Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11), trao đổi với Báo Khánh Hòa về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết:
|
- Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 16 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, 174 di tích cấp tỉnh được phân bố ở tất cả các địa phương. Bên cạnh đó, còn có 56 di tích chưa được xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê di sản. Sở Văn hóa và Thể thao, trực tiếp là Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã tiến hành bàn giao số liệu, danh mục di tích cho các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận quản lý. Cùng với đó, thực hiện việc hỗ trợ, hướng dẫn công tác tu bổ, bảo tồn chống xuống cấp giai đoạn 2016 - 2020, đã hỗ trợ kinh phí tu bổ cho 12 di tích với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch kiểm kê và sửa chữa, tu bổ di tích lịch sử văn hóa trong giai đoạn 2018 - 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, triển khai một số dự án lớn như: bồi thường giải tỏa để thực hiện giai đoạn 2 của Dự án trùng tu Thành cổ Diên Khánh; xây dựng đường vào mộ bác sĩ A.Yersin tại huyện Cam Lâm; hoàn thành dự án xây dựng đền thờ danh nhân Trần Đường tại huyện Vạn Ninh; triển khai lắp đặt bia di tích giới thiệu danh thắng cấp quốc gia Mũi Đôi - Hòn Đầu…
- Để người dân và du khách hiểu biết hơn về các di sản văn hóa, đơn vị đã thực hiện việc phổ biến kiến thức, cũng như quản lý, tổ chức các lễ hội như thế nào, thưa ông?
- Trong năm 2018, đã tổ chức tập huấn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại huyện Vạn Ninh cho các đối tượng là công chức làm công tác văn hóa - xã hội, trưởng thôn, tổ trưởng, đại diện Ban quản lý các di tích trong huyện. Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bài chòi, sở đã mở các lớp tập huấn cho cán bộ, nhân dân ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Sở cũng đang có kế hoạch đưa nghệ thuật trình diễn bài chòi vào truyền dạy trong các trường học.
|
Vào các dịp lễ, Tết hàng năm, các đơn vị chức năng của sở tổ chức đi thăm, tặng quà, động viên Ban quản lý các di tích cấp quốc gia. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống như: Giỗ tổ Hùng Vương, lễ hội Am Chúa, lễ tưởng niệm ở đền Trần Hưng Đạo đã có sự phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý tại các di tích để thực hiện trang nghiêm, đúng quy định. Công tác phục vụ người dân, du khách ở di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng không ngừng được nâng cao kỹ năng giao tiếp văn minh, lịch sự. Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2018 đã được tổ chức trang trọng, trật tự, an toàn với trên 100 đoàn khách hành hương và hơn 100.000 lượt người về dự lễ. Hàng ngày, tại các điểm tham quan này, đoàn văn nghệ dân tộc Chăm, đội nhạc cụ dân tộc thường xuyên biểu diễn phục vụ khách.
- Được xem là một hoạt động trọng tâm trong công tác tuyên truyền di sản văn hóa, Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa đã mang lại những kết quả gì?
- Đây là năm thứ 12 Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa được tổ chức rộng khắp ở các huyện, và từ năm 2017 có thêm hội thi cấp tỉnh. Qua các năm tổ chức hội thi đều thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, các đoàn thể ở địa phương sôi nổi tham gia. Hội thi đã tạo được hiệu ứng tích cực trong khối trường học khi trở thành một hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, sân chơi bổ ích cho học sinh. Qua đó, khích lệ sự tự giác tìm hiểu về di sản văn hóa dân tộc ở thế hệ trẻ. Đây cũng là một dịp để định hướng nghề nghiệp dành cho các học sinh có niềm yêu thích tìm hiểu lịch sử, di sản văn hóa, du lịch. Năm nay là lần thứ 2 diễn ra Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa cấp tỉnh. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã gần hoàn thành. Hội thi sẽ diễn ra vào ngày 25-11 và là một hoạt động ý nghĩa để chào mừng ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Khánh Hòa