Các mạng xã hội (MXH) thời gian qua liên tục được hỗ trợ bởi những công nghệ mới, ngày càng tiện ích hơn, trở thành kênh quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp, kết nối, lan tỏa thông tin tốt, nhanh, hiệu quả, góp phần giám sát và phản biện xã hội.
Tuy nhiên, MXH cũng có mặt trái, tạo những hệ lụy khôn lường đối với con người, xã hội, như: là nơi để tạo ra, lan truyền thông tin giả, sai không kiểm chứng; tuyên truyền văn hóa đồi trụy, kích động bạo lực, bôi nhọ, gây mâu thuẫn… Theo thống kê, Việt Nam có 64 triệu người dùng in-tơ-nét, chiếm 67% dân số, trong đó MXH facebook có khoảng 55 triệu tài khoản. Nhiều người dùng MXH thậm chí không cần đọc, không cần hiểu mà vẫn cứ chia sẻ, bình luận theo đám đông, đang tác động tiêu cực lên chuẩn mực chung của xã hội.
Những chuyện gần đây, như: diễn viên đóng vai nhân vật phản diện thành công trên phim truyền hình lại bị cả nghìn bình luận thóa mạ trên MXH. Nhiều người cố tình không phân biệt diễn xuất trên phim với đời thực, khi lên MXH chửi rủa thậm tệ, bôi nhọ, chà đạp người diễn viên, thậm chí xúc phạm cả người thân, gia đình họ. Hay, gần đây, việc MXH chia sẻ với tốc độ chóng mặt thông tin nhiều người đột tử vì bệnh viêm cơ tim, do một loại vi-rút lạ mà dân mạng đặt tên là “vi-rút viêm cơ tim”, đã gây hoang mang dư luận. Đáng nói là với tâm lý đám đông, thói quen like (thích) dạo, share (chia sẻ) bừa bãi, nhiều tài khoản facebook không biết chắc nguyên nhân, nhưng vẫn đồng loạt chia sẻ. Trước sự việc lan truyền “hoang tin” này, nhiều chuyên gia y tế đã phải lên tiếng bác bỏ tin đồn thất thiệt đó, rằng “chưa phát hiện một loại vi-rút lạ nào gây bệnh viêm cơ tim cả và cũng không ghi nhận tình trạng chết người hàng loạt vì viêm cơ tim”.
Không chỉ gây hoang mang dư luận bằng việc chia sẻ các thông tin không đúng sự thật, mà nhiều tài khoản còn thường xuyên tung tin xấu, tin giả,… Những tài khoản cá nhân đăng các thông tin vi phạm trên facebook thường không để lại chứng cứ, cho nên cơ quan quản lý khó có thể xử lý vi phạm. Trong khi mức chế tài xử phạt hiện hành đối với các hành vi vi phạm của người dùng trên MXH không đủ sức răn đe.
MXH là ảo và diễn biến rất nhanh, thông tin đa dạng cho nên đòi hỏi người sử dụng cần có kỹ năng xử lý thông tin và đánh giá những tác động của MXH lên bản thân. Vì vậy, người dùng MXH phải luôn tỉnh táo trước sự cám dỗ và những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng. Vấn đề là phải xây dựng văn hóa ứng xử trên MXH, nhất là với người trẻ. Các chuyên gia cho rằng trên MXH có thể chia ra ba nhóm người sử dụng: nhóm có ý thức tốt, có bản lĩnh cung cấp, tiếp nhận, xử lý, lan tỏa thông tin một cách văn hóa vì lợi ích cộng đồng, dân tộc; nhóm cố tình hiểu sai, cố tình bóp méo, bôi đen vì những động cơ xấu, lợi ích cá nhân; và nhóm a dua, dễ bị tác động, lôi kéo, hùa theo những thông tin giật gân, thiếu cơ sở. Nắm rõ điều đó và thực hiện đúng những quy tắc, như: nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng; tế nhị tôn trọng người khác; hãy nhớ rằng những gì chia sẻ trên MXH là sự phản ánh của con người bạn hay tính cách, lối sống của bạn; không nên và không cần thiết phải đăng tải hình ảnh của bản thân lên MXH;… thì người dùng sẽ không sa vào những vấn đề tiêu cực, hệ lụy xấu từ MXH.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội, nhất là tình trạng lừa đảo qua in-tơ-nét, mạng viễn thông. Song bên cạnh các biện pháp mạnh của cơ quan quản lý nhà nước, mỗi cá nhân tham gia MXH cần có ý thức tốt khi hoạt động trên môi trường này. Người sử dụng phải hiểu rằng những hành vi vi phạm trên môi trường mạng cũng bị xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành cũng như sẽ bị dư luận phán xét đánh giá, lên án về góc độ văn hóa, đạo đức... Trước hết, tham gia cộng đồng mạng, mỗi cá nhân phải chủ động đặt vấn đề văn hóa ứng xử của người sử dụng lên hàng đầu, phải biết “suy nghĩ trước khi chia sẻ”, mỗi cá nhân cần có ý thức tuyệt đối không biến MXH trở thành nơi phỉ báng, bôi nhọ người khác. Bản thân người dùng MXH phải tỉnh táo, kiểm tra cẩn thận mọi nguồn tin trên mạng, để tránh mắc lừa, hay bị kích động, hoang mang vô cớ. Chỉ có thể tạo nên môi trường lành mạnh, an toàn trên MXH nếu mỗi người tham gia tự hình thành các thói quen tốt, chủ động giữ gìn các giá trị, chuẩn mực đạo đức và tuân thủ pháp luật.
Theo Nhandan.com.vn
https://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/42426602-co-trach-nhiem-khi-su-dung-mang-xa-hoi.html