Câu chuyện rác thải hàng ngày hay rác thải sau lễ hội không còn là điều mới, song việc giải quyết còn nhiều khó khăn, do chế tài xử lý còn bất cập và ý thức người dân còn kém.
Hằng năm, chúng ta vẫn phải chứng kiến những lễ hội mở đầu với sắc màu rực rỡ, nhưng những gì còn lại sau ngày hội lung linh là khung cảnh tan hoang, nhếch nhác bởi rác do chính người đi dự lễ hội xả một cách bừa bãi. Có đoạn phố trở nên “bốc mùi” vì một số người dự hội vô tư “giải quyết nhu cầu cá nhân”. Lễ hội kết thúc cũng là lúc những công nhân vệ sinh phải làm việc quần quật mà không xuể.
Sau mỗi lễ hội, lớn hay nhỏ thì thế nào sáng mai mở báo cũng có hàng loạt các tít bài: "Đường phố ngập tràn rác sau đêm trung thu", "Các điểm du lịch ngập rác sau nghỉ lễ 2/9", "Rác tràn ngập trung tâm sau lễ hội", "Quảng trường ngập rác sau lễ hội hoa anh đào", "Sau nghỉ lễ bãi biển ngập rác", "Cả thành phố ngập rác sau lễ hội pháo hoa"… Và hằng năm có vô số bài viết liên quan đến "rác sau lễ hội", nhưng năm nào cũng vậy, báo đài cứ nói, người có trách nhiệm cứ băn khoăn tìm biện pháp ngăn chặn, người ý thức kém vẫn cứ xả rác bừa bãi.
Rác thải ngập các con đường sau mỗi đêm lễ hội. (Ảnh: phapluatplus.vn)
Không chỉ rác thải sau lễ hội mà rác thải hàng ngày cũng luôn là một vấn đề nhức nhối và là bài toán khó giải đáp đối với các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn. Theo các con số thống kê, lượng rác của Hà Nội mỗi ngày chuyển lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn luôn ở trên mức 4.000 tấn, có thời điểm lên tới 6.000 tấn. Trong đó, lượng rác thải tại Hà Nội tập trung đủ loại từ rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng...
Điều đáng nói, việc thu gom rác đô thị còn tồn tại nhiều bất cập. Có quá nhiều khâu trung gian trong việc xử lý rác thải. Theo đó, người dân mang rác bỏ ra lề đường, người thu gom rác sẽ gom đến điểm hẹn, từ điểm hẹn đến bãi tập kết, rồi rác từ bãi tập kết mới được xe chuyên dụng chở đến bãi rác xử lý tập trung. Do vậy mà thời gian rác thải tiếp xúc môi trường dân cư quá lâu, gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, thời gian thu gom rác không đồng bộ, xe chở rác quá hôi, điểm tập kết quá mất vệ sinh. Lượng rác nhiều với cách xử lý thủ công (chôn lấp) đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng đến các khu vực dân cư xung quanh bãi rác.
Những bất cập trong xử lí rác thải không chỉ ở các thành phố lớn, mà cả ở nông thôn. Ở nông thôn, người dân sẽ chẳng quan tâm mấy đến vấn đề môi trường. Rác có thể vứt xuống sông, nó sẽ trôi đi mất. Và đối với một số vùng ở nông thôn, vứt rác xuống sông lại đang là lựa chọn hợp lý và duy nhất, vì chẳng có thùng rác hay ai đi thu gom rác cả.
Tại nhiều nơi trên thế giới, vấn đề bảo vệ môi trường luôn được quan tâm hàng đầu. Ở một số quốc gia, hành vi xả rác nơi công cộng bị xã hội lên án mạnh mẽ và xem là đáng xấu hổ, phải nhận những hình phạt khá nặng. Chẳng hạn như ở Singapore, người xả rác bừa bãi ngoài việc nộp tiền phạt còn phải lao động công ích (quét đường), nếu tái phạm sẽ chịu những hình phạt nặng hơn. Hay tại Mỹ, kèm theo mức phạt tiền người vi phạm còn phải chịu án phạt tù từ 10 ngày đến 6 năm.
Ở nước ta, hiện mức xử phạt đối với hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định cũng không hề thấp. Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ tháng 2/2017) thì mức xử phạt đối với các hành vi vứt đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000 - 1.000.000đ; vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư, thương mại phạt từ 3 - 5 triệu đồng; vứt rác thải lên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước phạt từ 5 - 7 triệu đồng... Mức phạt cao nhưng việc thực thi lại không mấy khả quan. Bởi vậy tình trạng vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định, đặc biệt là ven các tuyến đường, trước khu công nghiệp vẫn chưa được kéo giảm, gây phản cảm trong mắt du khách và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Có thể thấy, trong việc giải quyết vấn đề môi trường bên cạnh việc hành pháp nghiêm minh cần thực hiện giáo dục toàn dân. Việt Nam đã từng làm rất tốt việc xóa mù chữ, bắt buộc đội nón bảo hiểm... nhờ hành pháp nghiêm minh và thực hiện giáo dục toàn dân. Trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường từ việc xả rác bừa bãi, chúng ta cũng cần thực hiện như vậy. Chỉ khi luật pháp nghiêm minh, giáo dục nâng cao ý thức người dân và từ đó hình thành một thói quen tốt trong việc vứt rác. Nếu cả xã hội lên án mạnh mẽ việc xả rác bừa bãi thì mỗi cá nhân sẽ tự có ý thức và chấn chỉnh hành vi của mình.
Tính văn hóa của mỗi cộng đồng thể hiện trong nhiều lĩnh vực hoạt động, thái độ trong việc xử lý rác thải cũng là một tiêu chí đánh giá quan trọng để đánh giá tính văn hóa. Việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường không chỉ là việc có ý nghĩa với mỗi quốc gia, mà còn giúp quốc gia ấy nhận được sự trân trọng của bạn bè quốc tế./.
Theo Báo Khánh Hòa