Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 6/6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Dân tộc.
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Dân tộc, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về các vấn đề trọng tâm: trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tư phát và chặt phá rừng.
Trong phần chất vấn đối với lĩnh vực này, khi cần thiết, Chủ tọa đoàn sẽ mời Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nội vụ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Xây dựng; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Tài nguyên và Môi trường và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia phát biểu.
|
Trước khi nghe và giải trình các vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã phát biểu về một số vấn đề chất vấn. (Ảnh: QH) |
Công tác dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cấp bách của Đảng, Nhà nước ta
Trước khi nghe và giải trình các vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã phát biểu về một số vấn đề chất vấn.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh, công tác dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cấp bách của Đảng, Nhà nước ta, được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số. Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện. An ninh trật tự được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng cho biết Chương trình được thiết kế với 10 dự án thành phần có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành và triển khai trên địa bàn 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở tích hợp một số chính sách giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn trước đây còn hiệu lực, cùng một số chính sách mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn, nhằm đạt mục tiêu tích hợp các chính sách thống nhất thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng, đảm bảo đủ nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các vùng khó khăn nhất trong các nhóm dân tộc có điều kiện đặc thù và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển bền vững và phát huy nội lực, lợi thế, tiềm năng của từng vùng và tinh thần tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc còn nhiều khó khăn, bất cập. Hệ thống văn bản hướng dẫn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, một số chính sách mặc dù đã được ban hành nhưng văn bản hướng dẫn triển khai chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra, làm chậm triển khai các chính sách. Đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn...
|
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 6/6. (ảnh: QH) |
Làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia
Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) nêu ý kiến: Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ quản trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhưng sau ba năm triển khai chương trình vẫn rất chậm (về giải ngân); Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp trong thời gian tới? Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết tiến độ giải ngân của Chương trình mục tiêu quốc gia, nếu tính theo năm kế hoạch thì đến năm nay là chậm.
Lý giải về sự chậm trễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do những vướng mắc về thể chế. Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan trong 2 năm qua đã tập trung giải quyết gỡ vướng về thể chế, các văn bản hướng dẫn. Đến thời điểm hiện nay, cơ bản các văn bản hướng dẫn của Chính phủ chỉ đạo các địa phương đã hoàn thành cơ bản, để cho các địa phương triển khai.
Bộ trưởng cũng cho biết, còn một số ít văn bản chưa hoàn thiện, Ủy ban Dân tộc sẽ cùng với các bộ, ngành hoàn thiện nốt. Hiện nay, còn việc sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đang xin ý kiến các thành viên Chính phủ và 16 thành viên Chính phủ đã cho ý kiến xong. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sẽ ban hành trước ngày 15/6.
Sau khi Nghị định 27 ban hành, Ủy ban Dân tộc sẽ sửa đổi và ban hành mới Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc: Hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I bắt đầu từ năm 2021-2025.
Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị làm rõ đâu là vướng mắc lớn nhất và hướng khắc phục trong thời gian tới trong triển khai một số dự án và tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia là khó khăn nhất và chia sẻ với những trăn trở của tất cả các cấp, các ngành, các đại biểu bởi chương trình rộng lớn và nằm ở địa bàn khó khăn, phức tạp. Các dự án, các chính sách được tích hợp vào chương trình bao gồm cả chính sách của giai đoạn trước còn hiệu lực. Trăn trở lớn nhất hiện nay là quá trình triển khai trên thực địa bởi có những dự án triển khai cụ thể đến tận thôn, bản, từng gia đình.
Bộ trưởng cho biết, về mặt thể chế, cơ bản các văn bản hướng dẫn đã ban hành đầy đủ, tuy nhiên không tránh khỏi trong thực tế có những vấn đề phát sinh. Do đó, Trung ương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Đối với các địa phương, trong các văn bản hướng dẫn lần này sẽ tăng cường phân cấp tối đa tất cả mọi nguồn lực để cho địa phương quyết, tập trung lực lượng để triển khai.
Bố trí đầy đủ vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia
Trả lời câu hỏi của đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) liên quan đến việc tham mưu cho Chính phủ thực hiện bố trí ngân sách trung ương bổ sung cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 120 có giao Chính phủ nhiệm vụ bố trí vốn trong tổng cơ cấu vốn được phê duyệt, huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước. Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí đủ vốn theo đúng tinh thần của Nghị quyết cho giai đoạn từ nay đến 2025.
|
Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) chất vấn Bộ trưởng Hầu A Lềnh tại phiên họp chiều 6/6. (Ảnh: QH) |
Ngoài ra, trong cơ cấu vốn bố trí cho chương trình còn có một số nguồn vốn khác, gồm vốn tín dụng, vốn của địa phương đối ứng. Về huy động nguồn ngoài ngân sách nhà nước, đã huy động nguồn ODA và các nguồn vốn xã hội khác. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí đủ nguồn theo kế hoạch hàng năm để triển khai theo đúng kế hoạch bố trí vốn Quốc hội đã phê duyệt.
Về giải pháp huy động nguồn vốn khác, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ, ngành để tham mưu Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng kế hoạch huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách gồm các nguồn vốn ODA, vốn các doanh nghiệp, các tổng công ty, nhưng đúng thời điểm năm 2021, 2022, đất nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức, nên không đặt vấn đề huy động trong giai đoạn này.
Về vốn ODA, Ủy ban Dân tộc có dự án cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số bộ, ngành làm việc với Ngân hàng Thế giới để huy động ngân sách gần 9.000 tỷ đồng; hiện nay đã xây dựng xong khung chính sách, tiến hành khảo sát các địa phương để tập trung đầu tư cho 75 tuyến đường ở các xã đặc biệt khó khăn. Khung chính sách đã được Ngân hàng Thế giới chấp thuận. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán năm 2022 vẫn còn một số vướng mắc khi Chương trình mục tiêu quốc gia chưa triển khai nên chưa giải ngân vốn nhà nước, áp lực trần nợ công. Một số bộ, ngành đang cân nhắc dừng việc này để đợi thời điểm thích hợp. Ngân hàng Thế giới thống nhất dừng lại đến hết năm tài khóa 2022, nên dự án này đang tạm dừng. Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ cho tiếp tục nghiên cứu, đàm phán lại dự án này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, về khả năng huy động vốn ngoài ngân sách cho việc thực hiện Chương trình theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc sẽ cố gắng thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Về các nguồn ngân sách huy động từ các tổ chức trong nước hiện trong giai đoạn khó khăn, Ủy ban Dân tộc sẽ tùy theo diễn biến tình hình để báo cáo Chính phủ huy động vào thời điểm thích hợp.
Khắc phục tình trạng thiếu đất ở, đất canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)) về những khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, việc phân định này được thực hiện qua 2 giai đoạn, với mục tiêu thực hiện phân định theo trình độ phát triển, xác định các thôn, xã đặc biệt khó khăn để làm địa bàn đầu tư tập trung trọng tâm trọng điểm.
Trong quá trình phân định thuộc 2 giai đoạn này, Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, tham mưu Chính phủ xác định các tiêu chí. Từ 1996 đến nay, các chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng trên tinh thần đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn nhất theo tiêu chí phân định khu vực theo trình độ phát triển.
Gần đây nhất, Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể để xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm. Trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021- 2025.
Trên cơ sở tiêu chí được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được Thủ tướng ủy quyền ban hành Quyết định số 612/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, quá trình phân định dựa trên một số tiêu chí: Những xã, thôn có 15% dân số trở lên là người dân tộc thiểu số là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xã có tỷ lệ hộ nghèo 15% trở lên là xã nghèo. Những xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% không còn là xã nghèo nữa.
Về tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg, các xã không còn là vùng đặc biệt khó khăn nữa không được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của giai đoạn 2016-2020, đã có tác động, ảnh hưởng đến 12 chính sách. Chính phủ đã giao các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi một số quy định, thông tư có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách bảo hiểm với người dân tộc thiểu số.
Về tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng du canh, du cư tự phát, chặt phá rừng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định đây là vấn đề lớn xuất phát từ nhu cầu thực tế. Khi xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia và qua quá trình rà soát và báo cáo của các địa phương, cũng như số liệu thống kê đến năm 2019 cho thấy trên 24 nghìn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở và trên 43 nghìn hộ thiếu đất canh tác. Ủy ban Dân tộc đã nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg, trong đó có đề ra chỉ tiêu, mục tiêu rất cụ thể là đến năm 2025 sẽ giải quyết được 60% nhu cầu đất ở cho người dân; 40% còn lại sẽ được giải quyết dần trong giai đoạn 2026 - 2030.
Về đất sản xuất, theo báo cáo của các địa phương, có nơi còn quỹ đất, cũng nhiều nơi không còn, kể cả cấp xã, thôn. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề lớn cần có sự thống nhất của các bộ, ngành để đưa ra giải pháp, trong đó có việc rà soát lại quỹ đất của các lâm trường, xem xét cấp cho người dân. Tuy nhiên, việc này được triển khai tại các cơ sở còn chậm. Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại quá trình thực hiện để việc cấp đất cho bà con được diễn ra nhanh chóng./.
Theo https://dangcongsan.vn/thoi-su/lam-ro-nguyen-nhan-cham-giai-ngan-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-639403.html