Chỉ còn 2 ngày nữa là Vòng chung kết World Cup 2018 sẽ khai mạc ở nước Nga. Người hâm mộ Việt Nam sẽ lại được dịp dõi theo từng đường bóng khi chuyện bản quyền truyền hình World Cup đã được giải quyết. Trong niềm háo hức mong chờ, tôi chợt nhớ về những ngày hội bóng đá thế giới đã qua…
1990 - Những quả penalty nghiệt ngã
Việt Nam chính thức được xem trực tiếp World Cup từ Espana 1982. Tuy nhiên, phải đến World Cup 1990 trên đất Italia, tôi mới có trải nghiệm về ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Quê tôi ngày đó rất nghèo, suốt cả mấy trăm nóc nhà chỉ có vài nhà có tivi đen trắng. Điện chập chờn đêm có đêm không, nên nhà nào có tivi thường phải sắm thêm bình ắc quy trữ điện. Suốt cả tháng trời, người dân quê cũng “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” theo giai điệu khúc ca Mùa hè Italia đến trễ nãi cả việc làm đồng.
Đội tuyển Liên Xô – anh cả của các nước XHCN bị loại sau vòng bảng! Người hâm mộ Việt Nam bắt đầu chia rẽ, người thì ủng hộ Argentina vì có Maradona, người lại yêu nước Đức vì sự lì lợm, và có không ít người cổ vũ cho chủ nhà Ý… Oan gia ngõ hẹp, Argentina và Đức lại gặp nhau trong trận chung kết sau khi vượt qua Ý và Anh bằng thi đấu luân lưu 11m ở bán kết. Bàn thắng của Andreas Brehme trên chấm phạt đền đã giúp tuyển Đức đoạt cúp. Một giải đấu của những trái penalty nghiệt ngã!
|
1994 - Người hùng và tội đồ
Mùa hè 1994, trái bóng World Cup lại lăn trên đất Mỹ. Người dân quê tôi lại được dịp thưởng thức những trận cầu tuyệt đỉnh. Cho đến giờ này, đây vẫn là một trong những giải đấu “đắng cay” nhất. Maradona bị đuổi về nước vì bị phát hiện sử dụng doping. Đội tuyển xứ Tango bị Romania loại từ vòng 1/16. Không phải Maradona, Romario hay vua phá lưới Stoichkov, chính Roberto Baggio mới là thỏi nam châm hút khán giả đến sân, khiến người hâm mộ dán mắt vào màn hình. Khuôn mặt điển trai, mái tóc đuôi ngựa lãng tử, đi bóng như múa trên sân và hơn tất thảy một mình anh ghi 5 bàn thắng kéo đội tuyển Ý vào chung kết. Cả nước Ý, cả thế giới gần như phát cuồng với Baggio, nhưng ở cửa ngõ thiên đường “đuôi ngựa thần thánh” đã gục ngã ở loạt đấu súng với Brasil. Từ người hùng, Baggio mang danh tội đồ. Cả nước ý quay lưng lại với anh. Trái tim tôi quặn thắt vì thất bại của đội bóng thiên thanh, nhưng tình yêu dành cho Baggio còn mãi đến hôm nay.
World Cup 1994 cũng đầy đau buồn khi hậu vệ Andres Escobar (cầu thủ đá phản lưới nhà khiến Colombia thất bại 1-2 trước đội tuyển Mỹ) bị bắn chết bên ngoài hộp đêm của ngoại ô Medellin, Colombia. Escoba chết trong đời thường, còn Baggio chết cả sự nghiệp. Một World Cup đầy đau thương cho giới hâm mộ yêu bóng đá đẹp!
1998 – Zinedine Zidane và cái đầu hói kỳ diệu
Mùa hè 1998, trái bóng lại lăn trên các sân cỏ nước Pháp. Không phải bài hát chính thức của France 98, nhưng khúc ca The cup of life cùng điệu nhảy như vũ công của Ricky Martin phủ sóng khắp ngõ ngách làng quê. Giới mộ điệu say sưa theo những pha đảo bóng ma thuật của Ronaldo, Rivaldo những cú sút phạt thần sầu của Roberto Carlos… Riêng tôi lại hào hứng với sự trở lại của R. Baggio của đội tuyển Ý, cho dù thời đỉnh cao của anh đã qua. Đội tuyển Ý yêu thích của tôi một lần nữa lại thất bại đắng cay trên chấm luân lưu trước đội chủ nhà Pháp ở tứ kết!
Pháp và Brasil bước vào trận đấu cuối cùng với những lợi thế khác nhau. World Cup năm ấy chúa trời đã chọn Pháp làm đội vô địch. Ở trận chung kết, Zidane đã ghi 2 bàn thắng bằng đầu vào lưới Brasil, giữ cúp vàng lại cho nước Pháp. 3-0, nghiêng về đội chủ nhà, một kết quả vượt ra ngoài mọi dự đoán. Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên được vẻ mặt thất thần của những người đã trót đặt niềm tin vào Ronaldo và đồng đội. Một trận chung kết đầy nghi hoặc, mãi đến vài năm sau Ronaldo mới tiết lộ anh “đã bị một cơn co giật, sau khi ăn trưa, đã bất tỉnh trong ba hoặc bốn phút mà không rõ nguyên nhân”.
|
2002 - Giải đấu của những ngựa ô
World Cup 2002 trên đất Hàn Quốc và Nhật Bản là những trải nghiệm khác. Những trận đấu bắt đầu từ 2 giờ chiều (giờ Việt Nam) thay cho những trận đấu đêm khuya như trước đây. Trong những căn phòng trọ nóng bức ở xứ Huê, lũ sinh viên chúng tôi say sưa bàn luận về ngày hội bóng đá thế giới. Cơn địa chấn ngay ở trận khai mạc: Đương kim vô địch Pháp thua Senegal, đội bóng lần đầu dự World Cup. Bi kịch chưa dừng lại ở đó, Pháp bị loại ngay sau vòng bảng, không ghi được bàn thắng nào, dù sở hữu 3 Vua phá lưới tại 3 giải đấu hàng đầu châu Âu: Thierry Henry ở Anh, David Trezeguet ở Ý và Djibril Cisse ở Pháp. Trái ngược với họ, "ngựa ô" Senegal tiếp tục giành bất ngờ khi đánh bại Thụy Điển ở vòng 16 đội, trước khi chịu thất bại trước Thổ Nhĩ Kỳ ở tứ kết. Bất ngờ hơn cả, đồng chủ nhà Hàn Quốc, đội bóng đánh bại cả Ý và Tây Ban Nha trong những trận đấu “có mùi” để lọt vào bán kết. Tôi liên tục thua cược tiền kem, đi giặt đồ cho cậu bạn ở chung phòng bởi đã trót đặt niềm tin vào những vào Ý và Tây Ban Nha.
...Ngày kết thúc World Cup cũng là lúc tôi trở về quê nhà, trẻ con khắp xóm đều cắt kiểu đầu móng lừa của Ronaldo - người đã thi đấu chói sáng với 8 bàn thắng, góp công lớn đưa Brasil lần thứ 5 vô địch thế giới.
|
2006 - Chiến thắng quả cảm của người Ý
World Cup 2006 trên đất Đức, tôi lại dõi theo những đội tuyển yêu thích như Tây Ban Nha, Argentina, Italia... Thế hệ các cầu thủ tài năng như Zidane (Pháp), Raul (Tây Ban Nha), Ronaldo (Brasil), Canavaro, Del Piero, Totti (Italia)... sẽ có giải đấu cuối cùng. Định mệnh đã sắp đặt Pháp – Italia gặp nhau trong trận chung kết tràn đầy cảm xúc. Sau 120 phút thi đấu, các chàng trai màu áo thiên thanh đã giành được thắng lợi. Một trận đấu buồn vui lẫn lộn trong tôi. Vui vì sau bao thất bại đắng cay, các chàng trai của Ý cũng đoạt được cúp vàng lần thứ 4, phá được cái giớp thường thua trận khi đá penalty. Buồn vì Zidane với lối thi đấu hào hoa lại bị thẻ đỏ trong trận đấu cuối cùng trong màu áo đội tuyển quốc gia Pháp. Thế nhưng, vậy mới là bóng đá!
|
Những kỳ world cup về sau (2010, 2014), tôi xem gần như không sót trận nào nhưng niềm háo hức cảm xúc cứ vơi dần. Đôi khi tôi tự hỏi, phải chăng World Cup ngày càng mất đi ý nghĩa của nó…
Theo Báo Khánh Hòa