Tuy các ngành, cơ quan liên quan đã tăng cường tuyên truyền nhưng vẫn còn tình trạng học sinh (HS), nhất là ở Nha Trang, vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông.
Tuyên truyền mạnh, nhưng vẫn vi phạm
Trung tá Lê Bửu Thọ - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (CSGT-TT) - Công an TP. Nha Trang cho biết, hiện nay, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông của HS tương đối phức tạp. CSGT-TT vẫn phát hiện HS điều khiển xe mô tô trên 50cm3 trên đường. Vi phạm này chủ yếu xảy ra với HS THPT. Ngoài ra, còn có HS đi xe đạp điện, xe máy điện hoặc được chở bằng xe mô tô nhưng không đội mũ bảo hiểm… Theo thống kê của đội, từ đầu năm học đến nay, lực lượng này đã phát hiện và lập biên bản khoảng 150 trường hợp HS vi phạm luật giao thông.
|
Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về luật giao thông vẫn được đẩy mạnh. Lực lượng CSGT-TT thành phố thường xuyên phối hợp với các trường học để phổ biến pháp luật về giao thông cho HS, đặc biệt lưu ý độ tuổi từ 15 đến 18. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Ông Phạm Hữu Bình - Hiệu trưởng Trường iSchool Nha Trang cho biết, nhiều năm liền, nhà trường đã phối hợp với lực lượng CSGT Công an Nha Trang tuyên truyền pháp luật cho HS, đồng thời cho phụ huynh HS ký cam kết với trường, nhắc nhở con em chấp hành luật giao thông. Đầu tháng 10 vừa qua, nhà trường tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho 200 HS. Nội quy của trường cũng quy định HS không được đi xe gắn máy tới trường. Khi phát hiện, trường đều nhắc nhở, kiểm điểm, thậm chí hạ bậc hạnh kiểm HS và mời phụ huynh tới. Trước đó, trường còn tổ chức các đội đi kiểm tra vào giờ tan trường.
Theo ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, ngành Giáo dục phối hợp rất chặt chẽ giữa hoạt động ngoại khóa với nội khóa trong tuyên truyền pháp luật về giao thông, gồm cả giao thông đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ. Việc tuyên truyền không chỉ ở một cấp học mà đều khắp ở mọi bậc học, từ mầm non đến THPT. Ngành cũng có nhiều văn bản chỉ đạo các phòng và trường trực thuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật giao thông của HS. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những trường hợp HS vi phạm như: vượt đèn đỏ, đi hàng ba, hàng bốn, không đội mũ bảo hiểm…
Cần nâng cao nhận thức
Luật Giao thông đường bộ quy định, người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3. HS THPT chưa đủ 18 tuổi, chưa thể qua các lớp sát hạch, chưa đủ điều kiện được cấp giấy phép lái xe. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số phụ huynh vẫn giao xe máy trên 50cm3 cho con mình đi học. Vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện một số điểm giữ xe tư nhân ở gần các trường học tổ chức trông giữ xe máy cho HS.
Trung tá Lê Bửu Thọ cho biết, thời gian tới, lực lượng CSGT-TT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các vi phạm của HS trên các tuyến giao thông, tập trung ở khu vực có trường THPT. Về việc giữ xe máy trên 50cm3 cho HS, điều này chính là tạo nguy hiểm gián tiếp cho HS khi tham gia giao thông. Lực lượng công an thành phố sẽ phối hợp với công an cấp xã tại địa bàn có trường THPT kiểm tra, rà soát các điểm người dân tự phát giữ xe cho HS có thu phí, từ đó có hướng xử lý.
Về phía phụ huynh, để đảm bảo an toàn không nên giao phương tiện phân khối lớn cho con. Theo quy định, HS sử dụng mô tô trên 50cm3, CSGT-TT sẽ lập biên bản về hành vi người từ 16 đến dưới 18 tuổi vi phạm trật tự an toàn giao thông, với mức phạt 400.000 - 600.000 đồng. Phụ huynh giao phương tiện cho con em mình cũng sẽ bị xử phạt về hành vi giao phương tiện cơ giới cho người không đủ điều kiện điều khiển và mức phạt là 900.000 đồng. Ngoài ra, CSGT còn yêu cầu phụ huynh ký cam kết, nếu tái phạm sẽ chịu hình thức xử lý mạnh hơn. Do đó, người dân cần nâng cao nhận thức, tuân thủ quy định pháp luật để đảm bảo an toàn giao thông.
Theo Báo Khánh Hòa