Sau sự việc cây phượng bất ngờ bật gốc khiến học sinh một trường THCS tại TP. Hồ Chí Minh tử vong và nhiều học sinh khác bị thương, vấn đề giữ gìn cây xanh ở trường học song song với việc đảm bảo an toàn cho học sinh được quan tâm hơn bao giờ hết.
không gian xanh trường học
Ở nhiều trường học, mọi sinh hoạt dưới cờ, các tiết học thể dục, ngoại khóa… đều diễn ra dưới bóng cây; bao thế hệ học trò đã ngồi ôn bài, trò chuyện dưới những tán lá. Những hàng cây xanh thắm đã đi vào thơ ca, nhạc họa, lưu dấu những ký ức trong trẻo của lứa tuổi cắp sách đến trường. Sau thông tin một số trường ở các tỉnh, thành đốn hạ nhiều cây xanh do lo sợ cây gãy đổ, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh vẫn giữ quan điểm cần tiếp tục chăm sóc và giữ gìn không gian xanh trong môi trường sư phạm.
|
Cảnh quan đẹp của Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang) có được một phần là nhờ những hàng cây xà cừ, xoài, me… tỏa bóng sân trường. Trong số đó, có những cây có tuổi đời vài chục năm, gắn liền với lịch sử của nhà trường. Cô Trương Thị Tâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc chăm sóc, quản lý cây xanh là việc nhà trường đã chủ động làm từ trước đến nay. Vào mỗi mùa hè trước khi bước vào năm học mới, nhà trường đều phối hợp với công ty môi trường đô thị cắt tán, tỉa cành, tạo bóng râm, đề phòng gãy đổ khi mưa bão…
Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Cam Ranh) cũng có cảnh quan cây xanh đẹp mắt. Dưới tán cây xà cừ, phượng…, học sinh vẫn học tập, vui chơi, tham gia nhiều hoạt động. Thầy Nguyễn Văn Tuệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường có ban kiểm tra độ an toàn của hệ thống cây xanh trong trường, đảm bảo mỹ quan và an toàn; định kỳ, có nhân viên chăm sóc cây xanh, cắt tỉa những cành thấp, tán quá rộng. Duy trì hệ thống cây xanh trong trường học là rất cần thiết. Nếu xác định cây nào không đảm bảo an toàn, nhà trường mới có biện pháp chặt bỏ”.
Cần có bộ phận chuyên môn thẩm định
Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, toàn tỉnh có hơn 500 trường học, tổng số cây xanh chắc chắn còn nhiều hơn thế. Sở luôn khuyến khích các trường trồng thêm cây xanh để tạo bóng mát, mỹ quan trường học. Tùy đặc thù về thổ nhưỡng, đất đai mà trường chọn cây trồng phù hợp, có khả năng phát triển tốt. Hàng năm, các trường cũng thuê người cắt tỉa cành để đảm bảo an toàn, nhất là trước mùa mưa bão. Sở không có chủ trương chặt bỏ cây xanh vì nếu chặt nhầm những cây cổ thụ, có giá trị lịch sử thì rất lãng phí. Để xác định cây nào không đảm bảo an toàn, cần có sự rà soát từ phía cơ quan chuyên môn.
Được biết, mới đây, theo chỉ đạo của UBND TP. Nha Trang, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có văn bản đề nghị các trường học trên địa bàn rà soát, tổng hợp báo cáo số lượng cây xanh cần rong tỉa, xử lý trong khuôn viên trường và các tồn tại có khả năng gây mất an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên trong trường như tường rào, hệ thống điện… Theo một số hiệu trưởng, với tình trạng bê tông hóa quanh gốc cây, hoặc có trường mua cây lớn về trồng lại thì cây có khả năng không bám rễ sâu vào lòng đất, nguy cơ gãy đổ là có. Chưa kể những cây lâu năm nhìn bề ngoài vẫn xanh tốt nhưng bên trong có thể bị mục ruỗng, sâu bệnh. Tuy nhiên, để thẩm định cây xanh, nhất là những cây lâu năm có thực sự đảm bảo an toàn hay không thì nhà trường không đủ trình độ để đánh giá. Nhiều trường đề xuất cần có bộ phận chuyên môn về cây trồng xem xét, thẩm định các cây xanh trong nhà trường để đánh giá đúng mức độ an toàn và có biện pháp xử lý, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.
Theo Báo Khánh Hòa
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202006/giu-khong-gian-xanh-cho-truong-hoc-8167613/