Xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa là yêu cầu cấp thiết. Nhưng làm như thế nào, kêu gọi đầu tư xã hội hóa ra làm sao lại là câu chuyện cần được tìm cách tháo gỡ.
|
Từ nhiều năm nay, chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã được nhắc đến nhiều và đó là bước đi phù hợp với điều kiện thực tế. Nhắc lại những điểm sáng trong việc xã hội hóa hoạt động văn hóa thời gian gần đây có thể kể đến như: Festival Biển 2017 với kinh phí kêu gọi xã hội hóa lên đến 19 tỷ đồng; Thư viện tỉnh kêu gọi kinh phí đầu tư phòng đọc sách thiếu nhi gần 800 triệu đồng. Ngoài ra, các đơn vị: Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh… cũng có sự kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp đối với những hoạt động của mình. Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng xem ra việc triển khai thực hiện vấn đề xã hội hóa vẫn còn rất nhiều những khó khăn.
Theo ông Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa chưa đạt kết quả như mong muốn đó là do nhu cầu của xã hội thấp, việc đầu tư vào lĩnh vực văn hóa ít lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nên các nhà đầu tư ít quan tâm. Bên cạnh đó, nhận thức của lãnh đạo của các đơn vị sự nghiệp vẫn còn chậm đổi mới, chưa có sự chủ động chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự cân đối chi phí cũng là những khó khăn, hạn chế.
Ông Trần Đức Hà - Phó phụ trách Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng cho biết: “ Sau gần nửa năm đẩy mạnh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật đã vấp phải những sự cạnh tranh từ các đơn vị nghệ thuật tư nhân. Là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp nên việc dàn dựng tiết mục, lựa chọn ca sĩ, diễn viên cũng phải đàng hoàng. Chính vì thế mức giá của đoàn thường cao hơn các đơn vị biểu diễn tư nhân”. Còn theo ông Văn Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, hoạt động xã hội hóa các hoạt động văn hóa thực sự không hề dễ dàng. Đơn vị vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, vừa tìm nguồn tài trợ để có thêm nguồn thu nên việc hài hòa là rất khó khăn.
Ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những việc mà ngành Văn hóa đã làm được để thực hiện chủ trương xã hội hóa. Trong đó, nổi bật là ngành đã đề xuất được một số cách làm mới. Tuy nhiên, để gỡ khó cho việc xã hội hóa thì mỗi lãnh đạo, nhân viên của ngành Văn hóa cần có sự năng động, chủ động ngay trong chính mỗi đơn vị. “Trong vấn đề xã hội hóa điều quan trọng nhất là phải tìm ra được phương pháp vận động đảm bảo tính bền vững, lâu dài. Đó chính là điều mà ngành Văn hóa phải suy nghĩ có đề xuất cụ thể với tỉnh”, ông Nguyễn Đắc Tài nhấn mạnh.
Trong cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Sở Văn hóa và Thể thao mới đây, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, trước mắt tỉnh sẽ có sự đầu tư theo đúng nguyện vọng của đơn vị. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần tính chuyện các đơn vị phải khấu trừ kinh phí đầu tư lại cho tỉnh. Để làm được điều đó bắt buộc các đơn vị phải có sự chủ động xã hội hóa để dần tự chủ về kinh phí hoạt động. Tỉnh sẽ có những cơ chế, chính sách cụ thể để việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa lĩnh vực văn hóa được hiệu quả hơn. Muốn làm được vậy, tự bản thân các đơn vị sự nghiệp nói riêng và ngành Văn hóa nói chung xuất phát từ thực tiễn của mình để có những đề xuất, kiến nghị phù hợp lên tỉnh.
Theo Báo Khánh Hòa