Ngày 15-11, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
|
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có 92 người lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu. Bên cạnh đó, sở còn tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung Phòng LĐ-TB-XH tham gia hội đồng thu hồi, bồi thường, giải tỏa, tái định cư để nắm bắt, khảo sát và lập danh sách người trong độ tuổi lao động để thực hiện chính sách hỗ trợ…
Đại diện đoàn giám sát đánh giá cao việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất; đồng thời đề nghị Sở LĐ-TB-XH triển khai sâu rộng và nghiên cứu những chính sách có tính pháp lý để triển khai đạt hiệu quả…
Khảo sát việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ
Chiều 15-11, đoàn khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) về tình hình quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN; hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại từ các kết quả thực hiện nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách nhà nước, giai đoạn từ năm 2016 đến 9-2019.
Theo báo cáo của Sở KH-CN, từ năm 2016 đến 9-2019, sở đã tham mưu triển khai công tác nghiệm thu và giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả 54 đề tài, dự án cấp tỉnh với tổng kinh phí hơn 46,6 tỷ đồng; trong đó có khoảng 80% đề tài, dự án sau khi nghiệm thu xong được đưa vào ứng dụng thực tế (khoảng 20% ứng dụng có hiệu quả cao)… Sở KH-CN kiến nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét phân bổ tăng chỉ tiêu biên chế cho sở đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về KH-CN; ban hành một số cơ chế chính sách, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi hơn nhằm đẩy mạnh hoạt động KH-CN; UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm hơn nữa đối với hoạt động KH-CN, phối hợp với sở trong việc nhận bàn giao kết quả đề tài, dự án…
Đoàn giám sát ghi nhận ý kiến của đơn vị và cho biết, qua cuộc giám sát này sẽ có những đề xuất để việc thực hiện các nhiệm vụ KH-CN hiệu quả hơn, nhất là việc đưa các đề tài, dự án vào ứng dụng thực tế. Đồng thời, đoàn đề nghị Sở KH-CN cần xem xét việc đặt hàng, tuyển chọn các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH-CN, ưu tiên các đề tài mang tính ứng dụng cao…
. Trước đó, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh cùng Sở KH-CN khảo sát tình hình quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN tại huyện Cam Lâm.
Hiện nay, huyện Cam Lâm là đơn vị chủ trì thực hiện với đề tài Ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong việc phát triển bò lai hướng lấy thịt giữa giống bò Droughtmaster và BBB với đàn bò cái lai Zebu của địa phương. Qua khảo sát cho thấy, trong 2 năm 2017-2018, huyện đã giao Trạm Khuyến công nông lâm ngư bố trí kinh phí để tập huấn, tuyên truyền nhân rộng kết quả đề tài. Sản phẩm và kết quả đạt được là tạo ra 2 giống mới gồm bò lai F1 (giống Droughtmaster lai Zebu) và bò lai F1 (giống BBB lai Zebu). Người chăn nuôi đánh giá cao về tốc độ tăng trọng và hiệu quả kinh tế của các giống bò mới. Hiện toàn huyện có hơn 120 hộ thực hiện phối thành công các giống mới.
Đoàn đã tiến hành khảo sát tại một số hộ nuôi bò ở xã Cam Tân; ghi nhận những khó khăn cũng như đề xuất, kiến nghị của địa phương để báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết.
Theo Báo Khánh Hòa