Đây là giải pháp được ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh tại Hội thảo “Trẻ em trong thế giới số - Giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội” do Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức sáng 23/5, tại Hà Nội.
Nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nguy hiểm không kém đời thực
|
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Môi trường kỹ thuật số ngày càng trở nên quan trọng đối với hầu hết các khía cạnh của cuộc sống chúng ta, kể cả trong thời kỳ khủng hoảng như đại dịch COVID-19. Internet ngày càng mang lại nhiều cơ hội, tiện ích cho cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, internet cũng mang lại những thách thức và rủi ro cho tất cả, đặc biệt là trẻ em, nếu chúng ta không sử dụng đúng cách và an toàn.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian sử dụng internet với nhiều mục đích khác nhau: xem phim, video; học tập; sử dụng mạng xã hội, theo dõi các nhân vật của công chúng; tìm kiếm thông tin; trò chuyện với bạn bè, người thân…). Cùng với đó, trẻ em sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, xâm hại trẻ em qua môi trường mạng nguy hiểm không kém gì đời thực, bởi những nội dung, hình ảnh, clip được phát tán khắp nơi, có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ em.
Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cũng cho rằng nguy cơ xâm hại, lạm dụng trẻ em vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp trên thế giới số. Theo báo cáo nghiên cứu của UNICEF, cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên, thì có 1 trẻ em bị bắt nạt trên mạng. Đáng lo ngại, 3/4 trong số đó không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu.
“Theo ước tính trên thế giới, theo bất kỳ thời điểm nào trong ngày thì có khoảng 750 nghìn đàn ông đang tìm kiếm tình dục trực tuyến với trẻ em, con số này bằng 4 lần dân số của quận Ba Đình và hơn 3 triệu tài khoản đang được đăng ký trên 10 trang web lạm dụng tình dục trẻ em nguy hiểm nhất trên các trang web đen. Đây là con số đáng sợ. Do đó cần có hành động khẩn cấp" - bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, chuyên gia Chương trình bảo vệ trẻ em UNICEF, trẻ em phải đối mặt với rủi ro khác nhau và các hình thức gây hại mới trong không gian mạng. Lấy vấn đề bắt nạt làm ví dụ, ông chỉ rõ, ngoài đời khi bị bắt nạt, thủ phạm thường là một kẻ mạnh hơn và có thể đi kèm với bạo lực thân thể. Tuy nhiên, trên mạng trẻ em có thể bị dân cư mạng chế giễu, cợt nhả, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý, thậm chí công kích, đe dọa, làm mất mặt… “Trẻ em có thể là nạn nhân, người đón nhận, người tham gia hoặc người khởi xướng các hành vi trực tuyến này” – ông nhấn mạnh.
|
5 tháng đầu năm 2023, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 128 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng |
Bên cạnh đó, các hành vi xâm hại tình dục qua mạng cũng rất đáng lo ngại. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, "bóc lột tình dục trên mạng" được coi là hành vi hình sự ở một số quốc gia, trong đó trẻ em bị bắt xuất hiện trước webcam để thực hiện hành vi tình dục hoặc bị xâm hại tình dục, đổi lại lấy tiền từ một khách hàng trả tiền để họ có thể xem trực tiếp và/hoặc ra lệnh thực hiện các hành vi mà họ mong muốn.
"Máy ảnh và thiết bị ghi hình ngày càng nhỏ gọn hơn, được tích hợp vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta, khiến quá trình sản xuất tài liệu xâm hại tình dục trẻ em và thu thập nội dung từ hành vi xâm hại tình dục không tiếp xúc trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết", ông nói.
Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thông tin, năm 2022 Tổng đài đã tiếp nhận 419 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và 18 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em.
Còn riêng 5 tháng đầu năm 2023, Tổng đài 111 tiếp nhận 128 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và 3 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em. Trong số 128 cuộc gọi thì có 124 cuộc gọi tư vấn và 4 ca kết nối, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.
Cần chung tay để tạo lập môi trường thế giới số an toàn, lành mạnh
Ông Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, những gì xảy ra trong môi trường trực tuyến phản ánh xã hội nói chung cũng như những mối nguy hiểm mà trẻ em phải đối mặt trong gia đình, trường học, cộng đồng mà đáng lý ra đây là những nơi an toàn cho trẻ em. Trao đổi về những giải pháp, theo ông, các chiến lược giải quyết vấn đề bắt nạt trực tuyến, xâm hại và bóc lột trên mạng phải là một hợp phần của các chiến lược bảo vệ trẻ em rộng hơn nhằm giải quyết các hành vi bạo lực, xâm hại và bóc lột khác đang diễn ra thông qua các phương thức khác nhau.
Bên cạnh đó, hợp tác và điều phối giữa các bên liên quan là chìa khoá thành công. Nhấn mạnh cách tiếp cận đa bên rất quan trọng, ông cho rằng để bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả, nhiều bên liên quan cần phải tham gia hành động: Chính phủ, xã hội dân sự, các chuyên gia làm việc với trẻ em, cha mẹ và bản thân trẻ em, cơ quan truyền thông…
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Anh, bảo vệ trẻ em trực tuyến, doanh nghiệp công nghệ thông tin có vai trò vô cùng quan trọng. Vì thế UNICEF và Liên minh viễn thông Quốc tế ITU xây dựng Hướng dẫn bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng dành cho doanh nghiệp. Trong đó, đề ra các giải pháp mà các doanh nghiệp có thể thực hiện để bảo vệ và tôn trọng trẻ em cũng như để các em sử dụng internet lành mạnh, sáng tạo.
|
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) |
Thừa nhận các nguy cơ trên môi trường mạng, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh, chúng ta cần chung tay để tạo lập cuộc sống, môi trường thế giới số ngày càng an toàn lành mạnh hơn với trẻ em.
Theo ông, thời gian tới, cần đánh giá nhanh và ở tầm chiến lược, dự báo, những kinh nghiệm các bài học của Việt Nam và quốc tế để có các giải pháp cụ thể hơn, thiết thực hơn để bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng, cũng như thúc đẩy các cơ hội để trẻ em có thể tham gia tích cực hơn trên môi trường mạng. Đồng thời cần thúc đẩy thu thập thông tin, chia sẻ dữ liệu giữa các cấp, cơ quan, tổ chức trong nước cũng như khu vực và quốc tế.
Ở khía cạnh khác, ông Đặng Hoa Nam cho rằng cần tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật chính sách để tăng cường tính phòng ngừa, tính bảo vệ trẻ em và đấu tranh, xử lý có hiệu quả với các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng thông qua các quy trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, gắn kết với các quy trình phòng chống xâm hại trẻ em.
Đáng chú ý, ông nhấn mạnh giải pháp tạo “vắc xin số” để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. “Chúng tôi hoan nghênh những sáng kiến phần mềm để chặn, lọc, gỡ bỏ, giám sát trẻ em sử dụng internet trong gia đình, trường học. Tuy nhiên chúng tôi khuyến khích "vắc xin số" phải được tạo từ các giải pháp về mặt kỹ thuật cũng như các kiến thức, kỹ năng đồng hành cùng trẻ của cha mẹ, giáo viên, kỹ năng tôn trọng quyền riêng tư của trẻ, tôn trọng ý kiến của trẻ. Như vậy "vắc xin số" mới được trẻ tiếp nhận bền vững” - ông nói./.
Theo https://dangcongsan.vn/tieu-diem/vac-xin-so-de-bao-ve-tre-em-tren-moi-truong-mang-638506.html