăng trưởng và dẫn dắt quá trình tái cơ cấu kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả, phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế biển, trong đó đột phá vào phát triển đô thị ven biển, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số; tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chuyển từ mô hình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá lớn vào du lịch sang mô hình tăng trưởng kinh tế lấy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ làm chủ đạo; đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn.
Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số làm cơ sở để Khánh Hòa phát huy vai trò là trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ chính ra Biển Đông, có vai trò trung tâm kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, các vùng, miền trong cả nước và quốc tế. Cùng với đó, tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và quốc tế; phối hợp với các tỉnh thuộc khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên trong xây dựng Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030 theo hướng tích hợp, đa ngành, hình thành chuỗi giá trị và triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng, xác định đúng tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh và nhận diện cơ hội hợp tác giữa các địa phương; đẩy mạnh liên kết phát triển khu vực Bắc Khánh Hòa - Nam Phú Yên và Đắk Lắk - Khánh Hòa, gắn với hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh nỗ lực thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó tập trung nâng cao thứ hạng các chỉ số quản trị phát triển địa phương; tranh thủ và sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo định hướng “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, phát huy cao độ nội lực, thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo nguồn lực tổng hợp để phát triển. Song song với đó, phát triển đô thị theo định hướng thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế. Trong đó, phát triển hệ thống đô thị ven biển là động lực tăng trưởng chủ yếu với định hướng TP. Nha Trang là đô thị hạt nhân; TP. Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tỉnh tiếp tục tập trung phát triển nguồn lực con người và khoa học - công nghệ; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; tiếp tục kiện toàn, củng cố, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở đồng bộ, thống nhất, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới; xây dựng cơ chế phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng người có đức, có tài; khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo vì sự phát triển chung của tỉnh.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
P.V (Thực hiện)
Một số chỉ số kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa trong 20 năm qua (số liệu của Cục Thống kê tỉnh)
|
Đơn vị tính
|
Năm 2003
|
Năm 2013
|
Ước Năm 2022
|
GRDP theo giá so sánh 2010
|
Tỷ đồng
|
6.111,7 (theo giá so sánh 1994)
|
34.024,3
|
54.505,2
|
GRDP theo giá hiện hành
|
Tỷ đồng
|
9.737,4
|
47.344,2
|
95.974,0
|
Chỉ số phát triển GRDP (năm trước = 100%)
|
%
|
110,97
|
107,87
|
120,70
|
Thu ngân sách
|
Tỷ đồng
|
3.348,4
|
11.580,9
|
16.499,7
|
Chi cân đối ngân sách
|
Tỷ đồng
|
1.436,5
|
7.848,2
|
11.610,7
|
Chỉ số sản xuất công nghiệp
|
%
|
Năm 2003 sử dụng chỉ tiêu giá trị sản xuất
|
104,50
|
121,70
|
Diện tích gieo trồng cây hàng năm
|
ha
|
80.483
|
86.043
|
67.948,3
|
Tổng mức hàng hoá bán lẻ dịch vụ và tiêu dùng
|
Tỷ đồng
|
5.885,1
|
47.344,4
|
85.808,9
|
Xuất khẩu
|
Triệu USD
|
258,9
|
1.074,3
|
1.570,4
|
Doanh thu du lịch
|
Tỷ đồng
|
360,2
|
6.965
|
13.976,7
|
Dân số
|
Nghìn người
|
1.096,62
|
1.184,9
|
1.253,9
|
Số cơ sở giáo dục phổ thông (tiểu học+trung học)
|
Trường
|
Năm học 2002-2003: 279 trường
|
Năm học 2012-2013: 325 trường
|
Năm học
2022-2023:
328 trường
|
Theo https://baokhanhhoa.vn/ky-niem-370-nam-hinh-thanh-phat-trien-tinh-khanh-hoa/202304/quyet-tam-tao-but-pha-de-khanh-hoa-phat-trien-toan-dien-8278400/