Rau muống không phù hợp với người đang có vết thương hở, viêm khớp và mắc các bệnh như gout, cao huyết áp.
Theo Đông y, rau muống vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng giải độc, thông đại tiểu tiện, chữa táo bón, đái rắt. Dân gian dùng rau muống để phòng và chữa một số chứng bệnh thường gặp. Theo The Star, cứ 100 g rau muống chứa 90% nước, 3 g chất xơ, 3 g protein, vitamin C, vitamin E, chất béo, khoáng chất như sắt, kẽm, magie. Loại rau bình dân và rẻ tiền này đem đến nhiều lợi ích với sức khỏe. Ăn rau muống có lợi cho người mắc bệnh thiếu máu, loãng xương, huyết áp thấp, phụ nữ mang thai, giảm nguy cơ táo bón.
Tuy nhiên do môi trường trồng trọt nơi ao hồ nên rau muống thường nhiễm nhiều loại ký sinh trùng. Ăn rau muống tươi sống chưa qua chế biến dễ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh đường ruột như sán lá gan. Ngoài ra, ký sinh trùng Fasciolopsis buski có thể xâm nhập vào cơ thể, bám vào ruột, chui qua thành ruột vào máu, từ đó gây các chứng đầy bụng, khó tiêu, dị ứng. Do đó quá trình sơ chế rau muống cần rửa sạch, ngâm muối và tốt nhất là nấu chín.
|
Có 4 nhóm người nên hạn chế ăn rau muống:
- Những người mắc chứng gout, viêm nhiễm đường tiết niệu do sỏi thận, người huyết áp cao.
- Rau muống cùng thịt bò là thực phẩm có thể để lại vết sẹo lồi cho người đang có vết thương mềm, bởi chúng kích thích tăng sinh tế bào gây sẹo lồi trên da.
- Những người đang điều trị nội khoa, ngoại khoa cũng không được khuyến khích ăn rau muống.
- Rau muống là thực phẩm nên kiêng kỵ với người đau xương khớp, bị viêm đau vì sẽ khiến chỗ đau thêm tê nhức.
Ngoài ra, rau muống cọng nhỏ ăn giòn, ngon và an toàn hơn cọng quá to. Nên ngâm rau trong nước muối loãng, rửa nhiều nước và trữ trong tủ lạnh vài ngày để phân hủy bớt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nếu có.
Theo VnExpess.net