|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: QH |
Hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với hiệu lực hiệu quả bộ máy
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về chính sách tiền lương năm 2024 và các giải pháp căn cơ cần phải thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tiền lương luôn là vấn đề được đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm. Tiền lương vừa góp phần tái tạo sức lao động, cũng là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động.
Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 27 của Trung ương đã ban hành trước đây nhưng chưa thực hiện được do nguồn lực còn khó khăn. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta đã cố gắng trích lập lương, tăng thu, giảm chi và hiện đã có 560 nghìn tỷ phục vụ cho cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đến hết năm 2026.
Song song với cải cách tiền lương khu vực nhà nước, Thủ tướng cho biết, chúng ta cũng cải cách tiền lương trong khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp. Làm sao để lương hai khối này tiệm cận với nhau theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, tới đây sẽ phải hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với hiệu lực hiệu quả bộ máy, đồng thời tiết kiệm các khoản chi, đảm bảo chi lương cho người lao động. Đồng thời phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền và hàng loạt các vấn đề khác như Bộ trưởng Nội vụ đã nêu trước đó.
Thực hiện hiện đại hóa lực lượng nòng cốt về phòng cháy, chữa cháy
Trả lời chất vấn về công tác phòng cháy chữa cháy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ rất thương tâm (trong các vụ cháy chung cư mini, cháy quán karaoke…). Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ cũng đã có những biện pháp, giải pháp ngăn chặn.
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân (hiểu biết, kỹ năng phòng và chống); tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ở cấp ủy; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, quy hoạch các vấn đề liên quan.
Đồng thời huy động sự tham gia của người dân, các tổ chức xã hội vào công tác phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt là thực hiện hiện đại hóa lực lượng nòng cốt về phòng cháy, chữa cháy.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về các đột phá chiến lược, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong ba đột phá là thể chế, nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng, không chọn ưu tiên nào trong 3 đột phá này mà cần đảm bảo hài hòa, hợp lý phù hợp với hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn.
Về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định có tình trạng thủ tục hành chính còn rườm rà, cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Vì vậy, giải pháp trong thời gian tới là đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức và tăng cường giáo dục, truyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính.
Các bộ, ngành tiếp tục rà soát cắt giảm thủ tục còn rườm rà, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vừa thúc đẩy, vừa giám sát, vừa động viên. Trong đó, giải pháp căn cơ vẫn là tinh thần trách nhiệm, năng lực của cán bộ, tăng chế tài xử lý; đồng thời, cần cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Đề cập việc tăng năng suất lao động xã hội, Thủ tướng khẳng định đây một trong những thước đo quan trọng đánh giá trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia. “Trong nhiều năm qua, năng suất lao động xã hội của Việt Nam tăng trưởng liên tục và cao hơn so với bình quân của khu vực, thế giới. Tuy nhiên, chỉ tiêu này vẫn chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra”, Thủ tướng nhìn nhận.
Để khắc phục thực trạng này, theo Thủ tướng, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng cũng yêu cầu tạo bước chuyển biến thực chất trong đào tạo đại học và đào tạo nghề; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển các sàn giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động; tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội về giáo dục, y tế.
Những giải pháp này, theo người đứng đầu Chính phủ, sẽ góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động xã hội, khả năng cạnh tranh và tiềm lực kinh tế của đất nước./.
Theo https://dangcongsan.vn/thoi-su/thu-tuong-tiet-kiem-cac-khoan-chi-de-dam-bao-chi-luong-cho-nguoi-lao-dong-651591.html