Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), phát biểu tại hội trường về nội dung này, Đại biểu Hà Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa bày tỏ nhất trí cao với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu góp ý một số vấn đề:
|
Đại biểu Quốc hội Hà Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa |
- Thứ nhất, tại Điều 16 phân loại hợp tác xã, dự thảo quy định hợp tác xã được phân loại siêu nhỏ, nhỏ, vừa, lớn theo tiêu chí số lượng thành viên chính thức và theo các tiêu chí doanh thu hoặc tổng nguồn vốn và được xác định theo lĩnh vực hoạt động. Sự quy định này cho thấy các vấn đề phát sinh như chưa cho thấy sự cần thiết phải phân loại hợp tác xã, phân loại để làm gì? Để đảm bảo trong công tác quản lý nhà nước hay phân loại để được hưởng các chính sách hỗ trợ khác mà không có quy định trong dự thảo luật. Ngoài ra, khả năng quy mô hợp tác xã thay đổi theo thời gian về số lượng thành viên và tổng nguồn vốn là có thể xảy ra, việc điều chỉnh, đăng ký nội dung thay đổi như dự thảo luật quy định tại điều 47, 48 là không phải dễ dàng.
- Thứ hai, về chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Điều 28 : đề nghị bổ sung Chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh: Tùy theo mức độ thiệt hại, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và nhu cầu thực tế, tổ hợp tác, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được hỗ trợ, ưu đãi về vốn, giống theo quy định của pháp luật hiện hành để khôi phục sản xuất đối với vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh.
Ngoài ra đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển mô hình kinh tế hợp tác nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng và giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Hiện nay, có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, trong đó có kinh tế hợp tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện lồng ghép vào các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu đưa vào luật để thực hiện hiệu quả hơn.
- Thứ ba, về các trường hợp giải thể HTX, liên hiệp HTX, đề nghị rà soát bổ sung quy định về các trường hợp giải thể tại Điều 97 vì thực tế có những trường hợp không tiến hành giải thể được như một số HTX cũ thành lập trước đây hoạt động không còn hiệu quả hoặc dừng hoạt động trong thời gian dài nhưng không thực hiện giải thể do vướng mắc các giấy tờ liên quan hoặc do người đại diện chết, mất tích, nhiều thành viên bỏ đi nơi khác không liên lạc được... do đó đề nghị có quy định, hướng dẫn giải quyết dứt điểm để HTX có thể giải thể được theo quy định của pháp luật.
- Thứ tư, về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX : ban soạn thảo đưa ra 2 phương án thì tôi chọn phương án 2, đó là không quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên HTX, liên hiệp HTX mà chỉ quy định về trả lại phần vốn góp khi chấm dứt tư cách thành viên, ra khỏi HTX, liên hiệp HTX theo quy định của Luật Hợp tác xã và Điều lệ, tương tự như quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012 nhằm tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp, hạn chế tình trạng thâu tóm, chi phối của một số cá nhân, tổ chức. Khi thành viên không còn nhu cầu là thành viên của HTX, liên hiệp HTX thì có thể xin ra và chấm dứt tư cách thành viên theo quy định của Luật; và ngược lại, các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện thì trở thành thành viên HTX, liên hiệp HTX.
Và như vậy, theo đó tại dự thảo luật đề nghị ban soạn thảo bỏ các quy định liên quan đến chuyển nhượng phần vốn góp.
- Thứ năm, về Quỹ chung không chia tại điều 85. Dự thảo luật chỉ quy định cho loại hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà không quy định cho tổ hợp tác. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm vì hoạt động của tổ hợp tác cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước như trong dự thảo luật đã nêu từ điều 21 đến điều 27. Do đó tổ hợp tác cũng cần trích lập quỹ chung không chia nhằm dự phòng nguồn quỹ khi các sự cố rủi ro có thể xảy ra.
Ngoài ra, để thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm các quy định để khuyến khích mô hình tổ hợp tác phát triển và thu hút hộ cá thể tham gia. Bởi tổ hợp tác chính là nguồn để phát triển lên HTX và đảm bảo cho mục tiêu đến 2025, cả nước có khoảng 134 ngàn tổ hợp tác và 35 ngàn HTX.
- Thứ sáu, về Điều 108 chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại tỷ lệ quy định số thành viên tán thành vì để được tất cả các thành viên tán thành là rất khó, hiện nay có một số tổ hợp tác có số lượng thành viên từ 20- 25 người. Nếu quy định tỷ lệ 100% thành viên tán thành sẽ gây ra những khó khăn trong việc chuyển đổi giống như việc giải thể hợp tác xã theo quy định trước đây.
Theo https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202305/thao-luan-tai-hoi-truong-ve-du-an-luat-hop-tac-xa-sua-doi-cce69e8/