Bổ sung vitamin C đúng cách
Giữa tâm điểm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona, nhiều người bày nhau cách sử dụng vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Chia sẻ về nội dung này, BS Lại Thanh Hà cho biết, vitamin C đã được chứng minh tăng sức đề kháng, miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, vitamin C còn có đặc tính ô-xy hóa, giúp bảo vệ tế bào tránh được các gốc tự do trong cơ thể. Khi cơ thể thiếu vitamin C, sẽ có hiện tượng chảy máu chân răng, dễ bị nhiễm trùng, lâu lành vết thương ngoài da. Vitamin C thường thiếu ở người nhiễm trùng kéo dài, nằm viện kéo dài, chế độ ăn không có rau xanh.
“Vitamin C tham gia vào tất cả các phản ứng trao đổi chất của cơ thể. Con người không thể tổng hợp loại vitamin này. Vì vậy, chúng ta phải bổ sung vitamin C từ nguồn thức ăn đưa vào. Vitamin C có nhiều nhiều trong rau xanh, hoa quả tươi”, BS Hà nói.
Loại vitamin này được kê uống trong trường hợp cơ thể có nhiễm trùng, bệnh ung thư, bệnh dị ứng, trường hợp ngộ độc, nghiện thuốc lá, nghiện rượu. Liều lượng dùng vitamin C được khuyến cáo 0,2 - 0,5 g/ngày, không nên uống quá một gram/ngày.
BS Lại Thanh Hà, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn.
Theo BS Hà, việc người dân đổ xô đi mua vitamin C về tự bổ sung để phòng chống dịch nCoV sẽ rất nguy hiểm. Bình thường, chế độ ăn hằng ngày có rau xanh và hoa quả cũng có thể đủ bổ sung vitamin C. Do đó, khi sử dụng vitamin C bác sĩ sẽ cân đối lại chế độ ăn để sử dụng thuốc đúng liều lượng. BS Hà cho biết, nếu người dân sử dụng viên C sủi thì chỉ cần ngày uống một viên hoặc uống một cốc nước cam vắt sẽ đủ nhu cầu. Nếu sử dụng viên C dạng nén thì phải uống nhiều nước để có hòa tan viên C.
Về việc sử dụng vitamin C sẽ giúp phòng ngừa thế nào với nCoV, BS Hà cho hay, việc dùng vitamin C đã được chứng minh tăng sức đề kháng cho cơ thể có bệnh nhiễm trùng để nâng cao thể trạng. Tuy nhiên, việc có lây nhiễm bệnh hay không sẽ phụ thuộc vào chủng virus và đề kháng của cơ thể. Không phải dùng vitamin C sẽ không bị nhiễm bệnh. “Vitamin C không phải là yếu tố 100% có thể phòng ngừa được bệnh. Phòng tránh bệnh cần lưu ý tránh phơi nhiễm với mầm bệnh: đeo khẩu trang, rửa tay, tránh tiếp xúc nơi đông người, ăn đồ chín. Khi ho, sốt, khó thở nên đi khám”, BS Hà khuyến cáo.
Cần lưu ý khi thời tiết lạnh, ẩm
Sau Tết nguyên đán, số người đến khám vì các bệnh lý hô hấp tại Bệnh viện Thanh Nhàn tăng cao so với mọi khi. Trung bình có khoảng hơn 100 bệnh nhân đến khám vì triệu chứng ho, sốt tới khám vì lo ngại dịch viêm đường hô hấp nCoV. Tuy nhiên, kết quả khám bệnh của các ca này đều chủ yếu sốt do virus cúm A, B.
Theo BS Hà, người dân không nên quá lo lắng khi thấy ho nhẹ thì không nên tới bệnh viện vì có thể sẽ mang thêm mầm bệnh về. Khi nào có triệu chứng ho khan, thở khó thì nên tới viện để được tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh. Khi niêm mạc miệng khô thì dễ bị virus xâm nhập nên mọi người cần giữ ấm và súc miệng sát khuẩn để loại trừ virus gây bệnh.
Bệnh viện Thanh Nhàn đã chủ động chuẩn bị khu khám cách ly để tiếp nhận những bệnh nhân là người dân từ Trung Quốc trở về xét nghiệm sàng lọc bệnh do virus corona. Ngoài việc bố trí riêng đơn nguyên T1 để khám, sàng lọc người bệnh có biểu hiện viêm đường hô hấp, bệnh viện cũng đã thành lập tổ cơ động, phân công sáu bác sĩ liên tục luân phiên ngồi tại khu vực khám cách ly để trực đón tiếp, sàng lọc bệnh nhân, sẵn sàng có mặt khi được huy động để xử lý các tình huống khi có dịch bệnh xảy ra.
BS Hà cũng cho hay, hiện nay trên mạng xã hội bán rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo giúp ngăn ngừa, chống lại virus corona. Tuy nhiên, virus corona là một chủng virus mới vẫn đang nghiên cứu khó có thể khẳng định thực phẩm chức năng có thể ngăn ngừa bệnh.
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
“Tới nay chưa có thuốc và vaccine ngừa virus corona. Người dân lưu ý không nên nghe theo những lời quảng cáo sử dụng các sản phẩm chưa được chứng minh tác dụng dẫn tới tiền mất tật mang. Lưu ý khi bổ sung vi chất cần phải có sự tư vấn của bác sĩ”, BS Hà nói.
Trong tuần này và tuần sau, thời tiết lạnh, ẩm, mưa phùn, nhiệt độ thấp sẽ là điều kiện giúp virus sống lâu hơn. BS Hà khuyến cáo mọi người nên tránh tụ tập đông người để hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ nhiễm virus. Khi thời tiết lạnh khô, virus sẽ sống ở ngoài môi trường lâu hơn. Ở nhiệt độ 22-25 độ, virus có thể sống được năm ngày ở môi trường bên ngoài. Khi nhiệt độ vượt 25 độ, virus sẽ suy yếu đi nhưng không đồng nghĩa là virus sẽ không có nguy cơ gây bệnh.
“Nhiều người cho rằng, khi nhiệt độ hơn 25 độ C, virus không có nguy cơ gây bệnh là hiểu chưa đúng, dẫn tới chủ quan. Vì virus khi vào cơ thể con người là 37 độ vẫn tồn tại và nhân lên trong cơ thể con người. Con người phải có đủ thời gian để loại bỏ virus ra khỏi cơ thể. Trong thời gian đó bệnh nhân có thể tử vong do biến chứng. Vì vậy, dù nhiệt độ có vượt qua 25 độ, mọi người vẫn không chủ quan mà phải thực hiện tất cả các bước khuyến cáo của Bộ Y tế”, BS Hà nói.