Mong ước được đến trường, học tập như bao bạn khác nhưng chỉ vì nhà nghèo, ước mơ ấy của nhiều học sinh bị dừng lại. Thế nhưng, thông qua chương trình hỗ trợ bảo trợ dài hạn, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã “chắp cánh” cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được đến trường.
Vượt qua hoàn cảnh
Một ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi đến nhà em Đinh Nguyễn Hoài Thương (19 tuổi) tại tổ dân phố Phú Bình, phường Cam Phú, TP. Cam Ranh khi Thương đang sắp xếp đồ đạc để chuẩn bị bước vào giảng đường Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang. Thương tâm sự, em mồ côi mẹ khi mới 2 tuổi. Ba em cũng mất sau đó 3 năm... Từ đó, Thương sống với ông nội và cô ruột. “Em rất thích làm cô giáo dạy mầm non nhưng khi em học cấp 2, ông nội mất, gia đình rất khó khăn. Nhiều lúc em đã có ý định bỏ học để đi làm phụ giúp cô…”, Thương rưng rưng nước mắt. “Cháu rất thích học, năm nào thành tích học tập của cháu cũng đạt khá, giỏi nhưng vì gia đình không có điều kiện cho cháu đến trường nên nhiều lúc đã có ý nghĩ bảo cháu ngừng học”, bà Đinh Thị Thu Hậu - cô ruột em Thương bày tỏ.
|
Cũng như Thương, em Hồ Trọng Tín (20 tuổi) ở thôn Lam Sơn, xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa mồ côi cha mẹ khi em học lớp 8. Con đường học tập của Tín đã dang dở khi vừa kết thúc năm học lớp 12. “Em thích đi học lắm, nhưng nhà không có tiền nên phải nghỉ, không thể đi tiếp đến đại học được”, Tín chia sẻ.
Thi đậu Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang, thế nhưng cô tân sinh viên Nguyễn Thị Băng Châu (20 tuổi, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) đã từ bỏ để theo học một khóa kế toán ngắn hạn tại TP. Hồ Chí Minh. “Ba mẹ em mất khi em còn quá nhỏ, bà ngoại và dì đã nuôi em ăn học. Khi cầm giấy báo trúng tuyển, em đã phân vân rất nhiều… Chương trình học quá dài, trong khi hoàn cảnh gia đình lại không cho phép nên em đã quyết định học khóa kế toán để mau đi làm kiếm tiền giúp gia đình”, Châu nói. “Chúng tôi không còn cách nào khác là làm theo ý cháu vì gia đình không có khả năng để nuôi cháu đi học”, bà Nguyễn Thị Thoa - dì em Châu tâm sự.
Nâng bước đến trường
Được biết, Thương, Tín và Châu là những em nằm trong danh sách được nhận hỗ trợ bảo trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh khi các em còn học cấp 3. “Năm em học lớp 10, bà ngoại mỗi lúc một yếu không có khả năng để cho em đi học. Lúc ấy, nghe tin trường thông báo, em nào có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì nộp đơn sẽ được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ mỗi năm học 5 triệu đồng. Em vui lắm! Mặc dù giờ đây em không thể học tiếp đại học nhưng em rất cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã giúp em hoàn thành việc học bậc phổ thông”, Châu nói.
Tuy bây giờ, Tín đã đi làm nhưng em vẫn không quên mình đã từng có giai đoạn muốn bỏ học sớm. “Khi em học cấp 3, gia đình túng thiếu, em đã tự bỏ học một vài ngày. Thế nhưng, thầy cô đến khuyên bảo và cho biết em sẽ được hỗ trợ tiền học, em vui sướng lắm. Dù em đã nghỉ học nhưng em sẽ cố gắng đi làm kiếm tiền. Nếu có cơ hội, em vẫn muốn được học lại”, Tín chia sẻ.
Từ năm 2016 đến nay, đã có 10 trẻ em thuộc diện mồ côi, gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được nhận hỗ trợ từ chương trình bảo trợ dài hạn do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động các nhà hảo tâm đóng góp và tổ chức hàng năm cho đến năm các em đủ 16 tuổi. Đây là nguồn động viên, tiếp sức kịp thời, tạo điều kiện cho các em tiếp tục đến trường. Trong số các học sinh trên nhận bảo trợ dài hạn từ quỹ, đến nay còn 2 em là Phan Đoàn Đại Nghĩa, mồ côi cha (ở thị trấn Diên Khánh) và Nguyễn Thị Nữ Chi, mồ côi cha lẫn mẹ, sống với bà ngoại và cậu ruột (ở huyện Cam Lâm). “Chúng tôi hi vọng trong những năm tới sẽ có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vượt khó học giỏi tiếp tục được nhận học bổng, nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nhà tài trợ”, bà Lưu Thị Ngọc Liên - Quyền Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh nói.
Chương trình hỗ trợ đỡ đầu và bảo trợ dài hạn đối với trẻ em mồ côi hoặc có cha, mẹ bị tàn tật, mất sức lao động, có học lực khá trở lên đã được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam triển khai từ năm 2000. Trẻ em nhận hỗ trợ đỡ đầu cho đến khi đủ 16 tuổi hoặc có độ tuổi cao hơn theo yêu cầu nhà tài trợ. Trong quá trình nhận hỗ trợ, trẻ em có cam kết không bỏ học, luôn giữ học lực khá trở lên. Kinh phí hỗ trợ hàng năm từ 3 đến 6 triệu đồng. Tính đến nay, đã có 1.467 lượt trẻ em nhận hỗ trợ đỡ đầu và bảo trợ dài hạn với tổng kinh phí 8,2 tỷ đồng.
Theo Báo Khánh Hòa