Hiện nay, thời tiết đang bắt đầu bước vào mùa khô hạn, nguy cơ cháy rừng là rất cao. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), nhằm ngăn chạn và giảm thiệt hại, lực lượng Kiểm lâm thành phố Cam Ranh cùng các đơn vị được giao quản lý, chăm sóc, khai thác rừng phối hợp với chính quyền địa phương và hộ dân sinh sống gần khu vực rừng tích cực chuẩn bị chủ động các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.
Gia đình ông Trần Bá Yên (thôn Nước Ngọt, xã Cam Lập) tham gia công tác trồng rừng đã hơn 20 năm, với diện tích hơn 2ha rừng trồng, chủ yếu là các loại keo, bạch đàn, xà cừ…hàng năm, cứ vào đầu mùa khô, ông lại chủ động kiểm tra, rà soát và trang bị đầy đủ các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức phát quang bụi rậm, thu dọn thực bì và làm đường băng trắng cản lửa, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy rừng, song song với đó, xây dựng kế hoạch, phân công các thành viên thay phiên nhau thường xuyên tuần tra, trực bảo vệ rừng 24/24 giờ trong những ngày thời tiết nắng nóng xảy ra, nhờ đó những năm qua, diện tích rừng của gia đình ông chưa từng để xảy ra thiệt hại do cháy rừng.
Ông Yên cho biết: “Hàng năm thì cứ vào đầu mùa khô thì chính quyền địa phương triển khai hướng dẫn cho các hộ có trồng rừng cách phòng cháy. Gia đình tôi trồng rừng từ năm 2000, đến nay là năm thứ 21, rừng phát triển rất là tốt, hiện tại đang có 2ha, chủ yếu là trồng keo, bạch đàn và một số cây xà cừ. Bắt đầu vào đầu mùa khô, tức là vào tháng Giêng âm lịch, gia đình tôi chuẩn bị dọn xung quanh rồi, làm ranh để không bị cháy lan giữa phần đất của mình và phần rừng trồng của bà con xung quanh, bên cạnh đó cũng nhắc nhở các hộ lân cận để có ý thức tự làm cùng với nhau…”.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố Cam Ranh hiện có gần 6.600ha rừng, trong đó rừng phòng hộ gần 2.000 ha, rừng sản xuất trên 4.600ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 20,15%. Diện tích rừng ở các khu vực chủ yếu là cây keo, tràm, bạch đàn, xà cừ, trên mặt đất có rất nhiều lá cây, cỏ khô, tạo thành lớp thực bì dày, rất dễ cháy vào mùa khô, bước vào cao điểm mùa nắng nóng, các khu vực có nguy cơ cháy ngày càng cao. Để chủ động trong công tác PCCCR và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Hạt Kiểm lâm thành phố Cam Ranh đã xây dựng kế hoạch, tiến hành rà soát, xác định các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, phân tích rõ đặc điểm, thực trạng, nguyên nhân có thể dẫn đến cháy rừng và đề ra các biện pháp PCCCR hiệu quả. Tăng cường công tác tuyên truyền về PCCCR, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như: kết hợp tuyên truyền tại các cuộc họp dân, trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở, tuyên truyền bằng xe lưu động, làm file tuyên truyền gửi về các đơn vị có rừng…Chú trọng công tác sửa chữa mua sắm các trang thiết bị PCCCR, làm mới, bổ sung các cụm pano tuyên truyền, trong năm 2020, đã thực hiện mua sắm, sửa chữa các trang thiết bị PCCCR, các cụm pano, và thực hiện các hoạt động trực PCCCR với kinh phí trên 140 triệu đồng, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và thành phố.
Hiện nay, Hạt kiểm lâm thành phố Cam Ranh đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đi kiểm tra hiện trạng các cánh rừng, kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống cháy rừng đối với các đơn vị, chủ rừng. Ông Nguyễn Văn Điện, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cam Ranh cho biết: “Được sự chỉ đạo của UBND thành phố cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm đã lập kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng liên quan tiến hành kiểm tra các đơn vị chủ rừng theo quy định. Công tác kiểm tra cũng cho thấy các diện tích rừng tại thành phố đang có nguy cơ cháy cao, đang nằm ở mức cấp 4, rất nguy hiểm. Hạt Kiểm lâm cũng đề nghị các đơn vị chủ rừng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt những vùng có nguy cơ cháy cao, nạo vét kênh mương thông thoáng, thường xuyên lấy nước vào để thuận tiện cho việc lưu thông cũng như việc dự bị nước phòng cháy; thường xuyên phân công trực tháp canh, đặc biệt là các giờ cao điểm từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24...”.
Đoàn kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại xã Cam Lập
Hạt Kiếm lâm đã hướng dẫn các địa phương có rừng của thành phố tập trung triển khai công tác phòng chống cháy rừng với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Thực hiện công tác bổ sung, mua sắm thiết bị dụng cụ chữa cháy, gắn biển cấm lửa, nội quy bảo vệ rừng, cảnh báo cháy rừng, khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ dễ cháy, cấm những người không có phận sự đi vào khu vực. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động sử dụng lửa trong rừng. Vào mùa khô hạn, nắng nóng, dự báo cháy rừng từ cấp 3 trở lên thì nghiêm cấm việc sử dụng lửa để xử lý thực bì trong hoạt động sản xuất, các hành vi sử dụng lửa trong rừng hoặc gần rừng thì phải được sự đồng ý của các cấp thẩm quyền cho phép. Nạo vét kênh mương thông thoáng, chủ động lấy nước vào để tạo độ ẩm cho mặt đất rừng. Triển khai lịch trực phòng cháy cho cán bộ, viên chức, công nhân các tổ phòng cháy trên địa bàn, thực hiện trực cháy 24/24h trong cả ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ kể từ tháng 3 đến tháng 8/2021…
Cam Lập là một trong những địa phương có số diện tích rừng nhiều trên địa bàn thành phố Cam Ranh, với gần 940ha đất rừng sản xuất, ông Nguyễn Văn Kết, Chủ tịch UBND xã Cam Lập cho biết: “Ngay từ đầu năm, xã đã xây dựng kế hoạch, tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh cho toàn dân, nhất là các hộ có rừng thực hiện phát dọn, làm đường ranh để khi có tình huống cháy xảy ra dễ dập tắt. Ngoài việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy thì xã còn tiến hành thành lập ở từng thôn, mỗi thôn một tổ PCCC, gồm 02 tổ (thôn Nước Ngọt và thôn Bình Lập) một tổ gồm 17 thành viên và có từ 2- 3 người là thường xuyên tuần tra trên địa bàn các thôn để khi phát hiện cháy thì kịp thời giải quyết, dập tắt ngay, thường xuyên phối hợp với các đơn vị địa phương xung quanh, chủ động vấn đề ứng cứu khi cần thiết, địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, nhân lực, sửa chữa các chòi canh để phát hiện sớm đám cháy và kịp thời xử lý không để lây lan rộng, đặc biệt là trong mùa khô, cử nhân viên thường xuyên trực tại địa bàn xã để khi có tình huống xảy ra thì phối kết hợp để giải quyết kịp thời…”
Năm 2021 được dự đoán là năm thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khô hạn xảy ra thường xuyên. Trong điều kiện thời tiết hanh khô kéo dài, việc chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa cháy rừng là rất quan trọng, trong đó việc quan trọng nhất là nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về phòng chống cháy rừng. Bên cạnh những nỗ lực của các ngành chức năng thì cần có sự chung tay của toàn dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng kịp thời và có hiệu quả, hạn chế tối đa các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra…/.
CTV Lê Ngân, Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao Cam Ranh