UBND TP. Cam Ranh vừa tổ chức cuộc họp với Sở Thông tin và Truyền thông Khánh Hòa cùng VNPT Khánh Hòa để lấy ý kiến thông qua Đề án xây dựng đô thị thông minh TP. Cam Ranh. Theo đó, Cam Ranh hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ đô thị.
Phát triển ứng dụng dùng chung
Tại cuộc họp, đại diện VNPT Khánh Hòa (đơn vị tư vấn) cho biết, mục tiêu xây dựng thành phố thông minh của Cam Ranh là phát triển một ứng dụng dùng chung trên địa bàn để phục vụ người dân, doanh nghiệp; là cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Ứng dụng vừa là kênh cung cấp thông tin nhanh, chính xác cho người dân; vừa là kênh tiếp nhận và thu thập thông tin của chính quyền. Ứng dụng nhằm xây dựng nền móng cho cơ sở hạ tầng của đô thị thông minh với Trung tâm điều hành đô thị thông minh và các kết cấu thành phần như: Hệ thống giám sát an ninh trật tự và giám sát giao thông; kho dữ liệu đô thị; dịch vụ tiếp nhận, điều phối thông tin và quản lý truyền thông; hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng… Việc triển khai các công cụ nhằm cung cấp thông tin trực quan về các vấn đề kinh tế - xã hội để hỗ trợ cho các cơ quan chức năng, chính quyền đô thị trong hoạt động quản lý, kiểm soát và cung ứng dịch vụ; cho phép cán bộ, lãnh đạo có thể nắm bắt thông tin hiện trường, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị.
TP. Cam Ranh hướng đến xây dựng đô thị thông minh
Đồng chí Lê Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố cho biết, muốn xây dựng đô thị thông minh, thành phố phải kiện toàn tổ chức, nhân sự và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đảm bảo hoạt động liên tục và an toàn thông tin trong các hệ thống hạ tầng số của thành phố. Đồng thời, đào tạo phổ cập về thành phố thông minh, về cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn thành phố nhằm thống nhất trong quyết tâm và hành động. Ngoài ra, phải triển khai một hệ sinh thái dùng chung cung cấp các dịch vụ đô thị hữu ích, đáp ứng nhu cầu đa dạng của dân cư và cộng đồng doanh nghiệp đảm bảo cho việc chia sẻ và đóng góp dữ liệu vào hạ tầng dữ liệu chung của thành phố.
Thúc đẩy nhiều mặt
Theo đánh giá của VNPT Khánh Hòa, việc đầu tư xây dựng thành phố thông minh sẽ tạo ra những tác động to lớn, tích cực cho Cam Ranh. Cụ thể, về quản lý đô thị, việc xây dựng đô thị thông minh với hạ tầng công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực đủ mạnh để quản lý, vận hành sẽ góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Điều này tạo điều kiện cho Cam Ranh từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, dự báo xu thế trong quản lý, điều hành. Đồng thời, cho phép cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý khối lượng thông tin rất lớn để hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định chính xác và kịp thời. Về kinh tế, với việc xây dựng các hệ thống thông tin thông minh cùng những giải pháp đồng bộ sẽ giúp người dân, doanh nghiệp được sử dụng các dịch vụ trên mạng ở cấp độ khác nhau và được cung cấp thông tin minh bạch, thuận lợi, kịp thời... góp phần giảm thiểu thời gian, công sức trong giao dịch hành chính với chính quyền.
Xây dựng đô thị thông minh sẽ phục vụ người dân tốt hơn trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng chí Lê Ngọc Thạch cho biết, đề án phải có lộ trình cụ thể, xác định rõ từng công việc cần làm. Vì vậy, thành phố đã giao các phòng, ban chuyên môn khẩn trương cập nhật dữ liệu các phần mềm để tạo cơ sở dữ liệu phục vụ cho đề án. Đồng thời, đề nghị VNPT Khánh Hòa hỗ trợ thành phố tổng hợp, bổ sung một số nội dung liên quan để hoàn thiện đề án. Vấn đề triển khai Đề án đô thị thông minh cũng cần xây dựng phương án tài chính đảm bảo trước khi triển khai nên thành phố cũng đề nghị các sở, ngành quan tâm vấn đề này.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202210/cam-ranh-huong-toi-xay-dung-do-thi-thong-minh-8264694/