Nhiều tháng nay, những cán bộ y tế ở huyện miền núi Khánh Sơn không quản khó khăn, vất vả, ngày đêm băng rừng, lội suối giữa đại ngàn để “phủ” vắc xin cho người dân, nhằm bảo vệ sức khỏe cho họ trước đại dịch Covid-19.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Những ngày đầu tháng 3, dưới cái nắng bỏng rát, chúng tôi theo đoàn nhân viên y tế xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) đi đến những gia đình có người lớn tuổi trong các thôn bản để tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19. Cùng đi qua những ngọn đồi điệp trùng, con dốc dựng đứng, vượt qua những con suối cạn nơi đại ngàn thăm thẳm này, chúng tôi mới thấu cảm được những vất vả của nhân viên y tế nơi đây.
Hơn 30 phút chạy xe và lội bộ quãng đường gần 1km, chúng tôi đến nhà bà Mấu Thị Nương (81 tuổi, thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc) - người có nhiều bệnh nền, nằm một chỗ không đi đứng được nhiều năm nay. Thấy nhân viên y tế tới tiêm vắc xin mũi 3 cho mình, bà Nương vui vẻ hợp tác. Thông qua người phiên dịch tiếng Raglai, chúng tôi mới biết, trước đó, khi xã tổ chức tiêm vắc xin mũi 1, bà không chịu tiêm vì sợ thứ khác lạ tiêm vào cơ thể, nghĩ sống chết đều do Giàng (trời) quyết định. Hiểu được quan niệm của người dân tộc thiểu số, nhân viên y tế của xã tới nhà vận động, giải thích cho bà và gia đình hiểu được những lợi ích khi tiêm vắc xin. Sau khi tiêm xong, theo dõi sức khỏe của bà Nương hơn nửa tiếng đồng hồ, dặn dò người nhà, các nhân viên y tế lại tiếp tục băng rừng, lội suối đến những ngôi nhà khác trong xã.
Cán bộ y tế xã Ba Cụm Bắc tiêm vắc xin tại nhà bà Mấu Thị Nương (thôn Dốc Trầu).
Địa bàn xã Ba Cụm Bắc rộng, có 4 thôn với dân số 5.283 dân, trong đó 95% là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai. Chính vì vậy, công tác tiêm chủng nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn hơn ở miền xuôi. Là người làm công tác y tế ở xã Ba Cụm Bắc đã hơn 28 năm chị Châu Thị Hà - Phó Trạm Trưởng Trạm y tế xã nhớ từng nương rẫy, con suối vào thôn bản ở mảnh đất này. Chị kể, thời điểm tháng 8-2021, khi dịch Covid-19 mới bùng phát nơi đây, công tác tiêm chủng mũi 1, mũi 2 được người dân tích cực tham gia nên tiến độ “phủ” vắc xin rất nhanh chóng. Nhưng khi cuộc sống bước vào giai đoạn bình thường mới, mọi người xác định phải “sống chung với dịch” thì người dân lại bắt đầu chủ quan, cho rằng tiêm mũi 3 không cần thiết nên không chịu đến tiêm. Lúc đó, cán bộ y tế huyện, xã đã phải lặn lội đến từng thôn, xóm phối hợp cùng trưởng thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” thuyết phục người dân hiểu được tầm quan trọng của việc tiêm mũi 3, người dân mới chịu tới trạm để tiêm. Nhờ thế đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin cho người dân trong độ tuổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 1, mũi 2 ở xã Ba Cụm Bắc đã đạt 100%, mũi 3 đạt hơn 90%.
Với mục tiêu đảm bảo tốt sức khỏe cho người dân, không để bỏ sót đối tượng, không chỉ băng rừng, vượt suối “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, cán bộ y tế Trạm y tế xã Ba Cụm Bắc và các trạm y tế khác của huyện Khánh Sơn còn thành lập tổ tiêm lưu động, đến từng nhà dân để tiêm cho những người như cụ Nương.
Cán bộ y tế xã Ba Cụm Bắc trên đường đến từng nhà tiêm vắc xin cho những người lớn tuổi.
Đổi lịch tiêm từ ngày qua đêm
Đảm trách nhiệm vụ “phiên dịch viên” thuyết phục người dân tiêm vắc xin, chị Mấu Thị Minh Khai - người dân tộc thiểu số Raglai, xã Ba Cụm Bắc chứng kiến không ít những khó khăn, vất vả của cán bộ y tế khi thuyết phục người dân tham gia tiêm vắc xin. Chị Khai kể: “Khi thuyết phục được người dân đồng ý tiêm mũi 3 thì giờ tiêm lại là một trở ngại. Người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ vào nương rẫy và làm công. Để kiếm được 200.000 - 300.000 đồng/ngày công, họ phải đi làm từ sáng sớm cho đến tối. Nên mặc dù đồng ý tham gia tiêm nhưng người dân không đến tiêm vào ban ngày vì mải lo kiếm cái ăn”.
Trước thực trạng trên, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện và Trung tâm Y tế huyện, Trạm y tế xã Ba Cụm Bắc quyết định thay đổi giờ tiêm từ ban ngày sang 16 giờ đến tối khuya cho đến khi nào hết người đến tiêm thì ngừng; đồng thời, triển khai tiêm kể cả thứ 7 và Chủ nhật. Những ngày sau Tết và cho đến tận bây giờ, hình ảnh các trạm y tế của huyện Khánh Sơn sáng đèn suốt đêm để đón người dân đến tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 có lẽ là hình ảnh khó quên đối với người dân nơi đây.
Tiêm vắc xin cho người dân vào ban đêm.
Chị Cao Thị Út (thôn Apa 1, xã Thành Sơn) đã tiêm mũi 3 cách đây gần tháng chia sẻ: “Mình được cán bộ thôn vận động tiêm mũi 3 trước Tết. Vợ chồng mình cũng muốn tiêm sớm nhưng nếu đi tiêm buổi sáng thì cả 2 vợ chồng đều phải nghỉ làm, ngày đó sẽ không có tiền để mua đồ ăn lo cho gia đình, nên vợ chồng mình chần chừ không đi. Khi trạm y tế xã chuyển sang tiêm buổi tối, vợ chồng mình sắp xếp đến tiêm ngay. Cán bộ y tế họ vất vả chờ mình nên mình cũng ý thức tới tiêm để bảo vệ sức khỏe”.
Ngồi uống ly trà nóng nơi miền sơn cước, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện buồn vui từ đội ngũ cán bộ y tế thực hiện công tác tiêm chủng của huyện. Anh Cao Văn Bở - nhân viên y tế xã Sơn Trung không thể quên kỷ niệm khi thuyết phục cụ ông hơn 80 tuổi ở xã đồng ý tiêm mũi 3 vào ngày giáp Tết. “Hôm đó là ngày 27 âm lịch, tôi cùng với đồng nghiệp tới nhà vận động, năn nỉ nhưng cụ đuổi về, nhất quyết không chịu tiêm. Thế là chúng tôi chuyển chiến thuật sang hỏi thăm chuyện nhà cửa, chuyện sắm Tết, lì xì mừng tuổi cụ. Rồi kể chuyện những gia đình có người mắc và không thể qua khỏi vì Covid-19 không được đưa về nhà, không được ở cạnh con cháu những ngày cuối đời. Nghe xuôi tai, ông cụ cuối cùng cũng đồng ý để chúng tôi tiêm” - anh Bở kể.
Đồng chí Hồ Ngọc Gia - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Khánh Sơn chia sẻ, không chỉ riêng xã Ba Cụm Bắc, do đặc thù, tập tục sinh sống của người dân nơi đây nên 8/8 trạm y tế xã của huyện đều phải linh động đổi giờ tiêm, tiêm bất kể ngày đêm, nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa đảm bảo tốt công tác bảo vệ sức khỏe cho người dân. Bên cạnh những vất vả về đường đi lại, vận động người dân, công tác tiêm chủng mũi 3 ở huyện còn gặp khó khăn do thời điểm triển khai nhiều người dân đã đi làm ăn xa ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai; người nơi khác đến trong vụ thu hoạch sầu riêng đăng ký tạm trú, tạm vắng được tiêm mũi 1, mũi 2 nay cũng không còn ở địa phương… Tuy nhiên, vượt lên tất cả những khó khăn trên, đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin huyện Khánh Sơn đạt cao, đã phủ 100% mũi 1, mũi 2 cho người dân, riêng mũi 3 đạt tỷ lệ hơn 90%.
Dưới nắng chiều, chúng tôi trở lại miền xuôi, mang theo mong ước của những cán bộ y tế nơi miền sơn cước là không sợ khó, sợ khổ, chỉ mong người dân hợp tác, tích cực tiêm phòng vắc xin để được bảo vệ sức khỏe trước đại dịch.
Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Cùng với các huyện, thị, thành phố ở tỉnh, huyện Khánh Sơn là một trong những huyện có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 rất cao. Đến ngày 6-3, tổng số người dân của huyện được phủ mũi 3 là 14.637 người, đạt tỷ lệ 93,71%, cao nhất tỉnh. Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực rất lớn từ đội ngũ cán bộ y tế của huyện, sự vào cuộc rất quyết liệt của chính quyền, các đoàn thể ở các xã và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND huyện. |
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202203/chuyen-tiem-vac-xin-o-vung-cao-8245575/