Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế góp phần bảo đảm quyền an sinh xã hội của mỗi công dân, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Bảo hiểm xã hội Việt Nam là ngành đi trước, đón đầu đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thúc đẩy hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.
Đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, trong đó bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn là trụ cột lớn của cơ sở dữ liệu an sinh xã hội. Hiện đại hóa và cung cấp được các dịch vụ công trên nền tảng công nghệ thông tin luôn được chính phủ các nước tập trung hoàn thiện để trở thành yếu tố quan trọng nhất cho phát triển chính phủ điện tử, hiện đại hóa quản lý và phục vụ tốt hơn cho người dân, người lao động.
Ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức,... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hoàn thiện, phát triển và đổi mới của hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam. Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin bao phủ hầu hết các hoạt động nghiệp vụ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nắm bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0).
Những thành tựu đạt được
Trước năm 2015, việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành bảo hiểm xã hội chưa được đẩy mạnh, hệ thống máy chủ, phần mềm, cơ sở dữ liệu phân tán tại bảo hiểm xã hội các quận, huyện chưa có hệ thống mạng WAN kết nối hệ thống công nghệ thông tin giữa các đơn vị. Toàn bộ giao dịch với người dân và doanh nghiệp đều được thực hiện theo hồ sơ giấy tờ qua bộ phận “một cửa” hoặc trực tiếp với cán bộ tại các phòng nghiệp vụ. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc quản lý người tham gia, nhất là khi thay đổi đơn vị, thay đổi nơi cư trú. Việc giám định hồ sơ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế được thực hiện thủ công trên hồ sơ giấy với tỷ lệ khoảng 20% tổng số hồ sơ đề nghị thanh toán. Tình trạng lạm dụng chi trả bảo hiểm xã hội diễn ra thường xuyên. Từ đó dẫn đến việc báo cáo quyết toán, thanh tra hằng năm đều thực hiện thủ công.
Nghị quyết số 68/2013/QH13, ngày 29-11-2013, của Quốc hội, về Đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; Nghị quyết số 36a/NQ-CP, ngày 14-10-2015, của Chính phủ, về Chính phủ điện tử; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 6-2-2017, của Chính phủ, Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đặt ra lộ trình, bước đi trong hiện đại hóa ngành bảo hiểm xã hội. Các nghị quyết đưa ra yêu cầu thực hiện giao dịch điện tử trong giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giảm 1/3 số lần và giảm 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; liên thông hệ thống công nghệ thông tin giữa bảo hiểm xã hội và cơ sở khám, chữa bệnh nhằm cải tiến thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh; nâng cao hiệu quả công tác giám định bảo hiểm y tế; xây dựng và áp dụng kiến trúc Chính phủ điện tử (2.0); nghiên cứu cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử, tích hợp thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử để quản lý bảo hiểm xã hội tập trung và đồng bộ trong phạm vi cả nước.
Ngày 22-5-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 714/QĐ-TTg ban hành danh mục 6 cơ sở dữ liệu quốc gia cần được ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, trong đó có cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Quyết định số 274/QĐ-TTg, ngày 12-3-2019, của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng xác định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm là cơ sở dữ liệu quan trọng để cung cấp dịch vụ định danh cho Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hiện nay, với hơn 89% số người dân tham gia bảo hiểm y tế, gần 15 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân theo tinh thần cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa bảo hiểm xã hội để nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã trở thành yêu cầu cấp thiết.
Trước yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và thực tế đòi hỏi của quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội, mục tiêu hiện đại hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đã trở thành quyết tâm chính trị của toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam với mong muốn đổi mới, phát triển toàn diện, công khai, minh bạch và đem lại sự hài lòng cho người dân.
Với yêu cầu và mục tiêu đề ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu: giao dịch điện tử trong công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế; giám định điện tử chi phí khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế thông qua hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế; số hóa hồ sơ lưu trữ; các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản... Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin được trang bị đầy đủ và vận hành hiệu quả.
Hệ thống phần mềm nghiệp vụ quan trọng được thiết lập theo mô hình tập trung dữ liệu tại Trung ương để quản lý các mảng nghiệp vụ quan trọng của ngành; đầu tư đồng bộ hạ tầng, phần mềm và cơ sở dữ liệu để cấp duy nhất một số định danh cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong hệ thống cấp số định danh và quản lý bảo hiểm y tế hộ gia đình và thuê dịch vụ công nghệ thông tin cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế.
Về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục vận hành hệ thống giao dịch điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm việc thực hiện thủ tục hành chính tại bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố được công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, đáp ứng mục tiêu cải cách thủ tục hành chính mà ngành đề ra.
Tính đến hết năm 2018, toàn ngành đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 115 thủ tục xuống còn 28. Công tác cải cách hành chính toàn ngành bảo hiểm xã hội đạt được nhiều kết quả đột phá, đã tăng cường sửa đổi, nâng cấp các phần mềm hỗ trợ tạo điều kiện tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, giảm thời gian kê khai, giải quyết thủ tục bảo hiểm xã hội. Nổi bật nhất là việc phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được người dân đánh giá cao. Tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng năm 2018 của 7 cơ quan thuộc Chính phủ(1).
Đến nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp được 20 trong 28 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổng số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử là gần 44 triệu hồ sơ điện tử giao dịch qua mạng.
Toàn bộ ứng dụng công nghệ thông tin của ngành bảo hiểm xã hội đã được triển khai theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Trung tâm Ðiều hành hệ thống công nghệ thông tin của ngành bảo hiểm xã hội, được triển khai xây dựng và bắt đầu vận hành là kết quả tổng hợp từ một quãng thời gian dài hệ thống bảo hiểm xã hội, đồng thời phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin...
Năm 2018 được coi là năm đột phá, nhiều hoạt động phục vụ định hướng hiện đại hóa ngành bảo hiểm xã hội được triển khai quyết liệt và có hiệu quả, như hệ thống “một cửa” điện tử tập trung trên cơ sở phần mềm “Tiếp nhận và quản lý hồ sơ”; cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam là điểm truy cập duy nhất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên in-tơ-net cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động, chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiếp nhận các yêu cầu giao dịch điện tử, khai thác thông tin, dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt, hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đã được đưa vào vận hành, kết nối gần 100% các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc để thực hiện quản lý khám, chữa bệnh, giám định và thanh toán bảo hiểm y tế. Ðồng thời, ngành bảo hiểm xã hội đã tạo lập xong cơ sở dữ liệu cho hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế với thông tin của 92,6 triệu dân, tương ứng với 24,3 triệu hộ gia đình toàn quốc.
Việc cập nhật, công bố, công khai thủ tục hành chính được thực hiện theo đúng quy định, tất cả các thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai tại trụ sở bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, bảo hiểm xã hội cấp huyện; Cổng Thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trang tin điện tử của bảo hiểm xã hội các tỉnh thực hiện công bố công khai danh mục các thủ tục hành chính. Đồng thời, thủ tục hành chính được cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận, thuận tiện khi cần giải quyết công việc. Bên cạnh đó, toàn bộ cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát để kịp thời cập nhật, chuẩn hóa các thủ tục hành chính còn hiệu lực, thủ tục hành chính mới ban hành và xóa bỏ các thủ tục hành chính đã hết hiệu lực theo đúng quy định.
Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được duy trì thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo 3 hình thức: qua bộ phận “một cửa” tại trụ sở cơ quan bảo hiểm xã hội, qua giao dịch điện tử (doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần) và qua dịch vụ bưu chính công ích (doanh nghiệp không phải trả phí). Điều đó đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội. Đồng thời, Hệ thống “một cửa” điện tử tập trung được đưa vào vận hành để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn... Đến nay, có trên 90% số đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử; có 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện thí điểm việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng tại một số nơi, như Hải Dương, Hà Nội và sẽ tiếp tục nhân rộng việc ứng dụng này trên toàn quốc trong thời gian tới.
Đồng thời, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin những năm vừa qua, ngành bảo hiểm xã hội đang khẩn trương xây dựng hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: dịch vụ tin nhắn (SMS); dịch vụ thanh toán trực tuyến; ứng dụng bảo hiểm xã hội trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); phân tích, khai thác được lượng dữ liệu rất lớn của ngành trên dữ liệu lớn (BIGDATA); thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội; cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên cấp độ 4.
Năm 2018, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao về tư tưởng cải cách, biện pháp cải cách và hiệu quả cải cách của ngành bảo hiểm xã hội, tác động rõ rệt tới kinh tế - xã hội đất nước, tạo công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo hiểm xã hội và người dân được hưởng các chế độ ghi nhận Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ngành bảo hiểm xã hội đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, trong khi cơ sở dữ liệu về dân cư nói chung chưa có. Quan trọng nhất là ngành bảo hiểm xã hội đã công khai, minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành và đặc biệt mang tính chất phục vụ với người dân, người tham gia các chính sách bảo hiểm xã hội, kiểm soát cơ sở khám, chữa bệnh để khắc phục những kẽ hở có thể bị lợi dụng trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh qua bảo hiểm y tế.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, bảo hiểm xã hội là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190 nền kinh tế trong năm 2018. Hiện, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang quản lý thông tin của hơn 94 triệu người dân với 6 thông tin cơ bản, trong đó có 82 triệu hồ sơ của người tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ dữ liệu này với các cơ quan khác, tiến tới tích hợp, đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu dân cư của quốc gia. Riêng với ngành thuế, hai bên đang hợp tác trao đổi thường xuyên.
Báo cáo đánh giá, xếp hạng an toàn thông tin cho cổng/trang thông tin điện tử cơ quan nhà nước năm 2019 - Portal Security Index (PSI) vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lọt vào tốp 3 về mức độ bảo đảm an toàn thông tin cho cổng/trang thông tin điện tử.
Qua quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành bảo hiểm xã hội có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm, cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử và lộ trình triển khai chuyển đổi số, lộ trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để xác định việc cần ưu tiên thực hiện. Quá trình cải cách thủ tục hành chính và đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ phải song hành với ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ hai, việc chuyển đổi số phải được tiến hành bắt đầu từ khâu tiếp nhận dữ liệu đầu vào cho nghiệp vụ và trả dữ liệu đầu ra cho người dân, doanh nghiệp trên các phương tiện công nghệ thông tin; tức là phải bắt đầu từ khâu giao dịch điện tử và trả kết quả bằng giao dịch điện tử, tiếp theo quy trình nghiệp vụ phải thực hiện trên điện tử. Đặc biệt, việc số hóa và sử dụng dữ liệu điện tử, kể cả hồ sơ cũ để bảo đảm khép kín quy trình phải được triển khai triệt để.
Thứ ba, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; muốn quản trị tốt bằng công nghệ thông tin thì phải có dữ liệu tốt; phải có đội ngũ chuyên môn, kỹ thuật sâu và hiểu biết nghiệp vụ. Đặc biệt, phải có quyết tâm mạnh mẽ của người đứng đầu và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả bộ máy.
Thứ tư, đầu tư cho công nghệ thông tin của ngành bảo hiểm xã hội trong giai đoạn vừa qua là rất lớn và đã đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để quản lý, phục vụ đối tượng có hiệu quả cao, cần phải có sự liên thông, kết nối và bổ sung các thông tin, dữ liệu quản lý của các ngành, các cấp khác để làm dữ liệu xử lý. Do đó, việc thực hiện lộ trình đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của ngành cần phải được tiến hành thận trọng, phù hợp với tốc độ phát triển hạ tầng công nghệ thông tin của các ngành, các cấp khác để bảo đảm hiệu quả.
Nhận rõ thách thức và triển khai các giải pháp trong thời gian tới
Ngành bảo hiểm xã hội đã xác định rõ những thách thức trong thời gian tới là:
Thứ nhất, sự cần thiết phải bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu, vì nguồn dữ liệu ngành bảo hiểm xã hội là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia. Nguy cơ về mất an toàn thông tin là nguy cơ mang tính chất hiện hữu và lâu dài, không thể giải quyết một cách chóng vánh.
Thứ hai, cán bộ sử dụng công nghệ thông tin chưa cập nhật, chưa tự ý thức được việc phải tự học, tự nâng cao trình độ, khả năng sử dụng công nghệ. Đây là vấn đề lãnh đạo ngành bảo hiểm xã hội đã có sự quan tâm nhưng vẫn chưa lấp đầy được khoảng cách theo yêu cầu đòi hỏi của công việc thực tế.
Thứ ba, hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích to lớn nhưng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ phía đối tác, đó là ngành y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh. Việc kết nối, liên thông dữ liệu tới tận cơ sở khám, chữa bệnh đã được bảo đảm gần như 100%, tuy nhiên một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa gửi dữ liệu điện tử đúng chuẩn theo quy định, một số hồ sơ không được cập nhật ngay khi bệnh nhân ra viện...
Để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, bảo hiểm xã hội đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, thường xuyên, liên tục có biện pháp để quản lý và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Đồng thời, quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho tất cả cán bộ, đặc biệt là cán bộ vận hành hệ thống, trực tiếp thực hiện công việc công nghệ thông tin, cán bộ công nghệ thông tin ở địa phương; nâng cao nhận thức cho người dùng cuối, bởi chính nguy cơ mất an toàn thông tin xuất phát từ chính người dùng cuối.
Hai là, tiếp tục đầu tư công nghệ theo đúng quy chuẩn để có hệ thống thông tin hiện đại và bảo đảm an toàn thông tin. Xây dựng các quy định về phối hợp ứng cứu và ứng phó với các sự cố an toàn thông tin, có quy trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, như cơ quan ứng cứu khẩn cấp máy tính, Cục An toàn thông tin để có sự phối hợp trên diện rộng. Ngành bảo hiểm xã hội cần có sự quan tâm toàn diện về ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành bảo hiểm xã hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Ba là, tiếp tục mục tiêu xây dựng ngành bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp năm 2019 và những năm tiếp theo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung vào các nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ; tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh có biểu hiện nghi vấn; kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng; tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 39/NQ-TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị, Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trình Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; cải cách trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội. Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và thực thi chính sách bảo hiểm xã hội. Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về bảo hiểm xã hội. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hoàn thiện, đẩy mạnh kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan nhằm phục vụ tốt công tác thực hiện chính sách và công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý bảo hiểm xã hội, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, kiến tạo và nâng cao niềm tin trong nhân dân, doanh nghiệp về hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội, về tính ưu việt, nhân văn của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho mọi người dân./.
------------------------------
(1) Trong 5 chỉ số 1- Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; 2- Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan; 3- Trang/Cổng thông tin điện tử (cung cấp, cập nhật thông tin; các chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử); 4- Cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin; 5- Nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin, thì chỉ có chỉ số 4 là Bảo hiểm xã hội Việt Nam đứng thứ 2, sau Thông tấn xã Việt Nam
Theo Tapchicongsan.org.vn
Tags:
Tác giả: Tapchicongsan.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
- Cam Lâm: Đẩy mạnh truyền thông dân số qua mạng xã hội (24/12/2019)
- Chăm lo tết cho người lao động (22/12/2019)
- Nha Trang: Lan tỏa phong trào chống rác thải nhựa (16/12/2019)
- Bế mạc Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 39 (15/12/2019)
- Khoảnh khắc đáng nhớ của người làm báo hình (15/12/2019)
- Ninh Hòa: Tăng cường quản lý khai thác khoáng sản (12/12/2019)
- Xã hội hóa công tác bảo tồn biển (11/12/2019)
- Xã hội hóa công tác bảo tồn biển (11/12/2019)
- Công bố kết luận thanh tra về thi đua, khen thưởng (10/12/2019)
- Chấn chỉnh công tác quản lý đất đai (10/12/2019)