Trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, đánh giá công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm, trong đó, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa từng bước được nâng cấp; chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa ngày càng cao, nhất là các kỳ Festival Biển với nhiều sự kiện văn hóa quy mô lớn, tầm quốc gia, khu vực... đáp ứng cơ bản nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và du khách; sinh hoạt văn hóa của nhân dân và du khách.
Trải qua nhiều thế kỷ, quá trình cộng cư và hòa cư của các dân tộc anh em đã tạo nên cho Khánh Hòa ngày nay một sắc thái văn hóa độc đáo, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Công tác bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước, nhớ nguồn; nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo của dân tộc, tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Có thể nói, các giá trị văn hóa truyền thống đã trở thành sức mạnh tinh thần để gắn kết cộng đồng, khơi dậy tình cảm quê hương và tinh thần đoàn kết cộng đồng.
Khánh Hòa hiện có 16 di tích xếp hạng quốc gia, 176 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 56 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của tỉnh, 03 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và nghệ thuật bài Chòi miền Trung Việt Nam (trong đó có Khánh Hòa) vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng cư dân Khánh Hòa qua các thời kỳ, có giá trị về nhiều mặt như: văn hóa, khoa học, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật… mang đậm dấu ấn, bản sắc của con người và vùng đất Khánh Hòa và là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thời gian qua, Tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh, như: triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển ngành văn hóa tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (từ năm 2011 - 2020); Kế hoạch trang bị nhạc cụ mã la cho 85 thôn, tổ dân phố phục vụ sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai trên địa bàn tỉnh (từ năm 2014 - 2020); Dự án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Cầu Ngư (từ năm 2016 - 2017); Kế hoạch khảo sát, nghiên cứu, biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hành nghi lễ tại các Đình làng Khánh Hòa (từ năm 2015 - 2016); Kế hoạch Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi (từ năm 2015 - 2020)…. Đồng thời, tỉnh đã thực hiện thường xuyên, kịp thời công tác điền dã, kiểm kê, sưu tầm đến nghiên cứu, tu bổ, phục hồi, bảo quản, xếp hạng các di tích. Theo kế hoạch giai đoạn 2017 - 2022 sẽ tu bổ, chống xuống cấp hơn 60 di tích và đến nay đã thực hiện tu bổ, tôn tạo cho hơn 30 di tích với tổng kinh phí hơn 35 tỷ đồng, đang lập dự án trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh, dự án đường vào Khu mộ Bác sĩ A.Yersin, Bia lưu niệm sự kiện Tết Mậu Thân 1968...
Một số hình ảnh tham gia Hội thi “Tìm hiểu di sản văn hóa” cấp huyện, cấp tỉnh dành cho các em học sinh cấp THCS trong tỉnh.
Điểm nhấn trong hoạt động tuyên truyền về di sản văn hóa có hiệu quả, mô hình tiểu biểu được nhân rộng trong cả nước là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa và Luật Di sản văn hóa, nhất là đối tượng thanh thiếu niên - thế hệ trẻ hiểu rõ giá trị di sản văn hóa của tỉnh Khánh Hòa, từ đó khơi dậy tình yêu, niềm tự hào của thế hệ trẻ. Từ năm 2017, ngành Văn hóa và Thể thao đã tổ chức thành công các Hội thi “Tìm hiểu di sản văn hóa” ở quy mô từ cấp huyện đến cấp tỉnh dành cho các em học sinh cấp THCS. Qua đó, một số di tích lịch sử cách mạng đã trở thành địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về giá trị của các di tích gắn liền với các sự kiện lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng, về lòng yêu nước của cha ông ta qua các thời kỳ như: Địa điểm lưu niệm Tàu C235, căn cứ cách mạng Đồng Bò, căn cứ địa Hòn Hèo, căn cứ địa Đá Bàn, Hòn Dù, Hòn Dữ, Tô Hạp....
Mặt khác, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh đã gắn kết, góp phần quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phục vụ tốt cho hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Nhiều di sản văn hóa của tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, số lượt khách và nguồn thu từ phí tham quan năm sau đều cao hơn năm trước như: Di tích Tháp bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng trong 5 năm qua đã thu hút gần 15 triệu (14.831.500) lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Nguồn thu từ kết quả hoạt động phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được đầu tư để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp đối với các di tích và các hoạt động giữ gìn các giá trị di sản văn hóa, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác quản lý, hướng dẫn tổ chức các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị lễ hội truyền thống, tín ngưỡng tại các di tích lịch sử - văn hóa luôn được theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ. Lễ hội truyền thống hàng năm tại các di tích (như: Lễ hội Tháp Bà PoNagar, Lễ hội Am Chúa, Lễ giỗ tổ Hùng Vương…) được tổ chức an toàn, đúng theo nghi lễ truyền thống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh cũng còn một số khó khăn, hạn chế: cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; các hạng mục của di tích đã và đang xuống cấp; một số công trình đã được trùng tu, tôn tạo nhưng chưa phát huy hết tác dụng và công năng. Việc quan tâm hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác dịch vụ phục vụ khách du lịch tại di tích còn hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn thấp....
Trong 8 nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh đã xác định nhiệm vụ thứ 3 rất quan trọng về văn hóa, đó là “Phát triển văn hóa, xã hội theo hướng bền vững, tiếp tục quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, trong đó chú trọng giá trị văn hóa truyền thống; quan tâm đầu tư các công trình văn hóa trọng điểm, các thiết chế văn hóa…” . Tỉnh xác định tập trung phát triển du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng; triển khai thực hiện có hiệu quả các di sản văn hóa; phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Để tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, nghiên cứu, nhận diện, làm rõ giá trị các di sản văn hóa có trên địa bàn; ý nghĩa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống văn hóa - xã hội hiện tại và tương lai. Thực hiện xếp hạng các di tích đã được kiểm kê, trọng tâm là chú trọng lập hồ sơ xếp hạng, cắm mốc xác định vị trí khu vực bảo vệ I đối với các di tích là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy trong 02 cuộc kháng chiến như: căn cứ cách mạng Đồng Bò (Nha Trang), Đồng Trăn (Diên Khánh), Hòn Hèo, Đá Bàn (Ninh Hòa)....
Hai là, thực hiện tốt các giải pháp huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh; nâng cao nhận thức về giá trị di tích cho người dân trong tỉnh, góp phần bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa; đào tạo người dân tại các địa phương có tay nghề, có kiến thức hiểu biết về di tích trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, hướng dẫn du khách tham quan di tích, thực hành các trải nghiệm du lịch sinh thái; khuyến khích tạo ra những sản phẩm đặc thù của địa phương.
Ba là, thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là, chú trọng giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với du lịch.
Năm là, tăng cường quản lý, hướng dẫn tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với văn hóa truyền thống của địa phương như lễ hội, di tích, tín ngưỡng, nhân vật lịch sử. Trong đó tập trung bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc trưng, tiêu biểu như Lễ hội Tháp Bà Ponagar, Lễ Bỏ mả của người Raglai, Lễ hội Cầu Ngư…, đặc biệt là nghệ thuật bài chòi. Ngoài ra, chú trọng đến tổ chức các hoạt động văn hóa gắn kết các lễ hội truyền thống với di tích để phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương Khánh Hòa./.
CTV Hải Vân - BTG Tỉnh ủy