Mấy mươi năm trước, nơi đó chỉ là một vùng đồng không mông quạnh, nhấp nhô đồi núi, mùa khô sông lờ đờ chảy qua rừng đước, qua bãi sú vẹt ra cửa biển, mùa mưa là nơi lụt đầu tiên, đất đai quanh năm mặn mòi cạn kiệt khô khốc. Chỉ có một con đường ngoằn ngoèo lầm bụi rát nắng dẫn vô từ Hồng Lĩnh băng qua Lê Hồng Phong, quen gọi là đường vô Đồng Bò. Nguyên một vùng rừng núi rộng lớn nằm kề nội ô bị bỏ hoang, đầy ám ảnh và bí ẩn, cũng là nơi bất khả xâm phạm.
Cùng án ngữ nơi ấy nhìn về thành phố là Hoàng Ngưu Sơn, hay Đồng Bò, một dãy núi xanh rì vững chãi, nhấp nhô chạy dài lượn từ đông sang tây như một thành trì. Núi không cao, đôi khi trời thấp cũng buông mây xuống là đà che phủ. Những cơn mưa rào bất chợt dường như cũng tuôn chạy từ đây ra. Ngày có nắng vàng đẹp núi chuyển màu xanh lục, trong veo trẻ trung. Từ ô cửa trên căn gác áp mái, ngày còn bé tôi hay tì cằm nhìn đăm đắm về phương ấy, thấy như thuộc về thế giới khác đầy mộng mị.
Ngày xưa ấy, có những đêm trăng sáng lũ trẻ con hay trải chiếu nằm chơi giữa sân vườn, ánh điện không đủ hắt ra muỗi bay loạn xạ. Khu vực Xóm Mới khi đó hãy còn thưa thớt, dân tình tứ xứ tha phương lam lũ đơn sơ. Dạo ấy nhà nhà đều có sân rộng rào thưa, đường trong xóm lầy lội đất cát, cây cối xanh um quang đãng. Đêm có mùi hoa ngọc lan thoang thoảng thanh tao, hoa lài nồng nàn, hoa dạ lý xênh xang phóng túng... Có tiếng gàu thả lao xao trong lòng giếng, tiếng nước xối rộn rã bên thềm. Có cả tiếng hò mái nhì mái đẩy tưởng nhớ cố hương của ai đó cất lên giữa đêm trường.
Và có những câu chuyện ngày xưa đầy thương nhớ của má tôi về một Nha Trang nguyên sơ, với những động cát trắng rừng mai hoang dã kéo dài từ bờ biển vào tận chân núi Đồng Bò. Bầy con nít mênh mang theo cổ tích của má, tưởng như mình cũng được đi chân trần theo người lớn trong xóm vô Đồng Bò kiếm củi chặt mai, được băng qua những trảng những đồng ken dày xương rồng, bàn chải, bạt ngàn ma dương, bồn bồn, dủ dẻ..., được cuống quýt rượt theo những con dông trên cát, bầy thỏ xám thoăn thoắt, lũ khỉ dạn dĩ trêu ngươi... Lũ con nít chí chóe nằm ngửa thi nhau đếm sao, rồi thiếp đi giữa bầu trời mênh mông cao xa vời vợi…
|
Nhưng đó là những ngày êm ả khá ngắn ngủi. Không nhớ tự bao giờ, những buổi chiều sẩm tối không còn bình yên nữa, có lẽ là từ quãng giữa những năm 60 trở đi, khi mọi thứ đã bắt đầu thay đổi. Chiến sự ngày càng lan rộng, những câu chuyện bí mật không dành cho con nít nghe ngày càng nhiều, những ánh mắt lo âu ngày càng trũng sâu. Một mật khu quy mô đã được hình thành ở Đồng Bò, những hang đá liên hoàn xuyên qua lòng dãy núi đã trở thành căn cứ quân sự.
Những tiếng ì ùng vang rền vọng về từ dãy núi phía tây nam thành phố ngày càng nhiều. Ban ngày máy bay trực thăng quầng đảo cả ở khu vực dân cư, phát loa tiếng được tiếng mất, truyền đơn rải bay tứ tung trắng xóa. Những ngày không đi làm, mỗi khi nghe tiếng máy bay, cha tôi thường hay leo lên căn gác áp mái che tay dõi lên bầu trời xem đường bay, lẩm bẩm đoán định. Có rất nhiều đám khói trắng đục bốc lên từ dãy núi xa xa kia, vần vũ xám xịt cả một góc trời. Ban đêm, dù bị giữ rịt trong nhà nhưng hễ cứ nghe hỏa châu nổ ùng oàng sáng rực là lũ con nít lại nôn nao lén chen ra chỉ trỏ, người trong xóm vẫn thường nhặt được những chiếc đèn dù pháo sáng trôi lạc. Đạn miểng bay chiu chíu chém xuống mái tôn mái ngói xủng xẻng nghe riết quen tai. Đợt cao điểm tiếng bom dội về vang rền rung chuyển, tưởng như cả ngọn núi sắp đổ ập đến nơi. Gia đình phía nội tôi ở khu vực Phước Hải kế cận những cánh đồng sát chân núi, những ngày ồn ào đó mọi người thường đùm túm tản cư xuống Xóm Mới, tên bay đạn lạc không biết đâu mà lần. Hai tiếng “Đồng Bò” được thốt ra đầy kiêng kỵ, núi rừng thân thuộc ngày nào nay đã khép lại với thường dân, đã trở thành vùng tự do oanh tạc không ai dám bén mảng, cùng với nó là những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại và bi tráng về một mật khu và những con người đang quyết tử bám trụ. Có một cuộc chiến thầm lặng và không hề cân sức đang diễn ra quyết liệt ở những dãy núi mờ xa kia; là một thế giới khác rất xa lạ với những gì mà một đứa con gái nhỏ có thể hình dung ra, không phải và không còn chỉ là cổ tích tuổi thơ của má...
* * *
Sau năm 1975, “rừng núi dang tay” mở toang, những người con của núi rừng một thời nằm gai nếm mật tung bay về với đồng bằng ca khúc khải hoàn. Những người con thành phố e dè bỡ ngỡ ngược rừng chạm tay tới cái thế giới một thời bí ẩn và cấm kỵ. Thời giáp hạt giao mùa hậu chiến đầy đói kém và rối ren, núi rừng Đồng Bò lại trở thành nơi cưu mang cho biết bao người thất cơ lỡ vận. Cứ vào sáng tinh mơ, ngang nhà tôi từng nhóm người lũ lượt tay cuốc tay rựa cơm đùm nước xách đi bộ trực chỉ hướng Đồng Bò, chiều tối lại gồng gánh kéo nhau về. Đó là công việc thịnh hành nhứt thời bấy giờ, đi củi, đốt than, vỡ hoang, săn bắt hái lượm... Học sinh, cán bộ công nhân viên đều đóng góp nhiều ngày công ở vùng đất này. Mãi đến những năm 80 mới ngớt, khi cái công trình lớn nhất là nghĩa trang thành phố nằm ở cuối độc đạo dẫn vô hoàn thành. Nơi an nghỉ vĩnh hằng này rộng hàng chục héc-ta, được khai phá, san bằng ôm theo triền núi, cứ đào xuống chừng mét đất là đụng đá tảng. Xa xa, vẫn là dãy Hoàng Ngưu Sơn trầm mặc.
Tôi đã được đi vào lòng dãy núi này, 9 năm sau ngày hòa bình, cùng với chính những người đã từng sống, ăn ngủ, yêu đương và chiến đấu suốt thời chiến tại đây. Cấu tạo địa chất đặc biệt đã tạo nên rất nhiều hang hốc lớn nhỏ, những cái gộp kín đáo, suốt cả dãy núi rộng lớn chạy dài. Các gộp có thể ăn thông với nhau và có hẳn nguồn nước bên dưới. Lựu đạn, trái cay ném vào miệng gộp cấp tập cỡ nào đi nữa thì cũng lăn tòm xuống các khe sâu và người bên trong vẫn cố thủ được, do có thể ẩn nấp ở các ngách đá lưng chừng. Với địa hình như vậy thì có thể dễ dàng hiểu được, vì sao trải qua nhiều thời kỳ, từ chống Pháp đến chống Mỹ, Đồng Bò luôn là căn cứ địa vững chắc, cho dù địch luôn tập trung hỏa lực đánh phá khốc liệt.
Ngày ấy tôi đã đứng lại thật lâu trên đỉnh Hòn Thị, một ngọn núi trong dãy, vào lúc chiều chạng vạng, nhìn về thành phố thân thương bên bờ biển xanh đang lên đèn. Phố thị chỉ là một dải kim tuyến nhấp nháy như sao xa, nhưng sao vẫn có cảm giác chỉ cần đưa tay lên là chạm tới. Nỗi nhớ từ đâu bỗng cồn cào ứ nghẹn, nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ thành phố ấm áp. Gió lồng lộng bốn phương tám hướng. Không gian cô liêu tịch mịch. Có lẽ có rất nhiều người năm xưa ấy đã từng đứng đây âm thầm kìm nén cảm xúc, bởi quê nhà gần trong tấc gang mà thăm thẳm suốt chiều dài cuộc chiến. Và đã có bao nhiêu người từ nơi này đã ra đi mãi mãi không bao giờ thực hiện được ước nguyện quay về.
* * *
Mấy năm trở lại đây, cả vùng Đồng Bò rộng lớn ấy bỗng biến thành đại công trường mù mịt, la liệt dự án. Đất đai đường sá bị băm nát, lật tung, tiếng xe máy xúc, máy ủi ầm ầm suốt ngày đêm. Rồi như có chiếc đũa thần kỳ, một đô thị mới đã và đang tiếp tục mọc lên. Hai cái cầu vượt đã thông, hệ thống đường bê tông ngang dọc tăm tắp. Nhà cửa công viên theo nhau xuất hiện. Đi một vòng mà ngơ ngác, hoàn toàn mất phương hướng. Khu vực mà ngày xưa mình được dẫn xuyên rừng để tiếp cận mật khu trong lòng núi nay cũng đã thành một khu du lịch sinh thái, với một cái hồ thủy lợi trong xanh rất đẹp soi bóng dãy núi chứng tích.
Hang, gộp, nơi trú ẩn chở che cho rất nhiều con người cảm tử nay cũng được phục dựng, mở lối đi lên đến tận nơi ngang lưng núi.
Đồng Bò, địa danh này rồi sẽ được thay bằng những cái tên mỹ miều của các đại công trình. Quá khứ, nhớ cũng là để quên.
Theo Báo Khánh Hòa