Tuy diện tích không lớn nhưng Bảo tàng Yersin chứa đựng nhiều hiện vật có giá trị gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học lừng danh Alexandre Yersin. Đáng tiếc, do chưa được quảng bá rộng rãi nên ít du khách đến Nha Trang ghé thăm bảo tàng này.
Nhiều hiện vật giá trị
Bảo tàng Yersin được thành lập năm 1997, nằm trong khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang (số 10 Trần Phú), có diện tích khoảng 100m2 nhưng hiện vật, tư liệu trưng bày khá đa dạng. Đến đây, du khách được tận mắt nhìn thấy những vật dụng cổ xưa, những trang thiết bị phục vụ cho quá trình nghiên cứu khoa học của nhà bác học Yersin: đồng hồ Leroy cổ, sách báo, ăng-ten thu phát tín hiệu morse, máy tính, quả địa cầu, kính thiên văn và các dụng cụ thí nghiệm độc đáo khác. Đặc biệt, bảo tàng còn lưu giữ được chiếc kính hiển vi mà bác sĩ Yersin đã tìm ra được vi trùng dịch hạch, chiếc máy ảnh ông dùng trong những chuyến đi thám hiểm cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng) và các vùng phụ cận. Các hiện vật trưng bày cho thấy, Yersin là người đam mê nhiều lĩnh vực khoa học từ thiên văn, địa lý đến y học…
|
Đến Bảo tàng Yersin, khách còn được xem mô hình căn nhà bác sĩ Yersin ở Xóm Cồn Nha Trang (nay là nhà khách T378 của Bộ Công an). Chính trong ngôi nhà này, người bác sĩ khả kính đã cứu sống biết bao người qua những lần treo tín hiệu báo bão, khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Chính giữa bảo tàng là mô hình căn phòng ngày xưa ông đã sống với chiếc giường, tủ sách, tủ gương đựng quần áo, ghế mây..., một cuộc sống khiêm tốn và giản dị. Những lá thư thấm đẫm ân tình mà ông gửi cho mẹ, chị gái cũng được trưng bày cho thấy những tình cảm của ông với đất và người Nha Trang - Khánh Hòa.
Sinh thời, Yersin là người rất đam mê thám hiểm và nghệ thuật nhiếp ảnh. Ông đã để lại hàng trăm tấm ảnh có giá trị liên quan đến phong cảnh, văn hóa của Khánh Hòa, Lâm Đồng và các tỉnh lân cận. Khách đến bảo tàng có nhu cầu lưu giữ lại kỷ niệm có thể mua tem, móc khóa bằng mica có in hình Yersin, bưu ảnh có in hình các tấm hình Yersin từng chụp với giá chỉ 5.000 đồng/tấm. Ngoài những ảnh đã được trưng bày giới thiệu, hiện nay, Viện Pasteur Nha Trang còn lưu giữ khoảng 150 bức ảnh khác, trong đó có 70 bức ảnh được triển lãm lần đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh vào tháng 3-2018.
Cần được quảng bá
Trong cuốn sổ lưu niệm đặt bên trái cửa vào bảo tàng, nhiều du khách nước ngoài đã để lại những dòng lưu bút bày tỏ sự mến mộ đối với bác sĩ Yersin, sự hài lòng đối với bảo tàng. “Sau khi đọc cuốn tiểu thuyết Dịch hạch và thổ tả (tác phẩm viết về Yersin của Patrick Deville được trao giải Femina 2012), tôi đã muốn đến đây. Và tôi rất hài lòng khi tham quan bảo tàng này. Những hiện vật ở đây cho chúng ta biết về một vĩ nhân đã sống trọn đời cho khoa học. Một phần lịch sử nước Pháp đã nằm lại nơi này…”, Eric - du khách đến từ Rennes (nước Pháp) bày tỏ.
|
Tuy có nhiều hiện vật giá trị nhưng do ít được quảng bá nên Bảo tàng Yersin chưa được nhiều du khách biết đến. Trước đây, một số doanh nghiệp có triển khai tour du lịch theo chân bác sĩ Yersin nhưng do thiếu quảng bá, nhân viên thuyết minh ít nên không thu hút được khách. Chị Cao Đoan Thục - phụ trách bảo tàng cho biết, mùa cao điểm (từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau), mỗi tháng, bảo tàng đón khoảng 550 lượt khách, còn hiện tại mỗi tháng chỉ đón khoảng 240 khách. Đó là con số quá thấp nếu so với lượng khách du lịch đến Khánh Hòa hàng năm (dự kiến năm 2018 đón khoảng 6,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,8 triệu lượt khách quốc tế). Khách đến tham quan bảo tàng chủ yếu đến từ các nước châu Âu, châu Úc, Mỹ. Những năm gần đây, lượng khách từ các thị trường khách quốc tế truyền thống giảm, nên khách tham quan bảo tàng cũng giảm theo.
Có một sự thật đáng buồn, bác sĩ Yersin đã gắn bó với Khánh Hòa hơn 50 năm, di sản của ông để lại rất nhiều ở đây nhưng thế hệ trẻ của Nha Trang - Khánh Hòa lại không mấy quan tâm đến Bảo tàng Yersin. Trong khi đó, nhiều học sinh, sinh viên đến từ các tỉnh: Đắk Lắk, An Giang, TP. Hồ Chí Minh... lại đến đây tham quan, bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với ông. Thiết nghĩ, người dân xứ Trầm Hương cần có trách nhiệm gìn giữ, quảng bá những di sản mà ông để lại, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Các trường học ở Khánh Hòa nên tổ chức cho sinh viên, học sinh đến tham quan Bảo tàng Yersin. Đó sẽ là bài học quý giá về tình yêu khoa học, bồi đắp thêm tình yêu quê hương”, anh Bùi Anh Hải - hướng dẫn viên du lịch đến từ Đà Nẵng bày tỏ.
Theo Báo Khánh Hòa