Như thường lệ, khoảng từ 10 đến 11 giờ sáng mỗi ngày, tôi nhận được Báo Nhân Dân do bưu điện chuyển đến. 10 giờ 30 phút sáng thứ Sáu ngày 21-9, tôi đang chăm chú xem trang nhất tin “Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc Tết Trung thu thiếu niên, nhi đồng cả nước”, bỗng điện thoại tôi rung lên. Giọng bạn tôi hổn hển: “Anh Quang mất rồi, Vinh ơi!”.
Tôi không tin vào tai mình nữa, tay run run bấm máy gọi 3 anh bạn ở 3 cơ quan có trách nhiệm đều khẳng định nguồn tin ấy là có thật! Vậy là, Anh ra đi vào cõi vĩnh hằng bằng bài báo cuối cùng này ư?!
Trong đời làm báo của mình, tôi biết và quen thân với anh Trần Đại Quang từ ngày Anh làm Cục trưởng, rồi Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh - Bộ Công an. Anh là một trong những cộng tác viên tích cực của Báo Nhân Dân, không chỉ là người thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình trật tự - an ninh cho báo, mà còn trực tiếp viết các bài chuyên luận đề cập những kinh nghiệm hay trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Công an thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy”… Vốn là người quan tâm toàn diện các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế, Anh còn tham gia viết một số bài trong mục “Cùng bàn luận”, “Chuyện thời sự quốc tế” qua những bút danh khác nhau. Với những cống hiến tích cực và có hiệu quả, báo Đảng đã tặng Anh huy chương “Vì sự nghiệp Báo Nhân Dân”, đồng thời, Liên chi hội Hội Nhà báo Báo Nhân Dân đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (lúc đó là Bộ Văn hóa) cấp thẻ nhà báo cho nhà báo Trần Đại Quang. Sau này, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Công an, rồi Chủ tịch nước, mỗi dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) hàng năm, Anh đều dành thời gian gặp mặt thân mật các nhà báo, đồng thời trực tiếp đến chúc mừng một số cơ quan báo chí. Trong không khí cởi mở, thân tình, chúng tôi nói vui “Nhà báo đến chúc mừng các Nhà báo”. Anh cười, giọng trầm ấm: “Mình vẫn còn giữ thẻ nhà báo, coi đây là một trong những kỷ vật thiêng liêng. Vinh dự được ghi nhận là “Nhà báo” mình cũng chia sẻ những khó khăn, vất vả trong thao tác nghề nghiệp; đồng thời chung vui những đóng góp quan trọng của báo chí trên mặt trận thông tin, định hướng dư luận xã hội; đặc biệt trong sự nghiệp “phò chính, trừ tà”. Trên bàn làm việc của tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn còn lưu giữ một món quà của Chủ tịch nước tặng nhân ngày 21-6, đó là cái hộp đựng bút bằng gỗ, bốn mặt khảm các loại hoa tiêu biểu của bốn mùa. Vậy là từ hôm nay, Anh đã đi xa, nhưng kỷ vật này với chúng tôi, anh vẫn còn hiện hữu đi cùng với những người làm báo thực hiện lời nhắn gửi tha thiết của anh: “Tiếp bước cha anh xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, phồn vinh”, như điều Anh viết trong bài báo cuối cùng ngày 21-9 trước khi từ giã cõi đời này!
|
Anh Quang ơi, mới hôm nào trong bộn bề công việc, Anh vẫn dành một tiếng đồng hồ mời tôi lên phòng làm việc tại Phủ Chủ tịch, thân tình đề nghị tôi góp ý đề cương một bài viết có tính lý luận - thực tiễn về tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công tác dân vận. Phong cách bình thản, cầu thị, rất chú ý lắng nghe góp ý về cả những điều chưa thật chuẩn xác trong vài bài viết cụ thể, đã xua đi sự ngần ngại, dè dặt giữa Chủ tịch nước với người đang góp ý là nhà báo. Anh tâm sự chân thành: “Ông cha ta đã tổng kết rồi... ba anh hàng da thành Gia Cát Lượng”, không ai có thể vỗ ngực mình biết hết, đúng hết, do vậy mình thành thật tiếp thu, các anh đừng ngại nhé!”.
Có một kỷ niệm sâu sắc nữa với tôi, là cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 2017, trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga, tôi được Văn phòng Chủ tịch nước mời tham gia Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu thăm Liên bang Nga và Cộng hòa Bê-la-rút. Trước ngày lên đường, đúng dịp kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch nước mời một số Tổng biên tập đến Văn phòng dự bữa cơm thân mật; sau đó tặng mỗi nhà báo một chiếc cà vạt. Điều ấn tượng trong bữa ăn là, Chủ tịch dí dỏm kể những câu chuyện đời thường, nhưng mỗi chuyện đều có “tính thông điệp” đối với những người làm báo về cách sống, cách ứng xử nhân văn. Tôi không quên một động tác rất nhỏ trong chuyến thăm Nga thể hiện sự tinh tế của người lãnh đạo cao cấp, đó là buổi sáng 1-7-2017, đoàn ta đến đặt vòng hoa tại tượng đài Hồ Chí Minh ở thủ đô Mat-xcơ-va và trồng cây lưu niệm. Sau khi cùng lãnh đạo bạn dùng xẻng vun đất vào gốc cây, anh chuyển xẻng cho tôi và gọi một số anh em cùng vào tham gia lấp đất, tưới cây. Trên máy bay về Hà Nội, tôi viết vội bài thơ “Nước Nga trong tôi” và đưa cho Anh góp ý. Sau nửa giờ, Anh chuyển lại, tôi cảm phục dòng chữ bổ sung của Anh ở phần chú thích: “Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn có cuộc gặp thân mật các cựu chiến binh Nga” (vì trong bài thơ có đoạn nói về cảm nghĩ của các cựu chiến binh Nga đã từng sang Việt Nam sát cánh với nhân dân ta trong những năm tháng chống Mỹ xâm lược). Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chọn bài này phổ nhạc để sắp tới mừng kỷ niệm 101 năm cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Tôi dự định sát dịp kỷ niệm ấy sẽ đến tặng Anh băng nhạc đó. Nhưng chưa kịp, Anh đã vội vàng từ giã gia đình, anh em, bạn bè, đồng bào, đồng chí. Nhưng tôi vẫn mường tượng rằng, dưới suối vàng, Anh sẽ nghe được bài hát này và thanh thản an nghỉ khi nghĩ rằng, mình đã tiếp nối các thế hệ lãnh đạo nước ta vun đắp cây hữu nghị Việt - Nga mãi xanh, bền gốc.
Xin kính cẩn vĩnh biệt Anh - nhà lãnh đạo gần gũi, người bạn thân thiết của giới báo chí Việt Nam!
Hà Nội, đêm 21-9-2018
NGUYỄN HỒNG VINH
(Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam)
Theo Báo Khánh Hòa