Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - 1 điểm đến 5 di sản”, Festival Huế 2018 (diễn ra từ ngày 27-4 đến 2-5) tiếp tục hội tụ các vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và thế giới. Đây cũng là dịp người dân hòa mình vào lễ hội, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa du lịch Huế.
Sẵn sàng đón khách
Theo Ban tổ chức lễ hội, công tác chuẩn bị từ nội dung đến các hạng mục công trình chính của lễ hội cơ bản đã hoàn tất. 11 sân khấu lớn ngoài trời cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng, thiết bị... phục vụ cho các điểm diễn chính ở khu vực Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội, cung An Định, 2 bên bờ sông Hương đã sẵn sàng. Trong 6 ngày diễn ra Festival Huế 2018, sẽ có khoảng 2.000 nghệ sĩ của các nhà hát và đoàn nghệ thuật trong nước cùng gần 380 nghệ sĩ đến từ 19 nước trên thế giới biểu diễn, hứa hẹn sẽ mang đến khán giả nhiều bất ngờ, thú vị.
|
Công tác đảm bảo an ninh trật tự cũng được Ban tổ chức chuẩn bị chu đáo. Gần 600 cơ sở lưu trú với hơn 11.000 phòng nghỉ đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách, nhất là trong những ngày cao điểm diễn ra lễ hội. Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá phòng, cam kết không nâng giá... Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế đã huy động 300 tình nguyện viên có kỹ năng giao tiếp tốt cũng như am hiểu về lễ hội, văn hóa, con người xứ Huế; có kiến thức về lịch sử, di sản, danh lam thắng cảnh Thừa Thiên - Huế… tham gia hỗ trợ du khách và các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế khi đến với Festival Huế 2018.
Bữa tiệc văn hóa đa sắc màu
Festival Huế năm nay có 9 chương trình, lễ hội chính và 33 hoạt động hưởng ứng, thu hút các đoàn nghệ thuật của 21 quốc gia trên thế giới cùng các đoàn nghệ thuật tiêu biểu trong nước hứa hẹn mang lại một lễ hội ấn tượng, mới lạ, hấp dẫn.
NSND Nguyễn Ngọc Bình - Tổng đạo diễn chương trình khai mạc Festival Huế 2018 cho biết, những sự kiện diễn ra tại Festival sẽ tập trung nhấn mạnh về tinh hoa văn hóa và nghệ thuật Việt Nam. “Trong chương trình khai mạc và bế mạc năm nay, chúng tôi khai thác đậm chính Huế tỏa sáng miền di sản. Tức là di sản Huế là điểm nhấn chính. Nhưng không chỉ riêng Huế mà di sản Huế cùng tỏa sáng với tất cả các miền di sản của dân tộc”, ông Bình nói.
Thừa Thiên - Huế là địa phương có 5 di sản thế giới được UNESCO công nhận gồm: quần thể di tích Cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế, mộc bản triều Nguyễn, châu bản triều Nguyễn và thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế… Đây là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, mang bản sắc đặc trưng để giới thiệu tới công chúng và bạn bè quốc tế.
Tại không gian của Đại nội về đêm, chương trình sân khấu hóa với tên gọi “Văn hiến kinh kỳ” được kết hợp giữa nhiều yếu tố: hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, pháo hoa kỹ thuật cùng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu. Đây sẽ là điểm nhấn thú vị và ấn tượng trong các chương trình nghệ thuật tại kỳ Festival này. Ông Nguyễn Phước Hải Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, chương trình triển khai trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện liên quan để làm nổi bật 5 di sản văn hóa thế giới. Các tiết mục và các chương được kết nối với nhau bằng thủ pháp đồng hiện, làm bật lên chủ đề di sản được khai mở, phát triển theo lịch sử.
Nhiều chương trình nghệ thuật lớn, được tổ chức theo hình thức xã hội hóa đang được công chúng quan tâm và mong đợi. Một trong số đó là chương trình âm nhạc “Nguồn cội” của Trịnh Công Sơn. Tại Festival Huế năm nay, nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn sẽ đến với công chúng qua các ca sĩ nổi tiếng, như: Hồng Nhung, Lệ Quyên, Đức Tuấn… Gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đứng ra tổ chức chương trình nghệ thuật này để phục vụ công chúng, cũng là dịp tưởng nhớ 17 năm ông rời cõi tạm. Không gian công viên Phu Văn Lâu với sức chứa khoảng 20.000 khán giả hứa hẹn tràn đầy cảm xúc khi trở về với “Nguồn cội”.
Festival Huế 2018 còn có nhiều lễ hội, chương trình nghệ thuật độc đáo như: Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”; Liên hoan Hát văn toàn quốc; chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin” của Phật giáo Thừa Thiên - Huế… tạo nên những điểm nhấn hấp dẫn. Các hoạt động văn hóa cộng đồng và các hoạt động nghệ thuật sắp đặt... sẽ góp nên một bữa tiệc văn hóa đa sắc màu. Ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2018 cho biết: Điểm nhấn ngoài chương trình khai mạc, bế mạc thì chương trình “Văn hiến Kinh kỳ” được dàn dựng rất công phu và chương trình này sau khi trình diễn xong sẽ được lưu lại để trình diễn cho các chương trình Đại Nội về đêm. Cũng theo ông Dung, mục đích chính của Festival là kích cầu, thu hút du lịch mà người dân phải là chủ thể chính của những việc này thì khi đó mới thành công tốt đẹp được.
Dựa trên nền tảng văn hóa và di sản của vùng đất cố đô, chắt lọc tinh hoa văn hóa của Việt Nam, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, vừa là nơi giao thoa, hội tụ của các nền văn hóa trên thế giới, Festival Huế 2018 với nhiều nét đặc sắc, mới lạ và hấp dẫn đang chờ đón du khách gần xa khám phá và trải nghiệm.
Theo Báo Khánh Hòa (tổng hợp)