Những nghề thủ công truyền thống theo thời gian đã trở thành nét văn hóa độc đáo, giúp thế hệ sau thêm trân quý những giá trị cha ông để lại.
Tại Liên hoan các làng văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ 5 diễn ra ở Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang) vừa qua, đông đảo người dân và du khách rất quan tâm đến phần thi nghề truyền thống giữa các đội. Tuy chỉ mang tính chất trình diễn nhằm giới thiệu những nét cơ bản, nhưng màn thi tài của các nghệ nhân đã giúp người xem phần nào hình dung về những nghề thủ công truyền thống trên vùng đất Khánh Hòa. Từ các bản làng miền núi đến những làng chài ven biển, từ thành thị đến nông thôn, nghề thủ công truyền thống vẫn được duy trì và hiện hữu trong đời sống người dân.
|
Đến đây, công chúng được xem ngư dân phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang), xã Vạn Phú (huyện Vạn Ninh) làm mành ốc; ngư dân xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm), phường Cam Thuận (TP. Cam Ranh) đan lưới; xem nghệ nhân đến từ xã Diên Sơn (huyện Diên Khánh), xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) chằm nón; nghệ nhân ở xã Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh), xã Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn) đan gùi đi rẫy. Mỗi nghệ nhân đến với liên hoan và được trình diễn nghề thủ công truyền thống đều thể hiện niềm vui được giới thiệu nét đẹp văn hóa tới mọi người. “Đan gùi là công việc thường ngày tôi vẫn làm để bán cho người dân trong xã sử dụng. Bây giờ, được cử tham gia liên hoan để giới thiệu cho mọi người biết các công đoạn làm nên một chiếc gùi, tôi thấy rất tự hào”, nghệ nhân Hà Na đến từ làng văn hóa Suối Cau (xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh) cho biết.
Nhằm tạo không khí sôi nổi, cung cấp thêm thông tin về các sản phẩm thủ công, mỗi đội thi đều mang đến những tiết mục ca, múa, nhạc mang màu sắc văn hóa dân gian. Đội TP. Nha Trang trình bày tổ khúc dân ca khu 5 có chủ đề biển đảo quê hương. Đội TP. Cam Ranh với phần minh họa có chủ đề tiếp ước mơ cho mỗi chuyến đi biển. Đội đại diện cho thị xã Ninh Hòa thu hút khán giả với bài giới thiệu khá hấp dẫn về chiếc nón lá thân thương. Đội Khánh Sơn lại đem âm hưởng đại ngàn với tiếng đàn đá vang vọng, những động tác múa khỏe khoắn của những nam, nữ thanh niên dân tộc Raglai… “Phần minh họa của các đội đã làm bật lên nét đặc trưng của mỗi nghề, mỗi sản phẩm thủ công truyền thống. Khán giả không chỉ được thưởng thức những tiết mục văn nghệ, mà còn biết thêm nhiều thông tin thú vị liên quan đến phần thi của các nghệ nhân và những sản phẩm do họ làm ra”, bà Nguyễn Thị Thanh Duyên - du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh nhận xét.
Trước đó, tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn, hội thi già làng khéo tay cũng nhận được sự quan tâm của công chúng. Tại hội thi, các già làng đến từ nhiều thôn, xã trong huyện đã có dịp thi tài làm ra những chiếc gùi, chiếc nỏ, cây đàn chapi, kèn bầu, dụng cụ bắt cá dưới suối, dụng cụ đuổi chim trên rẫy… Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, trong lần đầu tổ chức Lễ hội trái cây, địa phương không chỉ muốn giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của các loại nông sản, mà thông qua đó giới thiệu nét đẹp văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai trên địa bàn. Chính vì thế, trong lễ hội có những hoạt động tái hiện lễ ăn mừng lúa mới, diễn xướng sử thi, biểu diễn đàn đá… Hội thi già làng khéo tay cũng là một điểm nhấn thể hiện nét đẹp văn hóa đang được lưu giữ trong các buôn làng.
Đồng chí Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, việc đưa các nghề thủ công truyền thống vào các sự kiện văn hóa, lễ hội không chỉ để giới thiệu nét đẹp văn hóa trong đời sống, sinh hoạt của người dân, mà còn là một cách quảng bá những nghề, những sản phẩm đó đến nhiều hơn với mọi người, nhất là du khách nước ngoài. Với những người đã biết về các sản phẩm thủ công thì đây là dịp để gợi nhớ về ký ức một thuở. Thật may mắn khi ở Khánh Hòa còn lưu giữ được nhiều ngành nghề thủ công truyền thống. Những hiệu ứng đã đạt được là sự gợi ý cho việc có thể nâng tầm hoạt động giới thiệu nghề thủ công truyền thống với quy mô lớn hơn trong những sự kiện văn hóa sau này trên địa bàn tỉnh.
Theo Báo Khánh Hòa