Ngày 15 và 16-4, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tụ hội về thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) để tham gia Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thông qua các hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ, thêm một lần tình đoàn kết keo sơn, nghĩa đồng bào bền chặt được tô thắm hơn.
Niềm vui ngày hội
Không gian thị trấn Tô Hạp những ngày diễn ra lễ hội trở nên rộn ràng với các hoạt động của hơn 400 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các nghệ nhân, diễn viên đã tham gia thi diễn văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc; các vận động viên thi tài các môn thể thao đẩy gậy, đi cà kheo, bắn nỏ, kéo co. Trong hai ngày diễn ra ngày hội, hàng nghìn lượt người dân và du khách đã đến xem, cổ vũ cho các chương trình thi diễn văn nghệ, thi đấu thể thao. “Đây là lần đầu tôi được xem trực tiếp các hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm màu sắc các dân tộc trong tỉnh. Qua đó, tôi đã biết thêm về đời sống tinh thần, nét đẹp văn hóa phong phú và đa dạng của mỗi dân tộc”, chị Bo Bo Thị Dịnh (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) cho biết.
|
Với những người được đại diện cho địa phương mình tham gia Ngày văn hóa các dân tộc, ai cũng cố gắng tập luyện để đem đến cho mọi người những tiết mục văn nghệ hay, màn thi đấu thể thao hấp dẫn. “Tham gia Ngày văn hóa các dân tộc lần này, đoàn chúng tôi đã có sự chuẩn bị, tập luyện trong vòng 15 ngày. Chúng tôi mang đến ngày hội những tiết mục hòa tấu mã la, hát múa mang bản sắc dân tộc và tham gia thi đấu các môn thể thao. Đây là dịp gặp gỡ, giao lưu với các dân tộc trong tỉnh nên bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào”, nghệ nhân Cao Văn Nghiệp (huyện Khánh Vĩnh) chia sẻ.
Theo đồng chí Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, việc đăng cai tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc tại huyện rất có ý nghĩa đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Thông qua đó, đồng bào có dịp giao lưu, gặp gỡ, thi đấu thể thao, văn nghệ, làm gia tăng thêm tình đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Sự kiện này còn là dịp để huyện giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến đông đảo bạn bè, du khách, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Đảm bảo chất lượng
Đến với ngày hội, mọi người có dịp được xem phần thi đấu các môn thể thao dân tộc độc đáo, sôi nổi. Khi đêm xuống, sân khấu tại Quảng trường 20-11 (thị trấn Tô Hạp) lại rộn ràng những lời hát, điệu nhạc mang đậm màu sắc dân tộc Raglai, Ê đê, T’rin, Chăm, Hoa, Tày, Nùng… Không gian phiên chợ quê giới thiệu đến mọi người những loại nông sản thế mạnh của từng địa phương, những món ăn đã thành thương hiệu vùng miền như: Bưởi da xanh Khánh Vĩnh, xoài Cam Lâm, sầu riêng Khánh Sơn, vú sữa Diên Khánh, nem Ninh Hòa, chả cá Nha Trang, gỏi sứa Vạn Ninh. Khu vực triển lãm ảnh lại cho mọi người cái nhìn khá đầy đủ về đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
“Chương trình Ngày văn hóa các dân tộc năm nay do vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên quy mô có thu hẹp so với trước. Các tiết mục văn nghệ chào mừng trong đêm khai mạc, phần thi diễn văn nghệ của các đoàn đều cắt giảm số lượng tiết mục; các môn thi đấu thể thao cũng giảm bớt nội dung. Dù vậy, chất lượng hội diễn, hội thao vẫn đảm bảo và người dân được thưởng thức những tiết mục hay, những màn so tài hấp dẫn”, ông Văn Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết.
Theo đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc tổ chức thành công Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam tỉnh là dịp để nhìn nhận lại công tác bảo tồn, phát huy những phong tục tập quán; tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, cũng như thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc. Hoạt động này đang dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa độc đáo trong đồng bào các dân tộc.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202104/ngay-vui-o-to-hap-8213439/