Ngày 16-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới. Dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia và tổ chức tài chính, ngân hàng, hiệp hội bất động sản. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn. Trong đó có 72 dự án đã hoàn thành với quy mô 38.128 căn và 129 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 114.934 căn. Riêng tại Khánh Hòa, hiện nay, tỉnh đã quy hoạch, bố trí quỹ đất 52 ha để làm nhà ở xã hội. Nhìn chung, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh chủ yếu phát triển tập trung tại TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh. Các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhà ở cho người thu nhập thấp với khoảng 17 dự án đã đưa vào sử dụng và 5.482 căn được bàn giao cho khách hàng. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, thủ tục về đất đai, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng…
|
Đồng chí Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để phát triển nhà ở xã hội, trong đó triển khai nhanh, hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành Trung ương có liên quan tập trung xây dựng, sớm ban hành các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội. Đối với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cấp ủy có nghị quyết để lãnh đạo việc phát triển nhà ở xã hội, HĐND ban hành các chính sách, quy định phù hợp với đặc thù địa phương, UBND các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện tốt, thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời trong điều kiện địa phương, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm không đùn đẩy, né tránh. Các địa phương cũng cần lưu ý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tổ chức đấu giá, đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, tài chính, kinh nghiệm, triển khai công khai minh bạch và tăng tỷ lệ ký quỹ, bảo lãnh để bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tốt; đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt…
THÀNH NAM
Theo https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202403/thuc-day-phat-trien-cac-du-an-nha-o-xa-hoi-8a2306e/