Kỳ 2: Còn đó những nỗi niềm
Chính sách xây nhà cho người nghèo là chủ trương lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, quá trình triển khai ở một số địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Việc xây dựng thiếu đồng bộ về kết cấu và kiến trúc; hoạt động kiểm tra, giám sát hạn chế… đã dẫn đến tâm lý lo lắng, không hài lòng của người dân khi nhận nhà.
Nỗi lo chất lượng công trình
Miền núi Khánh Vĩnh mùa này xuất hiện giông lốc liên tục. Thấy mây đen kéo đến ở phía góc rừng, ông Cao Đình Khánh (thôn Suối Cá, xã Khánh Trung) lùa nhanh cặp bò về chuồng, rồi lo che lại tường nhà đã bị nứt để nước mưa khỏi vào nhà. Căn nhà đại đoàn kết gia đình ông vừa nhận tháng 4-2020 nhưng 2 tường đã bị nứt. Ông Khánh thở dài lo lắng: “Nhà vừa được nhận đã xuống cấp, tường bị nứt toác. Tôi báo cán bộ thì họ kêu chủ thầu đến trám lại, nhưng được mấy hôm, các vết nứt mới lại xuất hiện và không ngừng rộng ra. Cả căn nhà có 4 bức tường chịu lực mà bị nứt 2 bức rồi không biết phải làm sao? Được Nhà nước xây nhà chưa kịp mừng đã phải lo. Giờ đến mùa mưa, trên này hay có lốc xoáy, không biết căn nhà chịu nổi không?”.
Theo phản ánh của ông Khánh, căn nhà dù vẫn còn mới nhưng các hạng mục đều có vấn đề. Nền gạch men có dấu hiệu bị bong rộp; bản lề cửa sổ đã bị bung, gãy; phần sơn tường đang bắt đầu bị bong ra... Khi căn nhà bị xuống cấp, gia đình ông đã báo với xã và được nhà thầu đến sửa chữa vài lần, nhưng không thể khắc phục được những hư hỏng của công trình.
Đồng chí Nguyễn Quốc Quang - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Khánh Vĩnh thừa nhận đã nắm được thông tin này. Đây là trường hợp nhà được xây dựng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của huyện. Sau khi có thông tin, UBMTTQ Việt Nam huyện đã cùng với xã thành lập đoàn kiểm tra và nhận thấy nhà của gia đình ông Khánh bị nứt là do xây dựng trên nền đất mượn, bản thân gia đình sau khi được bàn giao nhà đã đục tường sai cách cũng góp phần dẫn tới căn nhà bị nứt. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục tình trạng hư hỏng này.
|
Đến nhà vợ chồng ông Mấu Hồng (thôn Sông Cạn Đông, xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh), chúng tôi cũng được phản ánh về chất lượng công trình. Ông Mấu Hồng cho biết, khu đất xây nhà bị trũng nhưng đơn vị thi công không tôn nền lên mà để vậy làm móng, đổ trụ. Ngoài ra, tỷ lệ xi măng trộn với cát để làm vữa cũng không chuẩn nên ông sợ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng căn nhà sau này. Vì vậy, ông Hồng đã gọi điện báo cho Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) xã can thiệp. Tương tự, gia đình ông Mang Thấu (thôn Sông Cạn Trung) không hài lòng với đơn vị thi công nên đã yêu cầu tạm dừng, tôn nền cao lên mới được tiếp tục xây dựng.
|
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Tấn Minh - Chủ tịch Hội CTĐ xã Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh) cho biết, lúc đầu, người dân phản ứng nhà thầu kịch liệt, không chịu nhận nhà. Khi mới xây dựng, đơn vị thi công rất cẩu thả, nền đất rất thấp nhưng không tôn cao lên trước khi xây. Sau khi nghe người dân phản ánh, ông Minh đã xuống từng công trình để giám sát, đồng thời báo chính quyền xã cũng như Hội CTĐ tỉnh để yêu cầu thay đơn vị thi công. Thời gian sau đó, đơn vị thi công khác được điều tới, các bất cập liên quan đến chất lượng công trình đã được xử lý.
Còn nhiều bất cập
Không chỉ vấn đề chất lượng công trình mà quá trình xét chọn các đối tượng thụ hưởng cũng còn một số điều chưa hợp lý. Qua tìm hiểu tại các địa phương, trong quá trình xét duyệt các hộ nghèo được chọn để xây nhà, có những đối tượng được chọn thụ hưởng chưa chính xác, gây bất bình cho người dân địa phương.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Phan Đình Huân - Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết, quy trình xét duyệt đối tượng thụ hưởng phụ thuộc vào nhà tài trợ chỉ định xây nhà cho đối tượng nào, hộ nghèo hay cận nghèo hoặc hộ có người khuyết tật… Căn cứ vào đó, Hội CTĐ tỉnh sẽ có công văn gửi cho UBND cấp huyện lựa chọn, xét duyệt. Hội CTĐ tỉnh và nhà tài trợ sẽ đi thẩm định, xác minh trước khi phê duyệt đối tượng được xây nhà. Tuy nhiên, khi tìm hiểu tại các địa phương, một số cá nhân phản ánh sự lựa chọn đối tượng đôi khi không sát với tình hình thực tế. Có những đợt, Hội CTĐ tỉnh trực tiếp gửi danh sách các gia đình được chọn để xây nhà về huyện lại không trùng với các địa chỉ nhân đạo mà huyện đã phê duyệt trước đó. Điều này gây cho chính quyền cấp cơ sở gặp khó khăn trong việc triển khai.
Ngoài ra, vốn đối ứng khi xây nhà đối với các hộ nghèo cũng là vấn đề đáng bàn. Cụ thể như trong đợt xây nhà cho người nghèo đầu năm 2021, Hội CTĐ tỉnh yêu cầu các gia đình phải có vốn đối ứng từ 10 triệu đồng trở lên. Do đó, đa phần các gia đình thực sự cần nhà ở không đáp ứng được điều kiện này, chỉ có các hộ còn trẻ mới có thể đủ tiền đối ứng. Đồng chí Lê Thị Mỹ Linh - Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Các đối tượng thuộc địa chỉ nhân đạo, có nhu cầu về nhà ở trên địa bàn huyện đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, tuổi cao. Họ không có tiền để đối ứng. Chính vì vậy, khi điều kiện này đưa ra, chỉ có các gia đình trẻ đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, các đối tượng này còn sức lao động, còn khả năng phấn đấu để xây nhà”.
Bên cạnh đó, việc giám sát cũng có hạn chế. Thời gian qua, hàng trăm căn nhà do Hội CTĐ tỉnh xây dựng được giao cho Hội CTĐ cấp huyện giám sát. Song, việc giám sát này chỉ mang tính tượng trưng, bởi cơ quan giám sát không có chuyên môn sâu trong xây dựng, một phần không có bản vẽ thi công nên không thể nắm được các hạng mục cụ thể. Công tác xây dựng nhà cho người nghèo vẫn chưa có sự thống nhất, thiếu đồng bộ về kết cấu, kiến trúc công trình. Điều này dẫn tới một số công trình không đảm bảo kết cấu cũng như vật liệu xây dựng không đạt chất lượng, nhưng cơ quan giám sát cũng không thể yêu cầu đơn vị thi công thay đổi.
Vấn đề định mức đầu tư là bất cập lớn nhất trong việc xây nhà cho người nghèo. Hiện nay, với định mức chung 50 triệu đồng cho 1 căn nhà cấp 4 đã không còn phù hợp, khó mua được những vật liệu tốt để xây dựng công trình. Theo ông Lê Văn Thảo - Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây, với giá vật liệu xây dựng leo thang như hiện nay, định mức 50 triệu đồng/căn nhà đã quá lạc hậu. Đa số các căn nhà xây lên đều có kinh khí gấp đôi số tiền đó. Chính vì vậy, mong các cấp và các nhà tài trợ tính toán, xây dựng phương án giá sát thực tế, hỗ trợ hợp lý để người dân có được căn nhà chất lượng hơn.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Phan Đình Huân cũng thừa nhận, tổng đầu tư cho một căn nhà chỉ 50 triệu đồng là quá ít. Mức tiền này đã áp dụng từ năm 2013, 2014, đến nay, giá vật liệu xây dựng và nhân công đã tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, trước kia, mức 50 triệu đồng chỉ xây dựng căn nhà 25m2 nhưng hiện nay phải xây dựng tối thiểu 40m2 để đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài việc kiến nghị nâng mức đầu tư cho căn nhà, ông Huân cũng đề nghị người thụ hưởng phải tích cực đối ứng tiền, huy động anh em, họ hàng đóng góp ngày công để căn nhà thêm khang trang, chất lượng.
Đồng chí Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”: Việc xây nhà cho người nghèo có những trường hợp không đảm bảo. Nhiều lần tôi tự đi kiểm tra ở Cam Ranh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, chỗ nào cũng thấy có tình trạng nhà chất lượng không đảm bảo. Sau khi kiểm tra xong, tôi gọi điện yêu cầu lãnh đạo Hội CTĐ tỉnh làm việc lại với đơn vị thi công để chấn chỉnh và khắc phục. Đơn cử như hồi tháng 4 năm nay, sau khi kiểm tra thực tế phần móng căn nhà xây cho ông Mấu Huyện (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn), tôi yêu cầu Hội CTĐ tỉnh phải lên khắc phục ngay.
Kỳ 1: Những ngôi nhà nhân ái
Kỳ 3: Thống nhất trong cách làm
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202109/an-cu-cho-nguoi-ngheo-ky-2-con-do-nhung-noi-niem-8229273/