Nhờ sự trợ giúp của chính quyền, những người lang thang được đưa vào sống tập trung ở cơ sở trợ giúp xã hội để hưởng các chính sách an sinh xã hội và phòng, chống dịch. Nhiều phận người không còn phải vạ vật trên đường phố vắng lặng giữa những ngày giãn cách xã hội…
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm hỏi người lang thang mới đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh
Không còn vất vưởng vì dịch
Trưa 29-8, trong lúc cả TP. Nha Trang chuẩn bị tập trung tổng tầm soát xét nghiệm cộng đồng thì 4 tổ công tác của thành phố, gồm: lực lượng công an, xung kích, đô thị và Đội Chuyên trách tập trung người có hành vi lang thang xin ăn (Đội 524) đồng loạt lên xe, tỏa đi các hướng để tập trung người lang thang.
Tại nút giao Mả Vòng (phường Phương Sơn), tổ công tác bắt gặp một người đàn ông khắc khổ ôm ba lô ngồi thu lu bên lề đường. Ông là T.V.Đ (51 tuổi), quê Nha Trang. Ông vừa theo tàu hàng từ Bình Thuận về, đang loay hoay chưa biết sống ra sao. Vợ đã mất, con trai lập gia đình rồi ở nhờ bên vợ. Một mình ông đi làm thuê suốt bao năm qua. Dịch Covid-19 bùng phát, chẳng ai thuê làm nữa, chủ nhà trọ thương tình hỗ trợ ông 10 ngày trọ miễn phí nhưng ông không nhận. Rời nhà trọ, ông Đ. mắc võng bên gốc cây, chính thức sống cảnh “màn trời chiếu đất”; chiều chiều lên chùa ăn cơm chay từ thiện. Lên chùa riết cũng không ổn, ông lại nhảy tàu đi Phan Thiết (Bình Thuận) hái thanh long thuê. Được vài bữa, nông sản nơi đây bị ách tắc do dịch, chẳng ai thuê hái nữa, ông về lại Nha Trang... Bước lên xe của tổ công tác để về cơ sở trợ giúp xã hội, ông Đ. nói vội: “Gặp các anh, tôi mừng quá!”.
Ông Đ.V.H (56 tuổi, quê TP. Huế) cũng được đưa về cơ sở trợ giúp xã hội khi đang nằm co ro trên chiếc xích lô nơi góc đường Đoàn Thị Điểm (phường Xương Huân). Thành phố thực hiện giãn cách, chợ đóng cửa, không ai thuê chở hàng, không nơi dung thân, ông H. nhanh chóng tiêu hết số tiền ít ỏi dành dụm từ nghề đạp xích lô... Hơn 1 tháng qua, ông phải ngủ trên xích lô, ăn uống trông nhờ vào lòng hảo tâm của người dân. Rồi khu phố lập “vùng xanh”, ông phải dịch xích lô ra phía ngoài, vạ vật qua ngày… Vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, gặp ai ông cũng cảm ơn, ông bảo: “Giờ đây được ăn ở đàng hoàng, được trò chuyện với các anh em đồng cảnh, vui lắm!”. Ông chỉ mong mau chóng hết dịch để đi làm kiếm tiền về quê.
Nỗ lực trợ giúp người vô gia cư
Trưa đầu thu, nắng khô rát. Đại úy Đặng Đức Khải (Công an TP. Nha Trang) liên tục đánh lái vòng qua vòng lại khắp các đường phố ở Nha Trang. Xe đi tập trung người lang thang mùa dịch không được bật máy lạnh, anh em lại phải tròng thêm bộ đồ bảo hộ y tế nên ai cũng mướt mồ hôi. Chuông điện thoại reo, chiếc xe chuyển hướng lao nhanh tới phường Phước Hải. Anh Phan Gia Trang, Đội phó Đội 524 nhảy xuống, nhưng góc phố trống không, đối tượng đã đi mất. Xe lại vòng về đường 23-10, quay qua đường Ngô Gia Tự... trong hành trình tìm kiếm, tập trung người lang thang.
Ở cổng chợ Phương Sơn, một phụ nữ sống lang thang bù lu bù loa: “T. không đi đâu hết! Nhà T. ở đây! T. đi lỡ lây bệnh thì sao?...”. Nửa giờ đứng dưới trời nắng, anh Trang mới thuyết phục được chị T. lên xe. Đến đầu đường Lê Hồng Phong, anh Cao Đình Dũng (Đội Thanh niên xung kích TP. Nha Trang) lại nhanh nhẹn nhảy xuống, đi bộ vào sâu trong phía đường ray tàu hỏa, dẫn ra một người lang thang... Xe vòng quanh phường Phước Hải, 9 đối tượng lang thang được tập trung về. Sau khi test nhanh, cả 9 đối tượng đều dương tính với ma túy, âm tính với Covid-19…
Sau khi tập trung, người lang thang được test nhanh Covid-19.
Gần 20 năm làm việc, đây là lần đầu tiên anh Dũng phải mặc đồ bảo hộ đi tập trung người lang thang và chờ xét nghiệm Covid-19 cho họ. Việc tập trung người lang thang đã khó, việc bàn giao tạm thời cũng kéo dài hơn. Xe đến Nhà văn hóa Phú Bình (xã Vĩnh Phương) đã 18 giờ. Chị T. liên tục khóc lóc, kêu mặc bộ đồ bảo hộ sẽ bị “nhiễm khuẩn”. Một phụ nữ khác la lối mình có nhà đàng hoàng, chỉ đi chơi (giữa lúc giãn cách xã hội), đòi phải chở về đúng phường bà mới chịu test. Một thanh niên được hỏi địa chỉ trả lời gọn lỏn “ở phố”. Sau mấy lần hỏi, người này mới tỉnh bơ nói “là ở ngoài đường đó!”… Xong khâu lấy thông tin, test nhanh, lại lo bữa ăn, sắp xếp chỗ nghỉ. 20 giờ, tổ công tác mới bàn giao xong đợt 1 cho Ban Chỉ huy Quân sự thành phố trông coi tạm thời. Trong ánh đèn vàng chiếu sáng con hẻm, các anh ăn vội bữa tối, rồi lại vội vàng lên xe tiếp tục thực hiện nhiệm vụ…
Bữa tối vội vàng của thành viên Đội 524.
Đồng chí Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, sau khi tập trung, trường hợp dương tính với Covid-19 đều được đưa đi điều trị. Người lang thang được bố trí nơi ăn, nghỉ đầy đủ, vệ sinh, an toàn; được hưởng chế độ hơn 1,4 triệu đồng/người/tháng; được nuôi dưỡng từ 30 đến 90 ngày. Trong thời gian này, các đơn vị phân loại, xác minh danh tính, quê quán rồi liên hệ gia đình, địa phương để bàn giao đưa về quản lý. Đối tượng không có người thân được các đơn vị tiếp nhận quản lý, nuôi dưỡng lâu dài.
Vẫn còn khó khăn
Đồng chí Lê Thị Mai Loan - Trưởng phòng LĐ-TB-XH TP. Nha Trang chia sẻ, công tác tập trung người lang thang đã được tỉnh, thành phố quan tâm, các ngành, địa phương phối hợp nhịp nhàng. Qua đó, góp phần chăm lo cho họ, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh do người lang thang đi nhiều nơi, gặp nhiều người không xác định. Tuy nhiên, việc tập trung người lang thang thời gian này hết sức khó nhọc, nguy cơ nhiễm bệnh cao. Trong khi đó, tuy mức lương của Đội 524 đã được tỉnh quan tâm cải thiện hưởng theo mức lương tối thiểu vùng, nhưng cũng chỉ hơn 3,6 triệu đồng/người/tháng (chưa tính hỗ trợ xăng xe, điện thoại 200.000 đồng/người/tháng), trong khi đội phải trực đến 22 giờ hàng ngày.
Đồng chí Chu Văn Công - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chia sẻ, đơn vị hiện có 31 cán bộ, viên chức, đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 180 người, gồm cả người lang thang, cơ nhỡ. Tính đến ngày 5-9, đơn vị đã tiếp nhận 89 người lang thang, riêng TP. Nha Trang có 88 người, trong đó phát hiện 27 người nghiện ma túy, 1 người bị HIV. Các đối tượng được phân loại, tách biệt và test nhanh Covid-19 3 ngày/lần. “Xét về tiêu chuẩn, định mức, trung tâm đang thiếu 56 nhân viên; bây giờ thêm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng lang thang do các địa phương đưa tới nên càng áp lực. Trung tâm rất mong được tỉnh quan tâm bố trí thêm nhân lực; được cộng đồng hỗ trợ chăm sóc đối tượng”, ông Công nói.
Chúng tôi được biết, ngày 4-6-2021, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Thực hiện mục tiêu không có người có hành vi lang thang xin ăn trên địa bàn TP. Nha Trang giai đoạn 2021-2025”. Với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng, đề án phấn đấu đến năm 2025, Nha Trang cơ bản không còn tình trạng người lang thang xin ăn. Đề án cũng khuyến khích người dân thông báo về tình trạng người có hành vi lang thang xin ăn và hỗ trợ 100.000 đồng/tin/người đầu tiên báo tin đúng… Tất cả những nỗ lực của tỉnh, cùng các lực lượng chức năng đang hàng ngày thực thi nhiệm vụ đều hướng đến mục đích đưa người lang thang ăn xin vào tập trung để ổn định công tác an sinh xã hội, góp phần để Nha Trang không còn những mảnh đời sống lầm lũi, cô độc; bảo đảm an ninh trật tự và mỹ quan đô thị.
Đồng chí Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH: Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sở đã khảo sát và thành lập cơ sở trợ giúp xã hội dã chiến tiếp nhận người lang thang từ tháng 9, đặt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 200 đối tượng. Trường hợp số đối tượng tăng cao, sở sẽ điều chuyển lên Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tỉnh (huyện Diên Khánh), có thể tiếp nhận, nuôi dưỡng 100 đối tượng. Sở cũng dự phòng thêm 5 cơ sở công lập ở các địa phương. Các đối tượng được tiếp nhận phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202109/an-cu-cho-nguoi-lang-thang-8228132/