Tuy các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở, chấn chỉnh, xử phạt nhưng tình trạng các biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm quy định trên địa bàn TP. Nha Trang vẫn diễn ra phức tạp.
Nhiều vi phạm
Ở Nha Trang bây giờ, bảng hiệu các cửa hàng, cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn ghi chữ nước ngoài, nhất là tiếng Trung và tiếng Nga tràn lan khắp nơi. Từ khu phố Tây đến Ba Làng, Phước Đồng, đâu đâu cũng thấy nhan nhản các biểu hiệu, bảng quảng cáo dạng này. Việc in chữ nước ngoài trên các biển hiệu, bảng quảng cáo không bị cấm, nhưng in như thế nào, quy cách, nội dung ra sao đều được pháp luật quy định chặt chẽ. Hiện nay, các vi phạm phổ biến là: biển hiệu, bảng quảng cáo được viết hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài; kích thước chữ tiếng nước ngoài lớn hơn chữ tiếng Việt; chữ tiếng nước ngoài không đặt dưới tiếng Việt; không thể hiện đầy đủ tên cơ sở sản xuất, kinh doanh…, chủ yếu diễn ra tại các cửa hàng, nhà hàng kinh doanh nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, hay các tủ hàng, sạp trái cây được bày bán ở vỉa hè. Năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao đã kiểm tra 43 trường hợp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo có sử dụng tiếng nước ngoài. Trong đó, đã xử lý 21 trường hợp, phạt tiền 75 triệu đồng. TP. Nha Trang đã kiểm tra 133 cơ sở, lập biên bản vi phạm hành chính 21 cơ sở, xử phạt 166,5 triệu đồng. Quý I/2018, đã kiểm tra 9 cơ sở, trong đó lập biên bản vi phạm hành chính 3 cơ sở, xử phạt 39,5 triệu đồng.
Việc các biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm được đặt san sát trên các tuyến phố đã tạo nên những cảm nhận không tốt trong dư luận. Điều này cũng gây rất nhiều khó khăn đối với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc quản lý. Có thể thấy cái khó ấy qua chia sẻ của một chủ quán ăn bình dân trên đường Nguyễn Thị Minh Khai: “Muốn khách nước ngoài biết mình bán gì thì phải ghi biển hiệu bằng tiếng nước họ. Họ có đọc, có hiểu mới vào ăn. Nếu có xe đô thị đến thì mình cất biển vào, xui rủi lắm bị tịch thu thì… đặt làm lại biển mới”.
|
Xử lý nghiêm
Theo ông Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, thời gian qua, sở đã thực hiện nhiều giải pháp để chấn chỉnh việc viết, đặt biển hiệu, bảng quảng cáo sử dụng tiếng nước ngoài như: tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về biểu hiệu, bảng quảng cáo cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch; tổ chức hoặc phối hợp tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý sai phạm trong hoạt động đặt biển hiệu, bảng quảng cáo. Sắp đến, sở sẽ tổng kết việc này, thẳng thắn nhìn nhận lại những điểm được và chưa được trong việc thực hiện kế hoạch. Đặc biệt, sẽ chú trọng đến việc tìm ra những tồn tại, vướng mắc, khó khăn để có cách tháo gỡ. Cái nào thuộc thẩm quyền của sở và thành phố thì cùng tìm cách khắc phục, cái nào thuộc thẩm quyền cấp trên thì có kiến nghị. Mục đích cuối cùng là đưa ra được kế hoạch phối hợp mới sát thực, hiệu quả hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hà, để quản lý tốt về biển hiệu, bảng quảng cáo viết bằng tiếng nước ngoài, TP. Nha Trang cần tăng cường chỉ đạo các xã, phường hướng dẫn các cơ sở kinh doanh mới thực hiện đúng các quy định, đồng thời kiểm tra, xử lý các vi phạm ngay từ ban đầu. Bên cạnh đó, sở phối hợp với TP. Nha Trang kiểm tra, xử lý sai phạm trong lĩnh vực này. Sau khi xử lý dứt điểm sẽ giao cho các xã, phường tiếp tục theo dõi, giám sát. Trong quý II, sở sẽ tổ chức tập huấn về quy định pháp luật trong vấn đề này cho đội ngũ cán bộ, công chức Văn hóa - Xã hội các xã, phường và các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý, kiểm tra xử lý những vi phạm trong việc đặt biển hiệu, bảng quảng cáo trên địa bàn. Hàng năm, thành phố đều ban hành kế hoạch kiểm tra, trong đó giao trách nhiệm cho đội kiểm tra liên ngành văn hóa thông tin thành phố và UBND các xã, phường tổ chức kiểm tra xử lý nghiêm vấn đề này. Tinh thần chung của thành phố khi đi kiểm tra trước hết là lập biên bản nhắc nhở và vận động người dân, chủ doanh nghiệp có vi phạm hiểu và thực hiện việc khắc phục, chỉnh sửa theo đúng quy định. Tuy nhiên, thời gian qua số lượng khách người nước ngoài đến thành phố quá nhiều và tăng đột biến, người dân vì nhu cầu lợi ích trong kinh doanh nên thực tế vẫn còn những trường hợp vi phạm. Vì thế, đây là công việc phải làm thường xuyên, liên tục. Một mặt, thành phố tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường tăng cường hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các cơ sở chuyên nhận sản xuất lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo... để họ hiểu đúng và chấp hành đúng. Mặt khác, tiếp tục thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Đối với những trường hợp đã kiểm tra, nhắc nhở nhưng không chịu khắc phục sẽ lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử phạt hành chính, bắt buộc tháo gỡ. Đối với những cơ sở mới vi phạm lần đầu thì lập biên bản nhắc nhở, hướng dẫn và cho thời hạn để họ khắc phục theo đúng quy định. Thành phố sẽ quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý vấn đề này để hạn chế tối đa những vi phạm trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Có nhiều doanh nghiệp đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tên gọi là tiếng nước ngoài. Một số trường hợp khác cơ sở kinh doanh được bảo hộ về hình ảnh, chữ viết thể hiện tiếng nước ngoài để quảng cáo trước mặt tiền không sử dụng tiếng Việt, trong khi đó biển hiệu của cơ sở đặt rất nhỏ. Các trường hợp đó, theo điểm b, Khoản 1, Điều 38 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đều cho phép. Tuy nhiên, khi thể hiện trong thực tế lại dễ gây hiểu nhầm là sử dụng tiếng nước ngoài viết, đặt biển hiệu, bảng quảng cáo sai quy định.
- Điều 18 của Luật Quảng cáo quy định: Biển hiệu phải bảo đảm mỹ quan; biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.
Theo Báo Khánh Hòa