Tin thật hay tin đồn?
Bắt đầu xuất hiện từ năm ngoái và bùng phát vào tháng 2 năm nay, Momo được cho là thu hút và ám ảnh những đứa trẻ bằng gương mặt đáng sợ đến gây sốc và sau đó đưa ra những chỉ dẫn không lành mạnh cho trẻ em theo mức độ tăng dần và đến cực điểm là tự sát. Có rất nhiều cảnh báo chung quanh nhân vật Momo, rằng: Momo sẽ xuất hiện bất ngờ ở giữa các đoạn video dành cho trẻ em trên Youtube, liên lạc với trẻ em thông qua các tin nhắn cá nhân ở nhiều ứng dụng khác nhau như WhatsApp, Snapchat hay trong trò chơi Fortnite,… để khuyến khích trẻ em tự làm hại bản thân.
Thực tế, những lo ngại về một nhân vật có tên Momo đã xuất hiện trong một số năm, tuy nhiên, khi đó Momo chỉ là một nhân vật bí ẩn nào đó. Đã có rất nhiều câu chuyện về Momo được lan truyền. Một thông báo của Văn phòng Tổng công tố bang Tabasco, tại Mexico, cảnh báo các đối tượng đang liên lạc với trẻ em dưới tên gọi “El Momo” trên Facebook. Tại Argentina và Ấn Độ, các bài báo có nguồn thông tin không chắc chắn và không được chứng thực được lan truyền cho rằng Momo dẫn đến các vụ tự tử ngoài đời thực vào năm ngoái thông qua ứng dụng WhatsApp. Và khi chuyển sang cộng đồng những người nói tiếng Anh, Momo được cho là xuất hiện giữa các đoạn video trên Youtube và tại thời điểm này, Momo được miêu tả thực nhất bằng hình ảnh tác phẩm Chim Mẹ - một tác phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa.
Đường kẻ màu đỏ cho thấy xu hướng tìm kiếm về Momo tăng nhanh chóng kể từ khi truyền thông quốc gia tại Anh
đưa tin về nhân vật này, từ ngày 17-2 đến ngày 25-2-2019. (Nguồn: Guardian)
Những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3, những tin tức cảnh báo về Thử thách Momo được lan truyền chóng mặt trên cả truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội. Lo ngại Thử thách Momo có thể gây hại lan tới cả các giới chức, khiến các trường học, sở cảnh sát, chính quyền địa phương tại nhiều nước đưa ra cảnh báo về hiện tượng này.
Tuy nhiên, sau khi đồng loạt đưa tin cảnh báo về Thử thách Momo, giới truyền thông lại quay lại phân tích và chỉ ra rằng Thử thách Momo chỉ là một tin đồn gây hoang mang dư luận chứ không hề có thật. Những lý lẽ phân tích cho rằng, không có bài báo xác thực nào về những trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bất cứ ai thuyết phục chúng tham gia Thử thách Momo hay dẫn đến tự sát bởi hình ảnh Momo xuất hiện trong một video về chú lợn Peppa.
Tờ Guardian ngày 1-3 đưa tin, truyền thông Anh, các trường học và lực lượng cảnh sát được yêu cầu ngừng đề cập đến Thử thách Momo sau khi nhiều tổ chức bảo vệ trẻ em tại nước này khẳng định Thử thách Momo chỉ là hoang tin. Nghị sĩ đảng Bảo thủ tại Anh Douglas Ross đã kêu gọi tổ chức một cuộc tranh luận khẩn cấp về việc này tại Hạ viện sau khi ông nhận được nhiều phản ánh từ nhiều cha mẹ về Thử thách Momo và cho rằng đã đến lúc truyền thông cần phải nói cho mọi người biết rằng Thử thách Momo là một hoang tin. Đáp lại, Chủ tịch Hạ viện Anh Andrea Leadsom nói chính phủ Anh “vô cùng quan ngại” về Thử thách Momo nhưng vẫn chưa tìm thấy bất cứ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy trẻ em đang bị nguy hiểm.
Bản thân Youtube cũng trả lời báo giới rằng: “Ngược lại với những thông tin trên báo chí, chúng tôi không nhận được bất cứ bằng chứng nào gần đây về các video cho thấy hay khuyến khích Thử thách Momo trên Youtube”.
Nguy cơ lợi bất cập hại
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có khẳng định chính thức từ những người có thẩm quyền về việc Thử thách Momo có thật hay không, chỉ có những khẳng định rằng chưa có bằng chứng xác thực cho thấy trẻ em bị nguy hiểm bởi Thử thách Momo. Tuy nhiên, có một sự thật là Momo từ chỗ lẩn quất trên không gian mạng đã chễm chệ xuất hiện trên truyền thông đại chúng và còn trở thành đề tài “hot” cho vô số hãng truyền thông trên khắp thế giới. Cũng từ đó, chỉ trong ít ngày đầu tháng 3, người người, nhà nhà nói về Momo, thông tin về Momo lan truyền một cách chóng mặt, các phụ huynh thi nhau chia sẻ cảnh báo về Momo trên các kênh truyền thông xã hội. Chính sự đưa tin ồ ạt và nghiêm túc của các hãng truyền thông lớn và sự can thiệp của những người có thẩm quyền như các trường học và lực lượng cảnh sát tại một số nước đã tạo ra một đợt hoang mang trong xã hội, nhất là đối với những người làm cha làm mẹ, và nỗi sợ hãi thực sự cho trẻ em.
Rõ ràng là Momo có thể thu hút mọi người gần như ngay tức khắc bằng việc xuất hiện một cách đột ngột giữa… truyền thông và Momo thực sự đã xuất hiện, nhiều hay ít, theo cách nó được miêu tả không phải bởi trẻ em mà là bởi bố mẹ của chúng.
Kể từ khi được lan truyền rộng rãi, Momo quả thực đã trở thành một hiện tượng trên Youtube, như là một đề tài để phân tích, một trò đùa hay một trò gây tranh cãi. Chỉ cần gõ cụm từ “Thử thách Momo” hay “Momo challenge” trên ứng dụng này là có thể hiện ra một loạt các clip “ăn theo” có những nội dung kể trên kèm với lời đề nghị bình luận hoặc chia sẻ kênh Youtube đó. Chính Youtube đã cho rằng, sự chú ý quá nhiều một cách đột ngột về Momo đã dẫn đến việc đăng tải những video về Momo đặc biệt có lợi cho những người đăng tải. Khảo sát một số video cảnh báo về Thử thách Momo bằng tiếng Việt, cuối mỗi video đều đề nghị bình luận, chia sẻ hay đăng ký theo dõi kênh của người làm video.
Nhiều fanpage mọc lên trên mạng xã hội Facebook sau khi thông tin về Thử thách Momo được lan truyền.
Không chỉ trên Youtube, nhiều nền tảng mạng xã hội khác cũng xuất hiện nở rộ những hình ảnh liên quan đến Momo. Chẳng hạn như mạng xã hội Facebook, khi gõ cụm từ “Momo challenge”, một loạt trang fanpage có tên Momo Challenge hiện ra. Thậm chí có fanpage dù chưa có nhiều lượt thích nhưng lấy từ tiêu đề “Are you ready to die” (Bạn đã sẵn sàng chết).
Rõ ràng, trong khi có quá ít bằng chứng cho thấy Thử thách Momo là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm, người sáng lập Snopes.com, David Mikkelson nói, sự chú ý chung quanh Thử thách Momo có thể dẫn đến việc nhiều người tìm ra các video khắc họa về nội dung liên quan đến Momo.
“Hiện câu chuyện về Momo đã hiển diện ở đó, liệu có ai đó đã sử dụng nhân vật Momo để dọa dẫm và trêu chọc trẻ em thông qua WhatsApp hoặc bằng việc chèn nó vào các đoạn clip? Có thể một số vụ việc thế này đã xảy ra”, ông Mikkelson nói.
Các tổ chức bảo vệ trẻ em cũng khuyến cáo, những cảnh báo này có thể như là những chỉ dẫn khuyến khích trẻ em tìm ra những thông tin có hại, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương sẽ tìm hiểu và việc này sẽ tạo ra một mối đe dọa thực sự. Một số trẻ em cũng có thể trở nên tự làm đau mình bằng việc tham gia vào trào lưu này. Thực tế, khi khảo sát những bình luận bên dưới những video cảnh báo về Momo đã có những bình luận rủ rê, thách đố liên lạc với Momo.
Bài học cho người lớn
Đến thời điểm hiện tại, những thông tin về Thử thách Momo dường như đang dần lắng xuống tuy nhiên dù đây là một cảnh báo liên quan đến trẻ em nhưng rút ra được nhiều bài học cho người lớn.
Thứ nhất là cần tỉnh táo khi tiếp nhận và chia sẻ những thông tin được lan truyền trên mạng xã hội.
Những thách thức và trào lưu không có thật được lan truyền trên không gian mạng thường có chung một công thức: Một kênh truyền thông địa phương đưa tin cường điệu về một trào lưu nguy hiểm của giới trẻ. Những bố mẹ lo lắng tụ họp trên truyền thông xã hội để lan truyền tin đồn. Những trẻ em độ tuổi vị thành niên và bất cứ ai thường xuyên online chế nhạo các vị phụ huynh ngây thơ. Những thương hiệu và những người có ảnh hưởng ăn theo sự việc, bắt chước lại và khai thác vì lợi ích của họ. Và những đối tượng khác lợi dụng để hưởng lợi từ những người tin đó là thật, thường bằng việc tạo ra và đăng tải nội dung có vẻ như củng cố những mối lo ngại nhất của các vị phụ huynh.
Thử thách Momo cũng không nằm ngoài công thức này, dù chưa có những bằng chứng thuyết phục về việc thử thách này tồn tại hay không tồn tại. Các không gian được cho là nơi Momo xuất hiện nhiều và nhanh cùng cách thức Momo xuất hiện khiến các phụ huynh không thể không băn khoăn, lo lắng, nhất là khi nó có thể ảnh hưởng trực tiếp con em của họ mà họ không hề hay biết. Chính điều này đã khiến các bố mẹ hoảng hốt chia sẻ thông tin về thử thách này mà không cần xác minh nó có thật hay không.
Một loạt video "ăn theo" xuất hiện trên Youtube về Thử thách Momo.
Bài học thứ hai và quan trọng nhất đó là người lớn, đặc biệt là các vị phụ huynh, cần biết con em mình đang làm gì trên Internet và Internet đang làm gì với con em mình.
Mặc dù Youtube đã lên tiếng khẳng định không tìm thấy bằng chứng về các video cho thấy hay khuyến khích Thử thách Momo trên nền tảng này. Tuy nhiên, có một thực tế là, từ trước tới nay, trên Youtube không thiếu những video không phù hợp với trẻ em và rất nhiều phụ huynh đang phó mặc con em mình cho Youtube. Đó có thể là 5 giờ chiều, khi các bà mẹ tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều và nhiều việc không tên khác, họ cần được rảnh tay để làm việc và họ tìm đến Youtube như là một cách "trông nom" những đứa trẻ của mình. Đó có thể là 7 giờ tối khi người lớn cần lũ trẻ trật tự để ăn cho xong bữa tối hay có thể là 7 giờ sáng khi người lớn tất bật chuẩn bị cho một ngày làm việc mới họ cũng cần không bị quấy rầy.
Tóm lại, bất cứ khi nào người lớn muốn không bị những đứa trẻ làm phiền, họ đều nhờ Youtube. Một điều chắc chắn người lớn biết khi con em họ xem Youtube là những đứa trẻ như bị thôi miên trước các màn hình, mê mẩn với một chuỗi bất tận những video trên Youtube được đề xuất tự động và họ không nắm được nội dung những video đó như thế nào bởi còn đang mải mê với những việc riêng của mình. Chính tính năng đề xuất video và chèn quảng cáo tự động trên Youtube đã khiến phụ huynh khó có thể kiểm soát các nội dung mà con em họ tiếp xúc nếu họ không trực tiếp xem cùng con. Và việc họ ban đầu mở cho con video dành cho trẻ em nhưng chỉ một lúc sau quay lại con em họ có thể đang xem một video có nội dung không liên quan với nội dung ban đầu là điều hoàn toàn và có thể thường xuyên xảy ra. Mặc dù Youtube cũng đã sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn các thông tin độc hại xuất hiện trên nền tảng của mình nhưng với 400 giờ nội dung được tải lên Youtube mỗi phút thì việc thanh lọc toàn bộ nội dung trên nền tảng này gần như là nhiệm vụ bất khả thi.
Không chỉ riêng Youtube, còn nhiều nền tảng mạng xã hội, vô số trò chơi điện tử cũng như loại thông tin trên Internet. Thực tế hiện nay, nhiều cha mẹ thường cho con em mình tự sử dụng điện thoại và máy tính bảng, chỉ cần những thiết bị đó được kết nối Internet, các vị phụ huynh khó mà có thể biết được con em của họ có thể vô tình tiếp cận với những thông tin như thế nào.
Các phụ huynh được khuyến cáo nên dành thời gian chơi cùng con thay vì để mặc con với các thiết bị điện tử hoặc là nên ngồi cùng xem, cùng chơi với con nếu cho các con sử dụng chúng. Tuy nhiên, trong cuộc sống mà bố mẹ nào cũng thấy bận rộn như hiện nay, liệu họ có đủ thời gian để lúc nào cũng chơi cùng con hay ngồi cùng xem video cùng chơi trò chơi điện tử với con trên môi trường Internet? Liệu các bố mẹ có thể theo các con đi khắp mọi nơi và mọi thời điểm để giám sát con em mình?
Bởi vậy, ngoài việc dành nhiều thời gian hơn cho con, ngoài việc cần biết con em mình đang xem gì và xem như thế nào trên Internet, một việc quan trọng nữa mà các vị phụ huynh nên làm là bảo đảm con em mình hiểu được rằng chúng nên để bố mẹ mình biết nếu chúng gặp bất cứ điều gì trên trực tuyến có thể gây hại hoặc đe doạ tới chúng.
Theo Nhandan.com.vn