
Ngày 23/4/2023, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TU về Đề án 06 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ hai dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo; cùng dự có đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Tại cuộc họp, sau khi nghe đại diện lãnh đạo Công an tỉnh báo cáo, ý kiến các thành viên dự họp và ý kiến phát biểu của các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận như sau:
Sau gần 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TU, ngày 23/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết số 30-NQ/TU) việc triển khai thực hiện Đề án 06 của tỉnh đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, như: là một trong 42 địa phương hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt cao nhất cả nước; một trong 10 địa phương có cách làm hay, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; không có nội dung, nhiệm vụ đánh giá tồn tại, chậm tiến độ; hoàn thành số hóa dữ liệu tư pháp đứng thứ 6 toàn quốc; là địa phương thứ 2 trên toàn quốc (sau thành phố Hồ Chí Minh) triển khai cấp bản sao trích lục hộ tịch/xác nhận thông tin hộ tịch không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký hộ tịch và nơi cư trú của người có yêu cầu; triển khai thực hiện 30/31 mô hình điểm theo Kế hoạch phối hợp giữa Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh với Tổ Công tác Đề án 06 Chính phủ… Với các thành tích trên, Khánh Hòa được Tổ công tác thực hiện Đề án 06 Chính phủ chọn là một trong 07 địa phương (gồm các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Kiên Giang, Bình Dương và 02 thành phố là Hồ Chí Minh, Hà Nội) để triển khai thí điểm các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 cùng với các Bộ, ngành liên quan theo chỉ đạo chung của Chính phủ.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các nội dung liên quan Đề án 06 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi còn chưa được chặt chẽ, kịp thời; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống còn một số hạn chế; việc triển khai thực hiện các mô hình còn phụ thuộc vào hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương dẫn đến một số nhiệm vụ chậm tiến độ so với kế hoạch đã đề ra; liên thông giữa các hệ thống, cơ sở dữ liệu chưa được đồng bộ, thống nhất...
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Đề án 06, nhất là việc triển khai thí điểm các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 theo chỉ đạo của Chính phủ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã triển khai, thực hiện một số nội dung sau:
(1) Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trong đó, cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 theo từng giai đoạn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt hơn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
(2) Phát huy vai trò của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 các cấp với lực lượng Công an là nòng cốt, chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị tập trung tham mưu triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu, nhiệm vụ của Tổ Công tác Đề án 06 Chính phủ. Từng cơ quan, đơn vị phải bám sát chỉ đạo của ngành dọc cấp trên để tham mưu triển khai thực hiện đúng, trúng, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.
(3) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích thiết thực của triển khai thực hiện Đề án 06 để cán bộ, nhân dân hiểu rõ hơn từ đó chủ động tiếp cận các dịch vụ, tiện ích của Đề án.
(4) Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thực hiện các nội dung trọng tâm sau:
- Rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các mô hình theo Kế hoạch phối hợp giữa Tổ Công tác Đề án 06 cấp tỉnh và Tổ Công tác Đề án 06 Chính phủ, tập trung đẩy mạnh triển khai đối với những mô hình thiết thực, có hiệu quả và đề xuất tạm dừng, không tiếp tục triển khai những mô hình chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Trong đó, từng sở, ngành chủ động rà soát, báo cáo tiến độ, đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất cụ đối với mô hình đơn vị phụ trách (gửi về Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và Văn phòng UBND tỉnh trước ngày 15/5/2024 để tổng hợp, đánh giá và đề xuất).
- Tiếp tục rà soát, tổng hợp các nội dung theo lĩnh vực chuyên môn đối với 05 nhóm: (1) Pháp lý (Văn phòng UBND tỉnh chủ trì); (2) Dữ liệu, (3) Hạ tầng và (4) An ninh an toàn, bảo mật (Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì); (5) Nguồn lực (Sở Nội vụ chủ trì về nguồn nhân lực; Sở Tài chính chủ trì về nguồn lực kinh phí, ngân sách) để tham mưu báo cáo Ban Chỉ đạo.
- Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công chủ trì tại Công văn số 3636/UBND-KSTT, ngày 08/4/2024 và 3948/UBND-NC, ngày 12/4/2024 của UBND tỉnh. Trong đó, tiếp tục liên hệ với sở, ngành tương ứng thuộc UBND thành phố Hà Nội để trao đổi, đánh giá các nội dung liên quan đến 17 nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 để chủ động tham mưu triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tham mưu báo cáo, đề xuất UBND tỉnh cử đoàn tham quan, học tập tại thành phố Hà Nội trong tháng 5/2024; đồng thời, xác định lộ trình thực hiện cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo.
- Xác định nhiệm vụ Thu thuế khoán hộ kinh doanh cá thể và đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là nhiệm vụ đột phá trong triển khai các mô hình thuộc Đề án 06. Đề nghị Cục Thuế tỉnh rà soát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương để tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo để triển khai, tổ chức thực hiện (hoàn thành trước ngày 10/5/2024).
- Rà soát tiến độ thực hiện và báo cáo kết quả hàng tuần (trước ngày thứ 5) gửi Thường trực Ban Chỉ đạo (qua Công an tỉnh) để kịp thời chỉ đạo và báo cáo Tổ Công tác Đề án 06 Chính phủ.
(5) Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục rà soát, nâng cấp, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống và hỗ trợ các cơ quan, đơn vị tháo gỡ khó khăn về mặt kỹ thuật, công nghệ có liên quan đến triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06.
(6) Thường trực Ban Chỉ đạo tổ chức họp định kỳ 2 tuần/01 lần (gắn với cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy định kỳ) để lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi tiến độ triển khai thực hiện các mô hình thuộc Đề án 06, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đề ra về chất lượng, tiến độ thực hiện. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương chuẩn bị báo cáo phục vụ các phiên họp và nội dung đề xuất với Ban Chỉ đạo để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời việc triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 06, bảo đảm tiến độ, kế hoạch đề ra.
Xuân Tuyên - VPTU